Ukraine có cách sử dụng vũ khí ít ai ngờ tới để đối phó Nga
Theo chuyên gia quân sự, Ukraine đã đạt được thành công lớn trong cuộc xung đột với Nga bằng việc sử dụng các loại vũ khí và trang thiết bị theo những cách ít ai ngờ tới.
Hàng tỉ USD viện trợ quân sự mà Mỹ cung cấp cho Ukraine bao gồm một số hệ thống vũ khí hiện đại và uy lực nhất thế giới. Tuy nhiên, Ukraine đã đạt được thành công lớn trong cuộc xung đột với Nga bằng việc sử dụng các loại vũ khí và trang thiết bị theo những cách ít ai ngờ tới, báo The New York Times dẫn đánh giá của giới chuyên gia quân sự.
Ukraine kết hợp vũ khí theo cách ít ai ngờ tới
Từ vụ bắn chìm soái hạm Moskva của Nga hồi tháng 4 cho tới cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của Nga trên bán đảo Crimea hồi tháng 8, quân đội Ukraine đã sử dụng vũ khí của Mỹ cùng nhiều loại vũ khí khác theo cách không ngờ tới.
Binh sĩ Ukraine canh gác một chốt kiểm soát gần một ngôi làng ở vùng Donbass. Ảnh: Ivor Prickett/ The New York Times
Chẳng hạn, bằng cách gắn tên lửa trên xe tải, lực lượng Ukraine đã đưa chúng vào vị trí bắn nhanh hơn. Bằng cách đặt các hệ thống rocket lên xuồng cao tốc, năng lực tác chiến của hải quân Ukraine đã được tăng cường. Và trước sự ngạc nhiên của các chuyên gia vũ khí, Ukraine đã liên tiếp phá hủy nhiều mục tiêu của Nga trên chiến trường bằng máy bay không người lái (UAV) Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, đồng thời cải tiến những UAV rẻ tiền để thả lựu đạn và các loại đạn dược khác.
Sau sáu tháng giao tranh, con số thương vong ở cả hai phía Nga và Ukraine đều gia tăng. Nhằm giảm thiểu tổn thất về nhân lực và vật lực, quân đội Ukraine đã tìm cách thay đổi chiến thuật, trước hết là thay đổi cách thức sử dụng vũ khí.
Chẳng hạn, trong vụ soái hạm Moskva của Nga bị chìm, phía Ukraine cho biết quân đội nước này đã sử dụng tên lửa diệt hạm Neptune do chính nước này sản xuất để tấn công tàu Nga. Tên lửa Neptune được phát triển dựa trên thiết kế của một loại tên lửa diệt hạm của Liên Xô, và được cải tiến đáng kể về tầm bắn và hệ thống điện tử.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, lực lượng Ukraine dường như đã gắn tên lửa Neptune lên một hoặc nhiều xe tải và di chuyển chúng tới gần vị trí của con tàu Nga cách TP cảng Odessa khoảng 120 km.
Trên thực tế, quân đội Ukraine cũng đã sử dụng UAV rất hiệu quả và đặc biệt. Đến giờ, các quan chức quân sự Mỹ vẫn không lý giải được vì sao hệ thống phòng không nhiều lớp của Nga lại không thể phát hiện và ngăn chặn UAV của Ukraine vốn không có hệ thống tự vệ, dễ dàng bị radar phát hiện và có tốc độ bay chậm như vậy.
Soái hạm Moskva của Nga. Ảnh: Alexey Pavlishak/Reuters
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết lực lượng Ukraine đã triển khai tên lửa chống bức xạ HARM do Mỹ cung cấp trên tiêm kích MiG-29 có từ thời Liên Xô, điều mà chưa lực lượng không quân nào thực hiện được. Tên lửa HARM của Mỹ được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt radar phòng không của đối phương, song loại tên lửa này thường không tương thích với MiG-29 hay các loại máy bay chiến đấu khác trong kho vũ khí của Ukraine. Thế nhưng, Ukraine dường như đã điều chỉnh lại các cảm biến nhắm mục tiêu để cho phép phi công lái máy bay từ thời Liên Xô có thể phóng tên lửa hiện đại của Mỹ.
“Họ đã thực sự tích hợp thành công tên lửa HARM” – vị quan chức trên nói với báo giới trong một cuộc họp của Lầu Năm Góc.
Các quan chức Mỹ nói rằng tên lửa HARM có thể tấn công hệ thống phòng không của Nga ở khoảng cách 150 km.
Khả năng ứng biến của Ukraine
“Người Ukraine có thể đã vận dụng những kiến thức mà họ có được trong việc triển khai và vận hành vũ khí” – ông Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của RAND Corporation nhận xét.
Sự vận dụng này bắt nguồn từ lịch sử của Ukraine với vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô trước đây. Trong hàng thập niên qua, Ukraine là nơi mà Liên Xô và sau đó là Nga đã phát triển các tuabin cho tàu chiến, xe tăng và kể cả máy bay, chẳng hạn như Antonov An-124, một trong những máy bay chở hàng lớn nhất thế giới và từng được Nga sử dụng để vận chuyển vũ khí sang Ukraine.
Xe tăng Ukraine gần tiền tuyến ở Donetsk. Ảnh: Finbarr O'Reilly/The New York Times
Các chỉ huy quân sự Mỹ, những người đã làm việc với quân đội Ukraine đánh giá cao khả năng ứng biến của người Ukraine.
Tướng Frederick B. Hodges, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu cho rằng việc điều chỉnh tên lửa diệt radar HARM do Mỹ cung cấp để nó có thể hoạt động trên tiêm kích MiG đã chứng minh chiều sâu công nghệ của quân đội Ukraine.
“Bạn không thể tích hợp một hệ thống tên lửa với bất kỳ loại máy bay nào vì có rất nhiều hệ thống điện tử liên quan, nhưng họ đã làm được” – ông B. Hodges nói.
Các cuộc tấn công gần đây trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014 đã tô đậm chiến thuật quân sự ngày càng táo bạo của Ukraine khi tấn công sâu vào phía sau chiến tuyến, làm gián đoạn đường tiếp tế của Nga cũng như chống lại những lợi thế về vũ khí và thiết bị của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Vũ khí sát thương cao bất ngờ bị kích hoạt trong một cuộc triển lãm ở thành phố Chernigov (miền bắc Ukraine) khiến nhiều trẻ em bị thương nặng, trong khi chính quyền phủ nhận...