Ukraine phản công Nga: Những tháng tới sẽ ra sao?
Bất chấp việc quân đội Ukraine bắt đầu tạo ra bước tiến trong cuộc xung đột với Nga, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán xung đột vẫn sẽ diễn ra khốc liệt trong vài tháng tới và chỉ có thể tạm lắng dịu vào mùa đông.
Binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ gần Izyum, thành phố được giành lại từ tay Nga trong đợt phản công diễn ra từ tuần trước.
Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên ngày 15/9 nói Ukraine đã chứng minh khả năng đảo ngược các bước tiến của Nga kể từ cuộc xung đột diễn ra cách đây gần 7 tháng.
Tuy nhiên, lực lượng chiến đấu của Nga vẫn rất mạnh. "Nga có trang thiết bị, vũ khí và đạn dược đáng kể ở các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát, chưa kể các vũ khí dự trữ ở Nga. Do vậy, xung đột còn lâu mới có thể kết thúc", quan chức giấu tên nói trên Washington Post.
Mỹ hiện duy trì chiến lược cung cấp vũ khí và đạn được đều đặn cho Ukraine, nhưng chưa tính đến việc hỗ trợ các vũ khí hạng nặng hoặc vũ khí tầm xa mới.
Theo các quan chức Mỹ, giao tranh sẽ diễn ra rất khốc liệt trong phần còn lại của mùa thu. Nga và Ukraine sẽ cố gắng chiếm ưu thế nhất có thể trước khi mùa đông tới, thời điểm tuyết rơi dày khiến hoạt động hậu cần và các xung đột diễn ra khó khăn hơn.
Các thành phố lớn ở Ukraine như Kherson, Melitopol, Mariupol đang nằm trong quyền kiểm soát vững chắc của Nga.
"Đến mùa đông, xung đột có thể tạm lắng. Nga sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tích trữ vũ khí, tái tổ chức lực lượng trước khi giao tranh quay trở lại vào mùa xuân", quan chức Mỹ giấu tên nói.
Vào mùa đông, các quốc gia châu Âu sẽ tiêu thụ một lượng lớn khí đốt trong khi chưa thể "đoạn tuyệt với khí đốt Nga". Nguồn thu lớn từ dầu mỏ và khí đốt giúp Moscow không hề hấn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và tiếp tục kéo dài chiến dịch quân sự đặc biệt.
Gần đây, Điện Kremlin đã phủ nhận khả năng ban bố lệnh tổng động viên để bổ sung thêm nhân lực cho chiến dịch ở Ukraine. Nga vẫn còn quân bài hạt nhân, với các vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể sử dụng trên chiến trường với mục đích răn đe.
Samuel Charap, chuyên gia về Nga tại tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), nói: "Các bước tiến mới giúp Ukraine có thêm sự tự tin nhưng cũng khiến các bên khó đạt được thỏa thuận trên bàn đàm phán, vì Ukraine đang nghĩ rằng họ có thể làm được nhiều hơn như vậy".
Giới chức Mỹ hy vọng Nga và Ukraine có thể đạt thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột. Nhưng với tình thế hiện nay, vẫn còn quá sớm để nói về đàm phán.
"Hiện tại, Ukraine chưa có vị thế để đàm phán. Họ đã mất 20% lãnh thổ vào tay Nga và 30% năng lực của ngành công nghiệp và nông nghiệp", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói. "Đó là lý do chúng tôi ủng hộ Ukraine tiếp tục phản công".
Thời gian tới, Washington và Kiev sẽ phải tính toán về việc có nên tiến quân sâu hơn vào vùng Donbass, hay củng cố mặt trận phía nam và tiếp tục gây sức ép ở Kherson. Đây đều là các khu vực Nga đã tập trung một lượng lớn binh lực, không dễ dàng để xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga như ở Kharkiv.
"Ukraine không chấp nhận từ bỏ một tấc đất lãnh thổ. Nhưng đến một thời điểm, họ sẽ phải đưa ra quyết định", Alexander Vershbow, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và từng là Phó Tổng thư ký NATO, nói.
Daniel Fried, nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, nói chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đúng khi bày tỏ sự thận trọng trong những tháng xung đột tới.
"Những năm qua, Mỹ đã nếm trải thất bại ở Afghanistan và ở Iraq. Thành công ở Ukraine là có thể, và hướng tới triển vọng đó đáp ứng lợi ích quốc gia của Mỹ", ông Fried nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Nga gần đây tuyên bố đã giáng đòn tập kích hạ gục nhiều binh sĩ Ukraine, phá hủy các xe bọc thép quân sự và xe chuyên dụng, khiến nỗ lực tạo bước tiến của Kiev...