Ukraine liên tiếp phá hủy 'xe tăng mai rùa' Nga

Hàng loạt xe tăng lắp giáp lồng kiểu mai rùa của Nga bị Ukraine phá hủy, cho thấy Kiev đã tìm ra cách đối phó loại giáp tự chế này.

Tài khoản NOELreports chuyên đưa tin về chiến sự tại Ukraine ngày 14/5 đăng video một xe tăng bọc giáp mai rùa phủ kín hầu hết thân của Nga nằm bất động trên con đường gần làng Andreevka, phía nam thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk.

Ngay bên cạnh là nhiều phương tiện chiến đấu bốc cháy, cho thấy đây dường như là kết quả một đòn tập kích của Ukraine nhằm vào đoàn xe Nga, trong đó chiếc xe tăng mai rùa đã bị vô hiệu hóa khả năng di chuyển, nhiều khả năng do trúng đạn pháo, tên lửa chống tăng hoặc mìn.

Một thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) tự sát của Ukraine sau đó tấn công vào cửa sau đang mở của chiếc xe tăng mai rùa, tạo ra vụ nổ và khiến nó bốc cháy từ bên trong. Một số tài khoản mạng xã hội khác gần đây cũng chia sẻ nhiều hình ảnh, video xe tăng mai rùa Nga bốc cháy hoặc bị phá hủy sau khi bị đối phương tập kích.

Xe tăng mai rùa Nga liên tiếp bị tập kích, phá hủy trong các video đăng ngày 14/5. Video: X/NOELreports, X/PS01

Tình cảnh này trái ngược những gì diễn ra đầu tháng trước, thời điểm Nga bắt đầu tung vào chiến trường loại xe tăng được lắp những tấm tôn hoặc thép phủ kín toàn thân giống như mai rùa khổng lồ để đối phó với drone tự sát của Ukraine.

Blogger quân sự Nga Colonel Cassad hôm 17/4 đăng video xe tăng mai rùa của Lữ đoàn 5 nước này xâm nhập phòng tuyến Ukraine ở tỉnh Donetsk rồi quay trở ra an toàn dù liên tục bị đối phương tập kích, được cho là do lực lượng phòng thủ không có đủ tên lửa, đạn pháo để đối phó.

Theo chuyên gia quân sự David Axe của Forbes, giáp lồng kiểu mai rùa là phương pháp hiệu quả để giúp xe tăng Nga chặn đòn đánh của drone FPV, vũ khí được coi là "sát thủ diệt tăng" nhờ khả năng tập kích vào vị trí hiểm yếu trên xe. Tuy nhiên, drone FPV mang theo khoảng một kg thuốc nổ không thể phá hỏng được xe tăng khi bị vướng giáp "mai rùa".

Một số chiếc mai rùa được lắp thêm thiết bị tác chiến điện tử cầm tay, giúp vô hiệu hóa drone FPV hiệu quả hơn bằng cách gây nhiễu tín hiệu liên lạc giữa nó và tổ vận hành.

Vào thời điểm xe tăng mai rùa mới được triển khai trên tiền tuyến, lực lượng Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo, phần lớn phụ thuộc vào drone FPV để nhắm mục tiêu thiết giáp đối phương. "Chừng nào binh sĩ Ukraine chủ yếu chỉ có drone FPV để bảo vệ phòng tuyến, xe tăng mai rùa Nga vẫn sẽ là mối đe dọa lớn đối với họ", Axe cho biết.

Quốc hội Mỹ cuối tháng trước thông qua dự luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine, tạo điều kiện để Lầu Năm Góc lập tức triển khai gói hỗ trợ quân sự trị giá một tỷ USD cho Kiev, bao gồm lượng lớn đạn pháo và tên lửa mà nước này đang rất cần. Số khí tài này, cùng với lượng lớn đạn pháo tới từ Cộng hòa Czech, đang dần thay đổi tình hình trên tiền tuyến.

Ngoài drone FPV, lực lượng Ukraine hiện có thể khai hỏa cả tên lửa chống tăng và đạn pháo để chống lại các cuộc xung kích tăng thiết giáp của Nga. Đó là lý do vì sao gần đây xe tăng mai rùa Nga liên tục bị phá hủy, theo Axe.

Giáp mai rùa cho xe tăng Nga đang được chế tạo trong bức ảnh đăng ngày 14/5. Ảnh: X/bayraktar_1love

Giáp mai rùa cho xe tăng Nga đang được chế tạo trong bức ảnh đăng ngày 14/5. Ảnh: X/bayraktar_1love

"Mái che làm bằng kim loại mỏng có thể khiến drone bay chệch hướng, song gần như vô dụng trước đạn pháo có lượng thuốc nổ hơn 10 kg. Quả đạn sẽ xuyên qua giáp mai rùa, khiến xe tăng bốc cháy và biến nó thành lò nướng", chuyên gia này cho biết.

Trong trường hợp xe tăng bị mất khả năng di chuyển do trúng đạn pháo hoặc tên lửa, giáp lồng kiểu mai rùa sẽ khiến binh sĩ bên trong khó chạy thoát hơn. Loại giáp này còn có nhiều nhược điểm khác như làm giảm tầm nhìn của kíp lái, hạn chế khả năng quay của tháp pháo, tăng trọng lượng và giảm tính cơ động của xe tăng.

Chuyên gia Axe nhận định quân đội Nga đang đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đối với xe tăng mai rùa.

"Trong bối cảnh lực lượng Ukraine dự kiến tiếp tục được viện trợ nhiều loại vũ khí trong thời gian tới, xe tăng mai rùa Nga sẽ ngày càng dễ bị đánh bại hơn. Điều này có thể buộc Moskva phải từ bỏ thiết kế thô sơ trên hoặc ít nhất là chính sửa nó. Tuy nhiên, việc từ bỏ giáp mai rùa lại khiến xe tăng Nga dễ bị tổn thương hơn trước drone FPV", ông cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Một đơn vị quân đội Ukraine hôm 13/5 đã công bố video quay cảnh ngăn chặn một cuộc tiến công của Nga với 10 xe bọc thép, xe tăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Giang (Forbes, Newsweek, TWZ) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN