Ukraine còn những tuyến đường nào vận chuyển ngũ cốc khi Nga phong toả Biển Đen?

Các tàu hàng đi và đến Ukraine có thể di chuyển theo đường sông Danube hoặc hành lang nhân đạo mới mở của Kiev, nhưng độ an toàn của những tuyến đường này vẫn còn gây tranh cãi.

Vào tháng 7, sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian, việc vận chuyển hàng hóa, ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine và nhập khẩu vào Ukraine trở nên khó khăn.

Nga cảnh báo rằng kể từ ngày 20-7 bất kỳ tàu nào đi đến các cảng Biển Đen của Ukraine sẽ bị coi có khả năng chở hàng hóa quân sự và quốc gia có cờ treo trên tàu đó sẽ bị coi là bên can dự xung đột Ukraine. Do đó, Nga sẽ không đảm bảo an toàn cho các tàu di chuyển ở khu vực này.

Dù vậy, các tàu chở hàng vẫn có những tuyến đường khác, tránh những khu vực Biển Đen do Nga kiểm soát để trao đổi hàng hóa.

Vận chuyển theo đường sông Danube

Hiện nay, hầu hết các tàu đến hoặc đi từ Ukraine thường tránh các vùng nước ven biển Ukraine ở Biển Đen, thay vào đó, các tàu sẽ đi qua một nhánh của sông Danube, theo tờ The New York Times.

Trên sông Danube - biên giới tự nhiên giữa Ukraine và Romania - có các cảng sông Reni và Izmail của Ukraine. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trên sông Danube - biên giới tự nhiên giữa Ukraine và Romania - có các cảng sông Reni và Izmail của Ukraine. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ở thượng nguồn, nhánh sông này nối với dòng chính của sông Danube - biên giới tự nhiên giữa Ukraine và Romania. Dòng chính sông Danube là nơi có một số cảng sông của Ukraine, bao gồm Izmail, và các tàu sẽ trao đổi hàng hóa ở đây.

Ở hạ nguồn, nhánh sông này đổ ra cửa biển tại thị xã Sulina (Romania). Các tàu sẽ men theo bờ Biển Đen của ba nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ và cố gắng ở trong lãnh hải của các nước này để tránh chạm trán với tàu Nga.

Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, ông James C. O'Brien - Lãnh đạo văn phòng về điều phối các lệnh trừng phạt Mỹ cho biết mỗi tháng có 100.000 tấn ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển theo đường sông Danube. Trong 18 tháng kể từ đó, con số này đã tăng gấp 10 lần mỗi tháng.

Nỗi lo trên đường sông Danube

Dù được đánh giá là tuyến đường vận chuyển an toàn hơn, các cảng Ukraine trên tuyến đường này vẫn bị Nga tấn công.

Vào ngày 16-8, các quan chức Ukraine cho biết Nga đã tấn công 2 cảng Reni và Izmail của Ukraine trên sông Danube bằng máy bay không người lái (UAV), đồng thời nói rằng các kho chứa ngũ cốc đã bị hư hại.

Vì nguy hiểm, một số công ty vận chuyển lớn đã tạm ngưng hoạt động buôn bán ngũ cốc ở Biển Đen vì rủi ro quá lớn mà lãi thu về lại ít, hoặc tàu của các công ty này quá lớn mà phải di chuyển vào đường sông.

Tàu Joseph Schulte treo cờ Hong Kong bắt đầu rời cảng Odessa (Ukraine) hôm 16-8 để qua hành lang trên Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Tàu Joseph Schulte treo cờ Hong Kong bắt đầu rời cảng Odessa (Ukraine) hôm 16-8 để qua hành lang trên Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Giám đốc điều hành (đề nghị giấu tên) của công ty có tàu đang chờ tải ngũ cốc tại cảng Reni trên sông Danube cho biết các công ty có tàu mới và đẹp khó chấp nhận rủi ro khi đi qua tuyến đường này, nhất là có nguy cơ thiệt hại về người, theo The New York Times.

Người này nói rằng dù hiện tại phí bảo hiểm tàu của công ty ông không tăng vì tàu được đăng ký ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng một số công ty bảo hiểm có thể sẽ điều chỉnh chính sách, như tăng giá bảo hiểm, khi các tuyến đường vận chuyển có nguy cơ bị tấn công cao.

Ngược lại, ông Andrey Sizov - lãnh đạo công ty tư vấn thị trường ngũ cốc ở Biển Đen SovEcon (Nga) cho rằng về mặt lý thuyết, việc đe dọa tấn công quân sự có thể làm tăng phí bảo hiểm cho các chủ hàng.

Tuy nhiên, nhiều tàu nhỏ hiện đang tham gia vào hoạt động thương mại của Ukraine cũng không được bảo hiểm. Do vậy, việc tăng giá cước bảo hiểm vận chuyển có khi lại tạo động lực để tiếp tục giao thương.

