Ukraine khiến phương Tây nhận ra xe tăng chưa phải đã lỗi thời

Trong những năm đầu thế kỷ 21, các nhà hoạch định quân sự nghĩ đến điều không tưởng trước đây: Liệu xe tăng đã lỗi thời?

Ukraine đang khẩn cầu phương Tây viện trợ xe tăng để chuẩn bị cho tình hình mới trên chiến trường

Ukraine đang khẩn cầu phương Tây viện trợ xe tăng để chuẩn bị cho tình hình mới trên chiến trường

Máy bay không người lái, chiến tranh mạng và các công nghệ mới nổi được coi là vũ khí của tương lai. Năm 2020, một số chỉ huy cho rằng nước Anh nên huỷ bỏ tất cả xe tăng của mình.

Nhưng khi năm 2023 vừa đến, và Ukraine đang tính toán một chiến dịch quan trọng chống lại Nga để có thể tạo nên đòn quyết định, Kiev chuyển sang sử dụng phương tiện trên bộ truyền thống của chiến tranh thế kỷ 20.

Các chỉ huy quân sự của Ukraine muốn có hàng trăm chiếc xe tăng phương Tây để thực hiện giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, nhằm chống lại lực lượng Nga và phá vỡ các chiến hào như ở Luhansk và Zaporizhia.

Sau nhiều tháng trì hoãn, các đồng minh NATO đang bắt đầu nhận thấy sự khôn ngoan của chiến lược này, vì thế Mỹ, Pháp và Anh gần đây đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine xe bọc thép.

Theo giới quan sát, đây là lời nhắc nhở rằng, với tất cả công nghệ chiến tranh hiện đại, lực lượng mặt đất vẫn có giá trị.

Phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 16/1, nghị sĩ cấp cao của đảng Bảo thủ Bernard Jenkin nói rằng cuộc xung đột Ukraine khiến “những nhà bình luận thời thượng thấy rằng xe tăng hiện đại chẳng phải không có vai trò nào trong chiến tranh hiện đại”.

“Ukraine đã cho thấy xe bọc thép vẫn quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.

Kiev cho rằng số lượng xe hạn chế mà phương Tây cam kết chỉ là khởi đầu, và đang thúc ép các đồng minh cung cấp 200-300 xe tăng, 600 xe bọc thép bộ binh, cùng với 500 khẩu pháo Howitzer.

“Chúng ta cần chiếm thế chủ động. Hỗ trợ những phương tiện như vậy sẽ giúp chúng ta có cơ hội đó”, Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine và hiện công tác tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.

Địa hình phù hợp

Quân đội Ukraine đang sử dụng những xe tăng thời Liên Xô mà các đồng minh Đông Âu hỗ trợ. Nhưng giới hoạch định ở Kiev tin rằng những mẫu xe tăng hiện đại của phương Tây sẽ giúp tạo ra một bước thay đổi về năng lực trước nguy cơ chiến sự leo thang trong mùa xuân tới.

“Tính cơ động là chìa khoá trong chiến tranh tấn công”, một nhà ngoại giao đến từ quốc gia EU đang tính chuyện cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Kiev nhận định.

“Nếu Ukraine có bất kỳ cơ hội nào để tấn công, họ cần sức mạnh cơ động với súng hạng nặng, không chỉ là những chiếc Land Rovers quân sự hay xe bọc thép tuần tra. Họ cần những phương tiện có thể thực sự phá huỷ xe tăng Nga từ xa”, nhà ngoại giao nói.

Theo các chuyên gia, địa hình bằng phẳng của Ukraine là bối cảnh lý tưởng để xe tăng di chuyển, và Kiev cần xe tăng để chiếm lại vị trí ở những thành phố trọng yếu dọc tiền tuyến.

“Ukraine sẽ gặp khó khăn khi triển khai chiến dịch phản công lần thứ hai nếu không có lực lượng mạnh hơn”, Anthony King, một giáo sư nghiên cứu về chiến tranh tại ĐH Warwick ở Anh, nhận định.

Giới chức Ukraine lo ngại rằng các hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ sẽ trở nên kém hiệu quả trong thời gian tới, vì đối phương đã di chuyển lực lượng ra xa hơn để né tránh, vì thế xe tăng trở nên cần thiết hơn trước.

Các nước thành viên EU ở vùng Baltic và Trung Âu hy vọng rằng hàng loạt cam kết đã được đưa ra sẽ gây sức ép buộc Đức phải cho phép các nước khác xuất khẩu xe tăng Leopard-2 cho Ukraine.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine hiểu sự khác biệt lớn giữa các mẫu xe tăng họ có thể nhận được từ phương Tây.

Xe tăng Abrams M1 do Mỹ sản xuất có tầm bắn xa, nhưng sẽ gặp khó khăn về tiếp nhiên liệu ở vùng chiến sự vì phương tiện này chạy bằng động cơ lớn, ngốn nhiều dầu hoả.

Xe Challenger 2 của Anh là bản nâng cấp đáng kể từ những chiếc xe tăng thời Liên Xô mà quân đội Ukraine đang sử dụng, nhưng không phải đối thủ của Leopard 2 do Đức sản xuất, loại có thể tấn công cả mục tiêu chỉ bằng chiếc tủ lạnh đang di chuyển ở cách 3km. Xe tăng này chạy bằng dầu diesel, dễ kiếm hơn dầu hỏa.

Giới chức Đức nói rằng quyết định cuối cùng về việc có gửi Leopard 2 cho Ukraine hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào Mỹ, đồng thời cho rằng các đồng minh cần một kế hoạch phù hợp để huấn luyện lực lượng Ukraine về cách vận hành và bảo trì. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu nhiều nước tham gia.

Ba Lan và Phần Lan đều bày tỏ sẵn sàng cung cấp Leopard 2, nhưng phải chờ "đèn xanh" của Đức. Tuần trước, Helsinki nói rõ rằng sẽ gửi một số lượng nhỏ nếu các nước khác đồng ý cùng làm.

Báo Trung Quốc nêu hệ quả nếu loạt vũ khí hạng nặng phương Tây được chuyển tới Ukraine

NATO đã cam kết cung cấp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine "trong tương lai gần", đặc biệt là xe tăng, động thái mà các chuyên gia Trung Quốc coi là khiến xung đột càng trở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Politico ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN