Ukraine: Khi lòng yêu nước đứng trước ranh giới sinh tử
Lòng yêu nước của một cộng đồng ở miền Tây Ukraine, vốn kiên định trong cuộc chiến với Nga, đang bị thử thách khi đứng trước ranh giới sinh tử, trong bối cảnh tình hình tiền tuyến ngày càng leo thang nguy hiểm.
Khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài, sự kiên định của những cộng đồng Ukraine trong cuộc chiến với Nga dần có dấu hiệu lung lay khi bạo lực ngày càng tăng nguy hiểm trên tiền tuyến, theo tờ The New York Times.
Một ngôi làng yêu nước điển hình
Trời chạng vạng tối, Thiếu tướng Kyrylo Vyshyvany của quân đội Ukraine bước vào sân ngôi nhà thời thơ ấu của ông ở Duliby (một ngôi làng ở TP Khodoriv, tỉnh Lviv, miền Tây Ukraine) sau khi em trai ông, cũng là một người lính, vừa được chôn cất.
“Tôi biết là mẹ tôi sẽ đến thăm mộ em tôi mỗi ngày” - Thiếu tướng Vyshyvany nói khi nhìn thấy mẹ ông đang khóc trong phòng khách.
Ông Vyshyvany đã nói đúng nhưng ông không ngờ rằng ngay cả bản thân ông cũng sẽ chẳng thể ở bên để an ủi mẹ ông. Vài ngày sau tang lễ, vào tháng 3-2022, Thiếu tướng Vyshyvany đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào một căn cứ quân sự của Ukraine. Mộ ông nằm bên cạnh mộ em trai mình.
Người thân cầm ảnh của Thiếu tướng Kyrylo Vyshyvany. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Anh em nhà Thiếu tướng Vyshyvany là những người Duliby thiệt mạng đầu tiên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2-2022.
Kể từ đó, thêm 44 binh sĩ Ukraine ở Khodoriv đã thiệt mạng - cao hơn 4 lần so với số người chết tại địa phương trong cuộc chiến chống phe ly khai được Nga hậu thuẫn tám năm trước đó.
Đối với làng Duliby nói riêng và TP Khodoriv - nơi có tổng dân số khoảng 24.000 người - nói chung, việc chờ đợi thông báo về những người kế tiếp tử trận để tổ chức tang lễ đã trở thành một thông lệ đầy cay đắng.
“Bây giờ mọi người đều biết về loại quan tài, quy trình, thủ tục trong tang lễ chiến sĩ tử trận” - bà Natalia Bodnar, chị gái của Thiếu tướng Vyshyvany chia sẻ.
Kể từ mùa thu năm 2023, số dân của TP Khodoriv chết trên chiến trường ngày càng nhiều. Cái chết gần đây nhất là chàng thanh niên Nazar Yankevych (19 tuổi). Binh sĩ Yankevych thiệt mạng khi Ukraine thất thủ ở TP Avdiivka (tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine) hồi tháng 2.
Theo lời kể của cô Maria Yankevych - chị gái của cậu thanh niên Yankevych, từ lúc 9 tuổi, Yankevych đã mong muốn lớn lên sẽ ra trận sau khi dự tang lễ của ông Roman Tochyn - một nhà hoạt động ở địa phương và đã chết vì bị bắn vào thái dương khi tham gia biểu tình phản đối ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine vào năm 2014.
10 năm sau ngày dự tang lễ, binh sĩ Yankevych tử trận và mảnh đạn giết chết cậu thanh niên này cũng găm vào thái dương.
Lòng yêu nước đương đầu với sự sống còn
Những câu chuyện cảm động về người lính Ukraine xuất thân từ TP Khodoriv không đủ để xoa dịu sự chia rẽ đã bắt đầu hình thành trong người dân nơi đây, giữa những gia đình có thành viên trốn quân dịch hoặc trốn ra nước ngoài với những gia đình có người thân đang chiến đấu ở tiền tuyến.
Người dân làng Duliby, TP Khodoriv, tỉnh Lviv (Ukraine) đến nhà thờ cầu bình an cho những người lính Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, trước khi có tin về những người tử trận đầu tiên, người dân ở các cộng đồng trên khắp Ukraine đã đổ xô đến các văn phòng để đăng ký tham gia chiến đấu. TP Khodoriv - nơi với nhiều gia đình có lịch sử lâu đời đấu tranh cho nền độc lập của Ukraine - cũng không ngoại lệ.
Đến năm 2023, hàng dài người xếp hàng tại các văn phòng quân dịch trên khắp Ukraine dần biến mất vì hầu hết các tình nguyện viên đã ra trận. Các tân binh được triệu tập từng đợt dựa trên nhu cầu của quân đội đối với nam giới từ 27 đến 60 tuổi.
Dần dần, do tình trạng thiếu quân, một số văn phòng nghĩa vụ quân sự thậm chí đã cưỡng chế người dân tham gia chiến đấu. Trong sáu tháng qua, chiến thuật “điều động cưỡng bức” được thực hiện thường xuyên và lên đến đỉnh điểm trong tháng 4 khi chính phủ quyết định hạ tuổi nhập ngũ xuống 25.
Theo dữ liệu của chính quyền TP Khodoriv, tính đến tháng 3, khoảng 600 người dân địa phương đang phục vụ trong quân đội, một số người trong số họ nhập ngũ "không tình nguyện".
Người dân ở Khodoriv nói rằng từ khi việc bắt buộc nhập ngũ trở nên khắt khe, nhiều nam giới trong TP bắt đầu tránh ra ngoài vào ban ngày. “Mọi người đều sợ hãi. Không ai muốn chết” - ông Bohdan, một nhân viên trường học (từ chối nêu rõ họ tên) nói với The New York Times.
Nhiều thân nhân của những người lính đang chiến đấu hoặc đã thiệt mạng ở chiến trường cho biết trong hai năm qua họ đã bắt đầu phẫn nộ với những người được cho là rời quân ngũ nhờ hối lộ, trong khi con em của họ phải tiếp tục chiến đấu.
The New York Times dẫn nguồn tin từ một trung tâm nghĩa vụ quân sự tại thủ đô Kiev rằng giá cho mỗi người thoát nghĩa vụ quân sự là từ 1.000-10.000 USD. Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã sa thải 24 người đứng đầu các trung tâm nghĩa vụ quân sự vì nhận hối lộ.
Ông Petro Panat - lãnh đạo đơn vị bảo vệ lãnh thổ, một đơn vị quân đội đặc biệt được thành lập trong những ngày đầu của cuộc chiến để bảo vệ cộng đồng địa phương - cho biết 10 trong số 30 người của đơn vị đã nhận được giấy miễn trừ quân dịch hợp pháp. Việc miễn trừ dành cho những cá nhân có vấn đề sức khỏe hoặc cần phải chăm sóc người thân.
Nếu giao tranh vẫn tiếp diễn và tình trạng trốn nghĩa vụ vẫn xảy ra, sự phẫn nộ từ những cộng đồng như Khodoriv chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng và gây khó cho quân đội Ukraine trong bối cảnh thiếu nhân lực hiện nay.
Thành phố Chasov Yar, do Ukraine kiểm soát, từng có 12.500 người sinh sống nhưng hiện chỉ còn là đống đổ nát do liên tục hứng chịu pháo kích của lực lượng Nga.
Nguồn: [Link nguồn]