Ukraine dùng hàng loạt 'vũ khí ma' để lừa máy bay trinh sát Nga
Vừa nhô ra từ hàng cây ở miền nam Ukraine, một hệ thống phòng không tinh vi lọt vào tầm ngắm của máy bay không người lái trinh sát Nga. Không lâu sau khi hệ thống bị lộ, một máy bay không người lái Lancet được lực lượng Nga phóng ra từ vị trí gần đó. Các mảnh đạn văng vào cây cối, còn bệ phóng Iris-T nhanh chóng chìm trong một quả cầu lửa. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy.
Một hệ thống tên lửa đất đối không bơm hơi được sản xuất ở CH Séc để chuyển đến Ukraine. (Ảnh: Telegraph)
Maskirovka, còn gọi là “hình nộm”, là chiến lược dùng hình nộm để đánh lừa đối phương. Bệ phóng Iris-T mà máy bay không người lái Nga tấn công thực ra chỉ là một mô hình bơm hơi.
Vài chục mồi nhử như vậy đang được Ukraine rải khắp tiền tuyến để đánh lừa máy bay trinh sát của đối phương. Ukraine biết rằng lực lượng Nga có nhiều hỏa lực tầm xa hơn.
“Đó là một chiến thuật để khiến người Nga dùng máy bay không người lái vô ích”, một nguồn tin Ukraine nói với Telegraph.
Mô hình bắt chước bệ phóng tên lửa Himars, lựu pháo M777, xe tăng Leopard 2, bệ phóng tên lửa đất đối không Buk và các loại radar được Ukraine đặt khắp chiến trường.
Từ trên cao, những người điều khiển máy bay không người lái Nga dễ tin rằng họ đã phát hiện được hệ thống đáng giá của đối phương. Nhưng thực tế là họ chỉ phá được mục tiêu làm bằng gỗ, bìa các-tông và sắt vụn.
Metinvest, công ty sở hữu nhà máy sắt thép Azovstal ở Mariupol, là một trong những nhà sản xuất mô hình vũ khí bơm hơi.
Rinat Akhmetov, chủ sở hữu công ty và là tỷ phú giàu nhất Ukraine, cung cấp phần lớn kinh phí cho dự án mồi nhử.
Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, mồi nhử được dùng để bù đắp cho tình trạng thiếu vũ khí, để khiến Nga tin rằng Ukraine cũng có nhiều vũ khí mà không dám tấn công mạnh.
Gần đây, hình nộm được sử dụng để khiến Nga tiêu hao vũ khí tầm xa. Những hình nộm ban đầu còn thô sơ, nhưng ngày càng làm tinh vi hơn.
“Đối phương không phải không biết. Chúng tôi cần thích nghi, phải luôn tìm cách bổ sung điều gì đó mới mẻ vào sản phẩm của mình”, người phát ngôn của Metinvest nói với Kyiv Post.
Mô hình Himars ban đầu được làm từ khung gỗ gắn trên xe bán tải, nhưng những phiên bản gần đây được làm bằng kim loại, có nguồn nhiệt và radar thực, để đánh lừa camera tầm nhiệt của đối phương.
Vì Nga thường không thể phá hủy hoàn toàn mồi nhử nên các khung kim loại chắc chắn có thể được thu lại để tái sử dụng.
Theo công ty, mô hình pháo tự hành M777 155mm sử dụng ống nước để làm nòng. Mỗi mô hình như vậy tốn gần 1.000 USD và có thể được dựng lên trong 30 phút. Trong khi đó, hệ thống M777 thật sự có giá khoảng 3,7 triệu USD.
Theo các chuyên gia, cuộc xung đột ở Ukraine thể hiện một đặc điểm mới, đó là những vũ khí giá rẻ có thể phá hủy vũ khí đắt tiền.
Một xe tăng Challenger 2 trị giá gần 5 triệu USD do Anh viện trợ cho Ukraine bị hạ gục bởi chiếc máy bay không người lái lảng vảng trị giá 29.000 USD của Nga.
Cách làm này không phải mới. Mỹ từng triển khai cả một “đội quân ma” hoàn chỉnh, với hiệu ứng âm thanh và tín hiệu vô tuyến giả, trong Thế chiến 2. Và Ukraine tin rằng cách này vẫn hiệu quả.
Nguồn: [Link nguồn]
Báo Kyiv Independent dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Nga đã mắc lỗi chiến thuật khi tập trung quá nhiều nhân lực và vũ khí cho lớp phòng thủ đầu tiên và để các lớp phòng...