Ukraine tăng chi gấp 20 lần sản xuất vũ khí
Hoạt động sản xuất vũ khí nội địa gần là "lối thoát" của Ukraine trong tình trạng thiếu hụt đạn dược trầm trọng trên chiến trường.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt trầm trọng đạn dược và vũ khí chiến đấu trên tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga hiện tại, chính phủ Ukraine đang dốc hết lực tự tìm cách trang bị vũ khí cho quân đội trong lúc chờ viện trợ từ phương Tây.
Chính phủ Ukraine đã đổ rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước vì hy vọng với số vũ khí và đạn dược “cây nhà lá vườn”, các lực lượng Kiev có thể lật ngược tình thế trên chiến trường. Theo hãng tin AP, lĩnh vực này hiện cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, được coi là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh hiện nay.
Một công nhân của Công ty Ukraine Armor đang sơn vết xước trên súng cối cỡ nòng 120 mm. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Nỗ lực tự trang bị vũ khí
Theo AP, chính phủ Ukraine đã chi gần 1,4 tỉ USD trong năm nay (năm 2024) để phát triển vũ khí trong nước - gấp 20 lần so với khoản ngân sách phân bổ cho lĩnh vực này hồi trước khi chiến sự với Nga bùng phát. Tuy nhiên, số tiền này cũng được phân bổ cho việc mua vũ khí từ các công ty tư nhân khiến các doanh nghiệp loại này mọc lên như nấm và nhanh chóng chiếm lĩnh cả ngành công nghiệp vốn do các tập đoàn quốc doanh thống trị.
Hồi tháng trước, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết rằng đối với một số khí tài quan trọng như phương tiện không người lái, Ukraine đã sản xuất được 90% những gì quân đội của họ cần. Trong số này có máy bay không người lái (UAV) tầm xa đã tấn công các cơ sở dầu khí sâu bên trong nước Nga, cũng như xuồng không người lái đã gây thiệt hại đáng kể cho hạm đội Biển Đen của Moscow, theo tờ The Washington Post.
Ukraine cũng tự sản xuất đạn súng cối và các loại đạn pháo cỡ nòng 122 mm, 152 mm theo chuẩn Liên Xô trước đây. Các công ty quốc phòng Ukraine cũng đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu lớn nhất của quân đội là chế tạo đạn pháo cỡ nòng 155 mm theo tiêu chuẩn vũ khí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cần thiết cho các hệ thống pháo binh do phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng sản xuất nội địa là chìa khóa để Ukraine có thể duy trì khả năng phòng thủ của mình. “Đây là lối thoát” - ông Zelensky đề cập hy vọng Ukraine có thể phát triển toàn diện ngành công nghiệp vũ khí của đất nước, nhằm chấm dứt các kế hoạch mà ông cho là “gây bất ổn, mở rộng và kiểm soát Ukraine” của Nga.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin tháng trước cho biết Kiev đã triển khai tên lửa nội địa có tầm bắn hơn 640 km. Giới chức Ukraine cho biết thêm rằng nước này cũng đang phát triển các hệ thống phòng không và tên lửa có độ chính xác cao tương tự hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.
Vẫn rất cần phương Tây
Theo AP, việc Ukraine gia tăng chi tiêu quân sự diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ 60 tỉ USD và các nước châu Âu cũng đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ đạn dược cho Kiev.
Ông Trevor Taylor, nhà nghiên cứu tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định rằng mặc dù sự chuyển đổi trong lĩnh vực quốc phòng của Ukraine rất ấn tượng nhưng nước này không thể đẩy lùi Nga nếu không có sự hỗ trợ lớn từ phương Tây.
Sau khi Liên Xô tan rã, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine cũng từ đó gần như sụp đổ. Nhiều yếu tố như quản lý yếu kém, tham nhũng... khiến Ukraine phải nhập khẩu mọi thứ từ nước ngoài, từ đạn đến máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã khiến Kiev giờ đây chú trọng thúc đẩy ngành sản xuất vũ khí nội địa.
Các quan chức Ukraine cho biết họ không thể tiết lộ số liệu chính xác về sản lượng sản xuất của họ vì lo ngại về an ninh. Nhưng hàng loạt hạn chế từ việc thiếu nguồn tài chính cho đến khó khăn trong việc tìm đủ thuốc súng đang ngăn cản ngành công nghiệp Ukraine tăng cường sản xuất.
