Ukraine kêu gọi Israel viện trợ hệ thống phòng không Vòm Sắt

Israel từng mong muốn xuất khẩu một số vũ khí như máy bay không người lái và tên lửa Spike, nhưng lại rất dè chừng với việc xuất khẩu Vòm Sắt. Hệ thống phòng không Vòm Sắt đã giúp Israel đối phó với hàng nghìn quả rocket phóng từ Dải Gaza.

“Chúng tôi cần được hỗ trợ quân sự - kỹ thuật. Chúng tôi cần Vòm Sắt”, Đại sứ Ukraine tại Israel - Yevgen Korniychuk nói hôm 7/6. “Hệ thống này sẽ giúp chúng tôi bảo vệ phụ nữ, trẻ em khỏi các cuộc pháo kích.”

Đại sứ Korniychuk khẳng định Washington sẽ không cản trở việc chuyển giao vũ khí, đồng thời chỉ trích Israel vì đã không hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

“Tôi muốn chính phủ Israel bước ra khỏi vùng an toàn và đối mặt với thực tế”, ông Korniychuk nói. “Chúng tôi không cầu xin các bạn giúp đỡ. Nhưng chúng tôi tin rằng về mặt đạo đức, Israel phải đồng lòng với phần còn lại của thế giới phương Tây và giúp Ukraine bằng mọi cách có thể.”

Dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng có bài phát biểu trước Quốc hội Israel, nhưng đến thời điểm hiện tại, Tel Aviv vẫn chưa hỗ trợ nhiều cho Kiev.

Gói viện trợ đầu tiên và duy nhất của Israel được công bố vào tháng trước, bao gồm 2.000 mũ bảo hiểm và 500 áo khoác dành cho nhân viên cấp cứu dân sự. Israel cũng gửi khoảng 100 tấn hàng viện trợ nhân đạo và vận hành một bệnh viện dã chiến trong vài tuần ở miền Tây Ukraine, theo tờ Thời báo Israel.

Hồi cuối tháng 5, Tel Aviv đã chặn đề nghị của Mỹ trong việc cho phép Đức gửi tên lửa chống tăng Spike tới Ukraine. Tên lửa này được sản xuất tại Đức theo giấy phép của Israel và phải được Tel Aviv chấp thuận mới được xuất khẩu.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Israel cho biết lý do dẫn đến quyết định này là do Tel Aviv lo ngại vũ khí Israel có thể gây thương vong cho binh sĩ Nga, dẫn đến việc Mátxcơva làm tổn hại đến lợi ích an ninh của Israel ở Syria.

Do đó theo tờ Sputnik, việc Tel Aviv gửi hệ thống phòng không Vòm Sắt - được thiết kế để bắn hạ các tên lửa từ Gaza và Lebanon, thậm chí còn khó xảy ra hơn.

Israel giữ Vòm Sắt rất kỹ, thậm chí từ chối chia sẻ thông tin với cả quân đội Mỹ. Khi Washington mua 2 khẩu đội Vòm Sắt hồi năm 2000, các kỹ sư Israel đã đích thân đến Mỹ và giúp vận hành thiết bị, bao gồm cả việc tích hợp Vòm Sắt với các hệ thống phòng không khác của Mỹ.

Nói cách khác, các kỹ sư Israel rất có thể cũng sẽ phải đến Ukraine và tự vận hành hệ thống này, làm tăng nguy cơ xảy ra một tình huống khó xử trong đó Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và lực lượng Nga có thể sẽ nổ súng vào nhau.

Hệ thống Vòm Sắt là sản phẩm của Rafael và radar của nó được chế tạo bởi Elbit Systems. Đây là 2 doanh nghiệp quốc phòng của Israel.

Ở Israel, các bệ phóng sẽ được kết nối không dây với trung tâm chỉ huy. Mỗi bệ thống chứa 20 tên lửa đánh chặn Tamir. Theo IDF, mỗi khẩu đội Vòm Sắt có khả năng bảo vệ một khu vực đô thị rộng khoảng 150 km vuông.

Ukraine trước đó đã được các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu như Slovakia cung cấp các hệ thống phòng không, chủ yếu là các hệ thống từ thời Liên Xô. Đức cũng được cho là đang xem xét gửi hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T hiện đại của mình tới Ukraine.

Sự thật hệ thống Vòm Sắt trứ danh của Israel đánh chặn tới 90% rocket của Hamas

Trong 9 ngày qua, Phong trào Hồi giáo Hamas đã phóng hàng ngàn rocket từ Dải Gaza hướng sang lãnh thổ Israel. Cứ mỗi lần Hamas phóng rocket, các hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh - Theo Sputnik ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN