Ukraine lộ điểm yếu lớn giữa chiến sự ở Donbass?
Sau 2 tháng xung đột ở Ukraine, tình báo Mỹ ước tính lực lượng Nga ở Ukraine vẫn còn 75% sức mạnh chiến đấu. Sau khi chuyển hướng chiến dịch quân sự sang Donbass, quân số Nga tại Ukraine duy trì ở mức 62.000 lính cùng hàng nghìn binh sĩ thuộc phe ly khai và quân tình nguyện nước ngoài.
Phương Tây liên tục viện trợ vũ khí vẫn chưa đủ so với nhu cầu của Ukraine (ảnh: AP)
Ở Mariupol, Mỹ ước tính Nga có khoảng 12 tiểu đoàn. Lực lượng này có thể được giải phóng và di chuyển đến mặt trận Donbass sau khi quân đội Nga hoàn toàn kiểm soát thành phố cảng miền nam Ukraine. Trong khi đó, số lượng quân đồn trú ở Donbass của Ukraine vào thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự chỉ là khoảng 40.000 – 45.000 người. Lực lượng này có thể được tăng thêm khi Kiev điều thêm viện binh cho phòng tuyến Donbass.
Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất đối với Ukraine ở Donbass không phải số lượng quân ít hơn mà là vũ khí, theo AP.
Kể từ khi Nga chuyển hướng lực lượng sang Donbass, Tổng thống Ukraine Zelensky liên tục thúc giục phương Tây viện trợ thêm vũ khí. Điều này khác hẳn so với thời điểm những ngày đầu Nga mở chiến dịch quân sự, khi ông Zelensky kêu gọi những người nước ngoài gia nhập “Quân đoàn quốc tế phòng thủ Ukraine” trong tình trạng không mang theo súng đến Kiev.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tuần trước, ông Zelensky thừa nhận Ukraine đã mất khoảng 2.500 – 3.000 binh sĩ, cùng với đó là khoảng 10.000 người bị thương kể từ ngày 24.2. Tổng thống Ukraine cho biết, đất nước ông giờ rất cần viện trợ vũ khí, đặc biệt là pháo để có thể phòng thủ trên phòng tuyến dài khoảng 480 km ở Donbass.
Tổng thống Ukraine Zelensky nhiều lần thúc giục phương Tây viện trợ thêm vũ khí (ảnh: AP)
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Donbass với số lượng pháo nhiều gấp 2,5 lần Ukraine. Pháo của Nga cũng được đánh giá là hiện đại hơn so với đối thủ.
Hôm 19.4, Lầu Năm Góc cho rằng, sau giai đoạn một của chiến dịch quân sự, Nga vẫn giữ lại được ít nhất 80% pháo hạng nặng và đạn dược cần thiết. Những khẩu pháo của Nga có thể bắn phá phòng tuyến của Ukraine ở Donbass từ khoảng cách 30 km.
Điều đáng lo ngại hơn cả là nền sản xuất quốc phòng của Ukraine gần như bị phá hủy hoàn toàn sau những đợt không kích của Nga. Đó là lý do Mỹ tuyên bố sẽ gửi khẩn cấp cho Ukraine 18 khẩu pháo cỡ 155mm và 40.000 đạn pháo. Tuy nhiên, so với những gì Ukraine cần để cản bước tiến của Nga, 18 khẩu pháo là không đáng kể.
“Nếu chúng tôi có được các loại vũ khí mình cần, những loại mà các đối tác sở hữu và đủ sức đối phó với vũ khí Nga, chúng tôi lẽ ra có thể kết thúc chiến sự sớm hơn”, ông Zelensky nói hôm 19.4.
Cùng ngày 19.4, một cuộc họp do Tổng thống Mỹ Biden triệu tập với sự tham gia của nguyên thủ các nước Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra kết luận rằng, Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí. Trong thời điểm then chốt, điều này có thể định đoạt cục diện chiến sự miền đông.
Trong một động thái có thể khiến Ukraine cảm thấy thêm phần áp lực, Đức mới đây tuyên bố nước này đã cạn kiệt vũ khí có thể gửi cho Ukraine.
“Ở góc độ ngắn hạn, chúng tôi không còn bất cứ thứ gì để gửi cho Ukraine mà không bị chậm trễ. Do đó, Berlin đồng ý hỗ trợ những đối tác khác sẵn sàng cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí kiểu Liên Xô mà họ đã quen sử dụng”, Annalena Baerbock – Ngoại trưởng Đức phát biểu hôm 20.4.
Xe tăng Nga ở Mariupol (ảnh: SCMP)
Hôm 20.4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, kể từ ngày 24.2, quân đội nước này đã phá hủy 140 máy bay, gần 500 máy bay không người lái, 253 hệ thống tên lửa đất đối không, hơn 1.000 khẩu pháo và gần 2.400 xe tăng cùng xe bọc thép của Ukraine. Theo AP, con số này có thể là “cường điệu”, nhưng sự thật là nền công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện gần như không thể sản xuất vũ khí hạng nặng để đối phó Nga.
Tình hình ở Mariupol có thể là một ví dụ cho thấy Ukraine có thể “bất lực” trước Nga nếu thiếu vũ khí, tờ báo Mỹ nhận xét.
Hôm 21.4, Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố Mariupol ở phía đông nam Ukraine. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 2.000 lính Ukraine đang cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal. Những người lính này cho biết, họ không thể chiến đấu với quân đội Nga trong tình trạng cạn kiệt vũ khí, đạn dược.
“Đầu tiên, chúng tôi cần các vũ khí hạng nặng uy lực. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có đủ các vũ khí này để giải nguy cho Mariupol. Thứ hai là giải pháp ngoại giao. Đến nay, Nga vẫn chưa đồng ý với điều này”, ông Zelensky nói hôm 20.4.
Ông Biden cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực để loại bỏ tất cả lợi ích kinh tế mà Nga được hưởng từ phương Tây trước đây.
Nguồn: [Link nguồn]