Ông Oleksandr Zavitnevych, người đứng đầu Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo trong Verkhovna Rada (tức Quốc hội Ukraine), cho biết: “Ngân sách nhà nước của chúng tôi không đủ”. Khả năng tài trợ hoạt động sản xuất vũ khí trong nước của Ukraine bị hạn chế bởi vốn đầu tư mà nước này có thể phân bổ, do hỗ trợ tài chính của phương Tây thường dành cho các chi tiêu phi quân sự. Các quan chức cho biết năm nay Ukraine dự định sẽ chi khoảng 5 tỉ USD cho hoạt động sản xuất vũ khí nội địa nhưng như vậy là chưa đủ.
Ông Kamyshin nói rằng năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine rất lớn và nguồn tài trợ sẵn có để hỗ trợ nó thì lại quá ít ỏi, vì vậy họ cần phải lựa chọn kỹ lưỡng đầu tư phát triển vào loại vũ khí có thể giúp họ thay đổi cục diện chiến trường.
“Chúng tôi có khả năng làm được nhiều hơn nhưng chúng tôi không có đủ kinh phí để thực hiện điều đó. Đầu tiên chúng tôi cần phải ưu tiên đạn dược, sau đó là UAV và tiếp đó mới đến năng lực phòng không. Chúng tôi đang cố gắng phát triển nhóm vũ khí này bằng nguồn tài trợ sẵn có, các loại khí tài khác vẫn chưa đụng tới” - ông nói. Ông nhấn mạnh Mỹ và các đối tác khác của Ukraine có thể giúp Kiev trong mảng này. “Chúng tôi đang kêu gọi Anh và Mỹ tài trợ” - ông nói thêm, theo tờ The Independent.
Ngoài ra, Ukraine cũng đang cần những vũ khí uy lực lớn giúp thay đổi cục diện và giành ưu thế chiến trường mà chỉ phương Tây mới có. Tuy sản xuất được nhiều loại khí tài như UAV, xuồng không người lái, hay đạn dược các loại nhưng trong bối cảnh hiện tại, Ukraine còn lâu mới tự sản xuất được các hệ thống vũ khí công nghệ cao để đẩy lùi lực lượng Nga. “Phải mất nhiều thập niên để xây dựng và làm chủ được một cơ sở sản xuất như vậy” - ông Maksym Polyvianyi, Phó Tổng Giám đốc Ukraine Amor (công ty vũ khí tư nhân lớn nhất Ukraine), nói.
Vũ khí cho Ukraine: Tây Balkan có thể giúp được không? Tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu Albania hồi cuối tháng 2, ông Zelensky đã nêu ý kiến hợp tác sản xuất vũ khí với các nước Tây Balkan. “Tôi đề xuất một diễn đàn công nghiệp quốc phòng chung giữa Ukraine, vùng Balkan và các đối tác của chúng tôi” - ông nói. Điều này đặt ra câu hỏi liệu khu vực Tây Balkan có đủ khả năng để thực hiện mong muốn của ông Zelensky hay không, theo hãng tin DW. Lý giải tại sao ông Zelensky lại nhắm tới vùng Tây Balkan, bà Katarina Djokic, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển), nhận định: “Dù các nước Tây Balkan không sản xuất nhiều loại vũ khí lớn nhưng họ có một số nhà máy sản xuất đạn dược và đây là thứ Ukraine đang rất quan tâm”. Bà Djokic nói rằng hầu hết hoạt động sản xuất vũ khí trong khu vực tập trung ở Bosnia-Herzegovina, Croatia và Serbia. Các công ty ở đó sản xuất đạn dược với nhiều cỡ nòng và cho các loại vũ khí khác nhau, gồm cả hệ thống pháo và súng cối. Theo bà, chắc chắn là khu vực này không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của Ukraine nhưng khi đặt trong bối cảnh “Ukraine tìm kiếm càng nhiều đạn dược càng tốt thì việc Kiev quan tâm đến hoạt động sản xuất vũ khí của các nước Tây Balkan không có gì đáng ngạc nhiên”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một tướng quân đội Mỹ nói thời đại của lựu pháo có thể sắp kết thúc trong bối cảnh môi trường chiến tranh hiện đại đòi hỏi các loại vũ khí cơ động hơn.