Ukraine đã nhận đạn pháo uranium nghèo từ Anh
Quan chức quốc phòng Anh xác nhận đã gửi hàng ngàn quả đạn pháo tới Ukraine, bao gồm đạn xuyên giáp có thành phần uranium nghèo bị Nga phản đối.
Interfax hôm nay (26/4) dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey xác nhận, London đã bàn giao "hàng ngàn viên đạn cho xe tăng Challenger 2 tới Ukraine, bao gồm cả đạn xuyên giáp có thành phần uranium nghèo", nhưng không nói rõ liệu chúng đã được sử dụng hay chưa.
Cờ Ukraine treo trên những chiếc Challenger 2 được dùng để huấn luyện binh sĩ Ukraine. Ảnh: GettyImages
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cuối tháng 3/2023 cho biết nước này đã tiếp nhận xe tăng Challenger 2 của Anh, mô tả đây là "tác phẩm nghệ thuật quân sự". Tuy nhiên, ông không nói số lượng xe tăng được chuyển giao.
Phía Anh trước đó thông báo hoàn tất huấn luyện một nhóm binh sĩ Ukraine vận hành Challenger 2 và tin rằng các kíp lái đã sẵn sàng chiến đấu. Anh ban đầu cam kết cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Challenger 2, nhưng sau đó nâng con số lên 28 xe.
Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey cho biết thêm, những chiếc xe tăng Challenger 2 và đạn dược đã bàn giao hiện đều do quân đội Ukraine toàn quyền vận hành. Ông nói rằng, London không giám sát hoạt động khai hỏa đạn uranium nghèo của Kiev.
Vẫn theo lời quan chức Anh, London "không có nghĩa vụ dọn dẹp khu vực mà quân đội Ukraine khai hỏa đạn uranium nghèo từ xe tăng Challenger 2", nhưng cam kết hỗ trợ Kiev trong việc tái thiết cơ sở hạ tầng hậu chiến tranh.
Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại London đã ra tuyên bố chỉ trích việc Anh cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine, khẳng định Anh "không thể trốn tránh trách nhiệm về hậu quả của việc sử dụng đạn uranium nghèo ở Ukraine".
Uranium nghèo là chất thải của quá trình làm giàu uranium, tức tách đồng vị uranium-235 khỏi uranium tự nhiên, theo PravdaUkraine. Loại đạn pháo sử dụng thành phần uranium nghèo có khả năng xuyên giáp cao, giúp tăng khả năng đánh bại các mẫu thiết giáp hiện đại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đạn uranium nghèo độc hại với con người và môi trường xung quanh. Loại đạn này có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng hoặc mắc những chứng bệnh nguy hiểm nếu hít hoặc nuốt phải bụi phóng xạ.
Tháng trước, Anh đã bảo vệ quyết định gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, khẳng định đây là loại vật liệu "tiêu chuẩn" và không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. "Quân đội Anh đã sử dụng uranium nghèo trong đầu đạn từ nhiều thập kỷ qua", quân đội Anh quả quyết.
Nga coi việc Anh có kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine là động thái leo thang nguy hiểm do loại đạn xe tăng này chứa thành phần phóng xạ.
Nguồn: [Link nguồn]