Theo ông Sizov, việc lính Nga bắn cảnh cáo tàu hàng Sukru Okan đang đi đến cảng Izmail hôm 13-8 làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của tuyến đường nhưng không khiến các chủ hàng thay đổi ý định vận chuyển qua tuyến đường này.

Vận chuyển qua hành lang nhân đạo Ukraine

Ngày 18-8, sau chuyến hải trình kéo dài 2 ngày, con tàu chở hàng đầu tiên đi qua hành lang nhân đạo do Ukraine mở trên Biển Đen, đã đến eo biển Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đài Thổ Nhĩ Kỳ TRT World cho hay.

Tàu Joseph Schulte treo cờ Hong Kong chở hơn 30.000 tấn hàng, là tàu đầu tiên rời cảng Odessa (Ukraine) sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7.

Men theo hành lang được Ukraine mở vào tuần trước, chiếc tàu đã đi dọc theo bờ biển Ukraine, sau đó lần lượt đi vào vùng biển của 3 nước NATO là Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hải trình (màu đỏ) của tàu hàng Joseph Schulte từ cảng Odessa (Ukraine) đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: FT

Hải trình (màu đỏ) của tàu hàng Joseph Schulte từ cảng Odessa (Ukraine) đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: FT

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng hành trình của con tàu là một "bước quan trọng hướng tới khôi phục tự do hàng hải ở Biển Đen".

Người phát ngôn Hải quân Ukraine - ông Dmytro Pletenchuk cho biết trong khi đi qua vùng biển Ukraine tàu Joseph Schulte đã ở trong hành lang nhân đạo mà Ukraine gọi là “khu vực hủy diệt” đối với các tàu Nga.

Theo ông, các bệ phóng tên lửa chống hạm của Ukraine đã được bố trí dọc theo bờ biển ở khu vực này để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên nghĩ rằng tuyến đường là giải pháp và việc vận chuyển thương mại ở quy mô lớn khó có thể được khôi phục nếu không có thỏa thuận với Nga.

Ông Carlos Mera - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường nông sản của ngân hàng Rabobank (Anh), cho rằng mọi người không nên coi việc tàu Joseph Schulte tới được Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc hành lang nhân đạo được nối lại, vì chưa có sự đồng ý của Nga.

“Nga sẵn sàng ném bom Odessa sau khi họ hủy bỏ hành lang nhân đạo. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ không thu hút các tàu thương mại vào Odessa trong tương lai gần” - ông Mera nói.

Một mối nguy nữa là bất kỳ tàu thương mại nào qua còn đường này đều phải đối mặt nguy cơ bị lực lượng Hải quân Nga ở Biển Đen nhắm vào. Theo Ukraine, Nga hiện có 50 tàu chiến và tàu ngầm cùng với 20 tàu tuần tra đang hoạt động ở khu vực này.

Kỳ vọng ở hành lang nhân đạo

Các nhà phân tích Ukraine cho rằng nếu hành lang nhân đạo này hoạt động thì sẽ hiệu quả hơn vì các tàu tránh được các cuộc kiểm tra của Nga. Vì theo thỏa thuận ngũ cốc, nhiều tàu hàng đã bị giữ lại trong nhiều tuần và đôi khi hơn một tháng để phía Nga kiểm tra.

Bà Elizaveta Malyshko, nhà phân tích thị trường ngũ cốc công ty UkrAgroConsult (Ukraine), cho biết: “Nga kiểm tra từ 3 đến 6 tàu mỗi ngày, nhưng đôi khi chỉ 1 tàu mỗi ngày… Sự chậm trễ vận chuyển đã khiến các công ty nông nghiệp và nông dân Ukraine thiệt hại hàng ngàn USD mỗi ngày. Với con đường hiện tại thì không cần xếp hàng chờ đợi”.

Cùng ý kiến, ông Huseyin Bagci - Chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng tuyến đường mà tàu Joseph Schulte sử dụng có thể trở thành một giải pháp thay thế cho hành lang ngũ cốc ở Biển Đen để xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine, theo hãng thông tấn TASS.

"Ukraine trong trường hợp này không vi phạm bất cứ điều gì và tàu Joseph Schulte cũng không vi phạm biên giới biển của Nga. Tàu đi qua lãnh hải của Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ không có ý kiến gì về việc đi lại của con tàu qua eo biển nước này thì không có khiếu nại gì đối với con tàu” - ông Bagci phân tích.

Ông cũng khẳng định việc các tàu chở ngũ cốc khác có thể đi theo tuyến đường này trong tương lai.

“Nếu đây không phải là tàu quân sự, thì Thổ Nhĩ Kỳ không có lý do gì để ngăn chúng đi vào eo biển Bosporus và Dardanelles theo Công ước Montreux” - ông Bagci nói.

Ukraine tung ”lữ đoàn đặc nhiệm huyền thoại” để lật ngược thế cờ?

Ukraine tái triển khai Lữ đoàn Azov của Vệ binh Quốc gia Ukraine để tìm kiếm một bước đột phá cho cuộc phản công đang chững lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN