Ukraine nhận tên lửa M270 khi đang phản công dồn dập, liệu cục diện có thay đổi?
Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270 uy lực hơn và tác chiến nhanh hơn các tên lửa của Moscow nhưng dường như chỉ cầm chân được quân Nga, vì sao?
Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270 đầu tiên của phương Tây đã đến Ukraine giữa lúc nước này đang phản công dồn dập. Liệu hệ thống này có giúp Ukraine xoay chuyển tình thế khi phối hợp với hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS) của Mỹ?
M270 đổ về đúng lúc Ukraine dồn dập phản công
Theo đài CNN, có một yếu tố mới và quan trọng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đó là Ukraine sử dụng các hệ thống pháo và tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để đánh vào các sở chỉ huy, tuyến đường liên lạc, trung tâm hậu cần, sân bay và kho đạn của Nga sâu trong phòng tuyến ở phía đông và nam Ukraine.
Trong những tuần đầu tháng 7, đã có nhiều vụ nổ lớn tại một số khu vực do Nga kiểm soát ở các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson. Đáng nói là Ukraine đã thọc sâu vào nhiều mục tiêu cách tiền tuyến ít nhất 40 km. Theo những hình ảnh vệ tinh và phân tích của các chuyên gia quân sự phương Tây, việc nhắm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine đã đạt hiệu quả cao.
Lực lượng Ukraine sử dụng tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS do Mỹ gửi. Ảnh: TWITTER
Mặc dù phía quân đội Ukraine không đưa ra những thông tin cụ thể nhưng Trợ lý Bộ trưởng bộ Nội vụ Vadim Denysenko cho biết trong hai tuần đầu tháng 7 nói rằng nhờ vào những vũ khí mà Ukraine nhận được, Kiev đã phá hủy hơn 20 kho chứa vũ khí và nhiên liệu Nga. Ông cho rằng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cường độ hỏa lực của Nga.
M270 sẽ phối hợp tốt với HIMARS
Ngày 15-7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Oleksii Reznikov cho biết hệ thống M270 đầu tiên từ phương Tây đã về tới Ukraine và hệ thống này sẽ phối hợp tốt với HIMARS trên chiến trường.
HIMARS là hệ thống tên lửa phóng loạt có tính cơ động cao do được đặt trên khung gầm xe tải và có hệ thống hướng dẫn GPS. Lợi thế của 2 điểm này lần lượt là nó khó bị đối phương nhắm bắn hơn và các tên lửa nhắm chính xác mục tiêu hơn. Đài CNN dẫn lời 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho biết độ lệch so với mục tiêu của tên lửa chỉ nằm trong khoảng 2 đến 3 mét.
Còn các hệ thống M270 có lợi thế là hỏa lực mạnh, gấp đôi HIMARS. Nó có thể bắn ra 12 quả rocket trong vòng 40 giây và 2 loạt tên lửa trong 10 giây, do đó có thể vô hiệu hóa được các mục tiêu quan trọng trong thời gian rất ngắn, theo trang Military.com.
Trường 134 bị Nga pháo kích ở tỉnh Kharkiv, Ukraine ngày 17-7. Ảnh: REUTERS
Một điểm cần lưu ý nữa là các hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa M270 và HIMARS có thời gian tác chiến nhanh hơn so với các hệ thống cùng loại uy lực nhất của Nga là BM-27 Uragan, BM-30 Smerch và 9K515 Tornado-S.
Cụ thể, các hệ thống tên lửa của Nga cần tới 12 phút cho quá trình hướng dẫn và ngắm bắn và từ 20 đến 40 phút để nạp đạn. Còn M270 và HIMARS mà phương Tây cung cấp cho Ukraine chỉ mất 1 phút để ngắm và 5 phút để nạp đạn, theo trang Sundries.
Theo đài CNN, Ukraine bắn HIMARS vào ban đêm khiến quân Nga khó phát hiện và đáp trả vào các hệ thống hỏa lực Ukraine. Quân Nga đã phải vật lộn để chiến đấu vào ban đêm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột và Ukraine vẫn đang tận dụng kế hoạch tác chiến này.
Như vậy, nếu M270 MLRS và HIMARS cùng phối hợp tác chiến, đặc biệt là về đêm, thì có thể phát huy được tối đa hỏa lực và khả năng vô hiệu hóa mục tiêu chớp nhoáng của mình.
Liệu Ukraine có thể xoay chuyển tình thế?
Mặc dù các hệ thống vũ khí tầm xa của phương Tây gửi Ukraine rất uy lực, thậm chí còn hơn hẳn vũ khí Nga nhưng cũng có một vài chuyên gia cho rằng các hệ thống này chỉ có tác dụng "cầm chân" lực lượng Nga nhiều hơn là thay đổi đáng kể cục diện.
Lực lượng Ukraine bắn lựu pháo FH-70 ở vùng Donbass, miền đông Ukraine ngày 18-7. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia về quân sự Nga Rob Lee của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại TP Philadelphia (Mỹ) cho rằng những hệ thống tên lửa tầm xa mà phương Tây gửi Ukraine là một sự bổ sung hữu ích cho Ukraine, giúp cản đà tiến quân của Nga. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những vũ khí này không nhất thiết là sẽ giúp Ukraine lấy lại lãnh thổ, theo tờ The New York Times.
Còn chuyên gia Daria Kaleniuk nói với chuyên san Foreign Policy rằng: "Ukraine chưa có đủ vũ khí tầm xa để phản công hiệu quả”.
Hồi tháng 6, Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky - ông Mykhailo Podolyak cho rằng Ukraine cần 300 hệ thống tên lửa phóng loạt và 500 xe tăng, cùng những vũ khí khác để có thể có sức mạnh ngang Nga trên chiến trường.
Trong khi đó, cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael G. Vickers nói rằng Ukraine cần ít nhất 60 và có thể là 100 hệ thống HIMARS hoặc các hệ thống tên lửa phóng loạt khác để giành chiến thắng trong trận chiến pháo binh.
Tuy nhiên, hiện tại thì Ukraine mới chỉ có trong tay 8 hệ thống HIMARS của Mỹ và 4 hệ thống nữa đang trên đường tới.
Trước đó, hồi tháng 6, Anh cũng tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine một số hệ thống M270. Dù không nói rõ số lượng nhưng tờ Guardian cho rằng đây sẽ là một con số nhỏ và có thể sẽ tương đương với số lượng mà Mỹ gửi. Ukraine vừa qua cũng đã nhận được hệ thống M270 đầu tiên của một nước đối tác.
Với số lượng khiêm tốn tên lửa tầm xa như vậy thì Ukraine cũng rất chật vật để xoay chuyển cục diện, dù có thể phá hủy được các mục tiêu Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, với các hệ thống vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ, quân đội nước này đang gây ra tổn thất đáng kể cho Nga.