Ukraine nhận "mưa chi viện" từ phương Tây: Ông Zelensky là nguyên nhân?
Khi cuộc giao tranh Nga – Ukraine bước sang ngày thứ 5, phong thái can đảm và những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Volodymyr Zelensky giúp ông ngày càng nhận được nhiều ủng hộ từ phương Tây.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận được nhiều ủng hộ của người dân giữa giao tranh với Nga (ảnh: CNN)
Bằng cách nào đó, những lời phát biểu của ông Zelensky đã khiến giới lãnh đạo Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tự thẹn, CNN nhận định.
Sau khi Kiev – thủ đô Ukraine – không bị Nga kiểm soát vào ngày 26.2, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang tới tấp gửi viện trợ cho Ukraine, bất chấp việc quốc gia đông Âu không phải thành viên NATO.
Thay đổi bất ngờ nhất đến từ Đức. Lần đầu tiên dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz, Đức đã kêu gọi NATO tăng chi tiêu quân sự và gửi vũ khí giúp Ukraine đảm bảo an ninh. Trước đó, Đức thường xuyên bị Mỹ chỉ trích vì không muốn nâng mức đóng góp cho các hoạt động của NATO.
Hôm 25.2, Đức tuyên bố dừng chứng nhận đường ống khí đốt Nord Stream 2 – hành động có thể khiến Nga thiệt hại hàng tỷ USD.
Hôm 26.2, Đức tuyên bố cung cấp cho chính quyền Kiev 1.000 hệ thống vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger. Số vũ khí này sẽ được chuyển tới Ukraine càng nhanh càng tốt.
Nhiều quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng tuyên bố áp các lệnh trừng phạt khác nhau nhằm vào Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine.
Vũ khí viện trợ gửi tới Ukraine (ảnh: CNN)
Theo một số chuyên gia, những thay đổi đáng kể của phương Tây đến từ Tổng thống Zelensky – người ban đầu không nhận được nhiều kỳ vọng sẽ giúp Ukraine vượt qua cơn khủng hoảng.
“Trận chiến ở đây. Chúng tôi cần đạn dược, không cần đi nhờ xe”, ông Zelensky tuyên bố khi Mỹ đề nghị giúp mình rời Ukraine.
Tổng thống Zelensky nhiều lần nhấn mạnh, ông và vợ con sẽ ở lại Ukraine, bất chấp việc có thể trở thành “mục tiêu” của quân đội Nga.
“Yếu tố tâm lý trong một cuộc xung đột với đối thủ mạnh hơn là rất quan trọng. Quân đội Nga có thể đã không lường được phản ứng của ông Zelensky”, David Khalfa – chuyên gia thuộc Tổ chức phân tích Jean Jaures (Pháp) – nhận xét.
Theo ông Khalfa, trong những thời điểm khắc nghiệt nhất, ông Zelensky đang thể hiện “chủ nghĩa anh hùng” khi kiên quyết không đầu hàng trước sức ép quân sự của Nga.
“Ukraine là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ gia nhập”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu hôm 27.2.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với bà von der Leyen về việc tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine và tư cách thành viên của nước này tại EU.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết, khối này sẽ viện trợ 501 triệu USD vũ khí quân sự và hơn 55 triệu USD để giúp Ukraine đảm bảo an ninh. Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden cũng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp 350 triệu USD cho Ukraine. Các nước Pháp, Đức, Anh, Úc… cũng tuyên bố gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, chủ yếu thông qua Ba Lan.
“Người Ukraine đang tập hợp sau lá cờ của ông Zelensky và Tổng thống Ukraine bằng cách nào đó, đang giúp NATO và EU đoàn kết hơn”, ông David Khalfa nhận xét.
Người dân Ukraine trên đường tị nạn sang Ba Lan (ảnh: CNN)
Thử thách mới đặt ra cho Tổng thống Zelensky vào hôm 27.2, khi Tổng thống Nga Putin lệnh cho lực lượng răn đe hạt nhân nước này vào tình trạng báo động.
“Cũng giống như Mỹ, NATO, một bộ phận vũ khí hạt nhân Nga có thể đặt trong tình trạng sẵn sàng và phóng đi trong vòng 10 phút sau khi nhận lệnh”, Marc Finaud – chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva – nói.
Theo ông Finaud động thái mới có thể là “đòn tâm lý” của ông Putin nhằm vào Ukraine.
“Trong tình trạng báo động, các đầu hạt hạt nhân của Nga sẽ được gắn trên tên lửa, tàu ngầm hoặc bom đã ở trên máy bay. Câu hỏi thực sự là liệu ông Putin có sẵn sàng ra lệnh tấn công hạt nhân chỉ vì một cuộc xung đột với quốc gia láng giềng hay không”, ông Finaud nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ quốc gia này cho biết, người dân được phép “tự do tham gia trực tiếp” vào xung đột Ukraine – Nga.