Ukraine ngỏ ý giúp ngược lại EU, mong khối này vượt qua khủng hoảng
Trong cuộc gặp với Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU, Thủ tướng Ukraine đề xuất khả năng nước này sẽ cung cấp khí đốt cho EU để giúp liên minh xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ngày 5-9, trong cuộc gặp với Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - ông Josep Borrell, Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal đề xuất khả năng Ukraine sẽ cung cấp khí đốt cho EU để giúp khối này xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, theo tờ The Guardian.
Theo Thủ tướng Shmigal, Ukraine sẵn sàng cung cấp tới 30 tỉ mét khối khí đốt dự trữ cho các nước thành viên EU.
Ông Shmigal cho biết: “Ukraine có thể giúp các đối tác châu Âu xây dựng nguồn dự trữ khí đốt trong bối cảnh họ đang đối mặt nguồn cung khí đốt không ổn định từ Nga".
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, (trái) và Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal. Ảnh: UKRINFORM
Động thái nói trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đang hoãn vô thời hạn việc cung cấp đầy đủ khí đốt cho EU thông qua đường ống Nord Stream 1.
Trước đó vào cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov, cho biết Nga sẽ ngừng việc cung cấp đầy đủ khí đốt cho châu Âu cho đến khi các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Moscow được gỡ bỏ, theo hãng tin Reuters.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân khiến Nga không cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Tối 2-9, công ty năng lượng hàng đầu của Nga Gazprom đã thông báo sẽ ngừng vô thời hạn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1. Lý do được Moscow đưa ra là do có "trục trặc" trên một tuabin dọc theo đường ống.
Phía Gazprom cho rằng các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên công ty năng lượng nhà nước Nga đã khiến nhà sản xuất Siemens không thể sửa chữa các tuabin được sử dụng để vận hành Nord Stream 1.
EU đã bác bỏ tuyên bố của Gazprom, cáo buộc Nga đang "vũ khí hóa" hoạt động xuất khẩu khí đốt nhằm buộc phương Tây từ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Moscow liên quan chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nền kinh tế các quốc gia châu Âu đang rất khó khăn và phải đối diện tình trạng phá sản trong khi Nga tăng doanh thu nhờ bán khí đốt.
Nguồn: [Link nguồn]