Ukraine toan tính gì khi phản công Nga ở vùng Kursk?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quân đội Ukraine gần đây mở cuộc phản công ở vùng Kursk của Nga bất chấp khó khăn. Các chuyên gia nhận định đằng sau quyết định này là thông điệp Kiev muốn gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, báo Đức DW nhận định.

Ukraine có thể đang truyền tải thông điệp về ý chí chiến đáu với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: DW.

Ukraine có thể đang truyền tải thông điệp về ý chí chiến đáu với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: DW.

Cho đến ngày 8/1, Ukraine vẫn khá kín tiếng, giống như khi lần đầu mở cuộc tấn công vùng Kursk của Nga vào tháng 8/2024. Quân đội Ukraine thường cố gắng đạt được thành công cụ thể trên chiến trường trước khi đưa ra các tuyên bố chính thức.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 5/1 tuyên bố đã ngăn chặn “nỗ lực phản công” của Ukraine ở khu vực Bolshesoldatsky, cách thủ phủ Kursk khoảng 80km. Nga tuyên bố phá hủy 4 xe tăng, 2 xe bọc thép chiến đấu, 16 xe bọc thép chở quân và một xe phá mìn của Ukraine.

Nỗ lực khiến ông Trump chú ý?

Theo DW, đối với các nhà quan sát, việc Ukraine cố gắng phản công Nga ở vùng Kursk không phải là điều bất ngờ. Tháng 12/2024, đại tá Markus Reisner, chuyên gia quân sự Áo, nói Ukraine đang có kế hoạch phản công Nga. Ông Reisner nói Ukraine muốn chứng minh với các đồng minh phương Tây về tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ quốc gia trong cuộc xung đột với Nga.

Hướng phản công của Ukraine ở vùng Kursk. Ảnh: Euromaidan Press.

Hướng phản công của Ukraine ở vùng Kursk. Ảnh: Euromaidan Press.

Để làm được điều đó, Ukraine muốn chứng minh cho ông Trump rằng nước này vẫn có ý chí chiến đấu cao độ, bất kể khó khăn đến đâu.

Nhưng theo ông Reisner, vẫn còn quá sớm để nói rằng Ukraine muốn khôi phục quyền kiểm soát lãnh thổ Nga ở vùng Kursk. “Những gì chúng ta thấy cho đến nay là một cuộc phản công nâng cao có sự tham gia của 3 lữ đoàn mà mục tiêu vẫn chưa rõ ràng”, ông Reisner nói.

Quân đội Ukraine đã chịu áp lực ngày càng lớn ở vùng Kursk và mất hơn 60% lãnh thổ kiểm soát cách đây 5 tháng. Hơn nữa, khu vực hiện do Ukraine kiểm soát rộng ở vùng Kursk chỉ còn chưa đầy 500km2 và liên tục bị Nga tấn công từ 3 hướng. “Ukraine đang cố gắng tạo ra sự đột phá để thoát khỏi vòng vây mà Nga đang dần khép lại”, ông Reisner nói.

Sẽ còn nhiều bất ngờ?

Shashank Joshi, chuyên gia về các vấn đề quân sự của tạp chí The Economist (Anh), đề cập một số lý do khác. “Ý tưởng có thể là tạm thời buộc Nga phải lui về phòng thủ, từ đó giúp kéo dài thời gian”, Joshi nói với báo Đức DW. 

"Điều này phức tạp vì thực tế là cũng có một cuộc tấn công khá quan trọng của Nga đang diễn ra ở Kursk cùng lúc", ông nói thêm.

Joshi không loại trừ khả năng Ukraine đang muốn đánh lạc hướng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn. Các phương tiện truyền thông Nga gần đây nêu khả năng Ukraine có thể phát động “tấn công vùng Bryansk của Nga với mục đích tạo ra bất ngờ như ở Kursk”.

Các hướng tấn công của Nga ở vùng Kursk trong những ngày qua. Ảnh: Euromaidan Press.

Các hướng tấn công của Nga ở vùng Kursk trong những ngày qua. Ảnh: Euromaidan Press.

Đại tá Reisner đồng tình. “Tôi nghĩ sẽ còn thêm những bất ngờ từ nay cho đến khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1”. “Hãy nhìn bản đồ vùng đông bắc Ukraine, không phải tất cả các khu vực biên giới đều được Nga gia cố kỹ lưỡng. Có một số khu vực mà Ukraine có thể mở rộng kiểm soát để tạo đòn bẩy trong đàm phán”, ông Reisner nói.

Ukraine đánh cược rủi ro?

Giống như việc Ukraine tấn công vùng Kursk vào tháng 8/2024, việc Kiev tiếp tục các hoạt động quân sự trong lãnh thổ Nga đặt ra câu hỏi liệu “có đáng hay không?”. Tại sao Ukraine không bổ sung lực lượng phòng thủ ở tiền tuyến vùng Donetsk, trong bối cảnh Kiev vẫn đang liên tục mất lãnh thổ vào tay Nga.

“Có lẽ giới lãnh đạo Ukraine đánh giá rằng kể cả khi mất thành phố Pokrovsk, cán cân sức mạnh quân sự và triển vọng đàm phán vẫn không thay đổi”, Joshi nói với DW.

Ngược lại, nếu tiếp tục duy trì kiểm soát vùng Kursk và có thể là các vùng lãnh thổ khác của Nga, lợi ích đàm phán sẽ lớn hơn. “Đây là một cuộc đánh cược”, Joshi nói.

Hơn nữa, đối với Ukraine hiện nay, điều quan trọng là phải tìm cách để “xuất hiện trên mặt báo càng nhiều càng tốt” trước khi ông Trump nhậm chức, ông Reisner nhận định, vì sự ủng hộ liên tục của phương Tây là rất quan trọng.

Theo các chuyên gia, Ukraine có thể mong chờ một thỏa thuận có lợi mà ông Trump đóng vai trò trung gian bởi nếu không, “Kiev sẽ còn hứng chịu tổn thất lớn hơn nhiều”.

Các lực lượng Nga bắt đầu tập kích dữ đội Sudzha – thị trấn lớn nhất mà Ukraine kiểm soát trong chiến dịch tấn công vùng Kursk của Nga vào năm ngoái....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - DW ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN