Ukraine nỗ lực chấm dứt chiến sự với Nga
Tổng thống Volodymyr Zelensky đánh tiếng muốn Trung Quốc tác động lên Nga nhằm chấm dứt chiến sự.
Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài gần nửa năm và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Một mặt khẳng định sẽ không nhượng bộ Nga nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn chủ trương tìm cách chấm dứt chiến sự.
Ông Zelensky đặt kỳ vọng vào Trung Quốc
Ngày 3-8, trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, ông Zelensky nói ông muốn có cơ hội trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình về cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky kỳ vọng TQ sẽ sử dụng sức ảnh hưởng lớn về kinh tế và chính trị thuyết phục Nga đưa cuộc chiến tại Ukraine đến hồi kết.
Thế giới cần một kiến trúc an ninh toàn cầu mới để tránh xung đột quốc tế như cuộc xung đột hiện tại giữa Moscow và Kiev... Phải có một kiến trúc an ninh toàn cầu hiệu quả để đảm bảo rằng không một quốc gia nào có thể chống lại một quốc gia khác nữa. Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY nói ngày 3-8 |
Theo ông Zelensky: “TQ là cường quốc với nền kinh tế mạnh. Do đó họ có thể tác động về mặt kinh tế và chính trị với Nga. TQ cũng là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
“Tôi tự tin chắc chắn rằng nếu Nga không có thị trường TQ, Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn về kinh tế. Đó là điều TQ có thể làm, hạn chế thương mại với Nga cho đến khi chiến tranh kết thúc” - ông Zelensky nêu ý kiến.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông từng có một cuộc trò chuyện với ông Tập cách đây một năm. Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24-2, Kiev cũng đã đề nghị đối thoại với TQ nhưng chưa thành. Dù vậy, ông vẫn tin rằng việc nhờ TQ lên tiếng là điều có ích.
Theo ông Zelensky, ông hiểu TQ muốn duy trì lập trường “cân bằng” trong xung đột Nga - Ukraine nhưng ông vẫn muốn TQ “xem xét lại lập trường đối với Nga” và có cách tiếp cận khác.
TQ đến nay vẫn giữ lập trường trung lập, không nghiêng về bên nào trong cuộc xung đột. TQ không trừng phạt Nga như các nước phương Tây, đồng thời đã cam kết viện trợ 2,37 triệu USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra.
Lính cứu hỏa chữa cháy tại một bệnh viện bị trúng tên lửa của Nga ở tỉnh Mykolaiv (Ukraine) vào ngày 1-8. Ảnh: REUTERS
Viễn cảnh hòa đàm vẫn gặp khó
Trong khi muốn TQ hỗ trợ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột với Nga, ông Zelensky vẫn cho thấy sự thiếu tin tưởng với Nga, trang tin Ukrainska Pravda nhận xét. Ngày 3-8, ông Zelensky khẳng định nếu Nga thực sự muốn chấm dứt chiến tranh, nước này sẽ không tập hợp quân dự bị ở miền Nam Ukraine ở thời điểm hiện tại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng có phát biểu với nội dung tương tự khi khẳng định những tuyên bố của Nga về việc nối lại hòa đàm chỉ là nhằm mục đích kéo dài cuộc chiến. Ông Kuleba cho rằng Nga vẫn đang tập trung nguồn lực vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Về phần Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga đã sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình với Ukraine và Kiev có thể chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra bằng cách chấp nhận các điều kiện của Moscow. Cũng theo ông Peskov, hồi cuối tháng 3 Nga và Ukraine đã gần giải quyết được những khác biệt giữa hai nước theo cách mà Nga có thể chấp nhận được nhưng cuối cùng, nội dung ở dự thảo thỏa thuận được chuẩn bị trong cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ không được Ukraine thực hiện.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder khẳng định ông Putin sẵn sàng nối lại đàm phán ngoại giao với Ukraine. “Tin tốt là điện Kremlin muốn một giải pháp đối thoại. Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, nó có thể dần mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn” - ông Schroeder nói sau cuộc gặp với ông Putin.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak lúc đó đã bác bỏ tuyên bố của ông Schroeder về giải pháp hòa bình với Nga trên nền tảng thỏa thuận ngũ cốc. Ông Podolyak nói rằng nếu muốn đàm phán hòa bình thì Nga trước tiên phải ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine.
Đầu tháng 7, ông Podolyak đã đưa ra những điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh. Trong khi đó, Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk ở khu vực Donbass.
Châu Âu đã tiếp nhận hơn 6,3 triệu dân tị nạn Ukraine Số liệu cập nhật được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 3-8 cho thấy hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine đã đến các nước khác ở châu Âu kể từ tháng 2. Trong số này bao gồm hơn 1,9 triệu người đến Nga, 1,2 triệu người đến Ba Lan, 900.000 người đến Đức, 404.000 người đến Cộng hòa Czech, 157.000 người đến Ý, 131.000 người đến Tây Ban Nha và 104.000 người đến Anh. Ở các nước khác, số lượng người tị nạn Ukraine không vượt quá 100.000 người. Theo UNHCR, trên thực tế số người Ukraine chạy sang nước khác kể từ tháng 2 là hơn 10,3 triệu người. Tuy nhiên, trong thời gian từ ngày 28-2 đến 3-8 đã có hơn 4 triệu người quay trở lại. |
Các lực lượng Nga đang nhắm tới khả năng tiến sâu hơn về phía bắc, với mục tiêu là kiểm soát Kryvyi Rih, thành phố quê hương của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nguồn: [Link nguồn]