Ukraine dọa đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân ký với Nga, Mỹ, Anh
Tổng thống Ukraine cảnh báo, quốc gia này có thể từ bỏ cam kết hàng thập kỷ là một nước phi hạt nhân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP
Phát biểu tại hội nghị an ninh Munich (Đức) hôm 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Ukraine đã tham gia vào Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 - từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh. Nhưng ông Zelensky nhấn mạnh, điều này có thể đảo ngược nếu Kiev bị Moscow đe dọa.
"Tới hôm nay, Ukraine không nhận được sự đảm bảo an ninh cần thiết dù chúng tôi đã từ bỏ vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã mất một phần lãnh thổ của mình và hàng triệu công dân", Tổng thống Ukraine tuyên bố.
Ông Zelensky cũng nói rằng, Ukraine đã 3 lần nêu ý kiến với các quốc gia ký kết Bản ghi nhớ Budapest (Mỹ, Nga và Anh) để các quốc gia này đảm bảo việc tuân thủ Bản ghi nhớ này nhưng đều thất bại.
"Hôm nay, Ukraine sẽ cố gắng thêm một lần nữa", ông Zelensky nói và nhấn mạnh rằng đây là lần cuối cùng Kiev làm như vậy.
"Nếu không có điều gì xảy ra hoặc không có quyết định cụ thể liên quan đến đảm bảo an ninh cho Ukraine, chúng tôi sẽ hiểu rằng Biên bản ghi nhớ Budapest không có hiệu lực thực tế. Tất cả các quyết định năm 1994 sẽ bị nghi ngờ", Tổng thống Ukraine tuyên bố.
Ông Zelensky còn nhấn mạnh "sự lên án tập thể" của các đồng minh phương Tây tới nay vẫn chưa biến thành "hành động tập thể".
Trả lời các câu hỏi của phóng viên sau bài phát biểu, ông Zelensky nói rằng không đồng tình với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của phương Tây. "Chúng tôi không cần các biện pháp trừng phạt khi Ukraine bị nã pháo, biên giới biến mất và đất nước bị chiếm đóng. Sau những điều đó thì các biện pháp trừng phạt của đồng minh có lợi gì cho Ukraine?", ông Zelensky nói.
Vào ngày 5/12/1994, tại hội nghị thượng đỉnh ở Budapest, Bản ghi nhớ Budapest được ký kết. Đây là một văn kiện về đảm bảo an ninh để đổi lấy việc giải trừ hạt nhân của Ukraine. Theo Bản ghi nhớ Budapest, để có được cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của Kiev, 3 nước Nga, Mỹ và Anh phải cam kết tôn trọng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Trong vài tháng gần đây, các nước phương Tây liên tục cáo buộc Nga có kế hoạch xâm lược Ukraine - điều mà Moscow liên tục phủ nhận và thực tế những ngày mà truyền thông phương Tây dự đoán Nga sẽ tấn công đều không đúng.
Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cho biết khối sẽ gửi lực lượng gìn giữ hoà bình tới miền đông Ukraine nếu cần thiết.
Nguồn: [Link nguồn]