Ukraine cho phép quốc gia NATO nào bắn hạ tên lửa Nga?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hiệp ước mới được ký kết giữa Ba Lan và Kiev cho phép Ba Lan bắn hạ tên lửa, máy bay không người lái của Nga trong không phận Ukraine.
Tổng thống Ukraine phát biểu như trên tại thủ đô Warsaw của Ba Lan vào ngày 8-7, sau khi ký thỏa thuận an ninh với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.
Theo truyền thông Ukraine, ông Zelensky cho biết thỏa thuận mở ra "cơ chế để Ba Lan hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga bắn vào không phận Ukraine theo hướng Ba Lan".
Ông Zelensky nói thêm rằng Warsaw và Kiev "sẽ hợp tác cùng nhau để tìm ra cách có thể nhanh chóng thực hiện điểm này" của thỏa thuận.
Từ phía truyền thông Ba Lan, ông Tusk xác nhận sự tồn tại của điều khoản này nhưng cho biết cần phải bàn bạc thêm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gặp ở Warsaw, Ba Lan, ngày 8-7. Ảnh: X
Thủ tướng Ba Lan nói thêm: "Chúng tôi cần sự hợp tác rõ ràng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở đây. Bởi vì những hành động như vậy đòi hỏi phải có trách nhiệm chung của NATO".
Bên cạnh đó, ông Tusk giải thích rằng trước tiên, cả Ba Lan và Ukraine sẽ có được "dấu ấn" đoàn kết quốc tế.
Đài phát thanh RMF24 của Ba Lan dẫn lời ông Tusk nói thêm: "Chúng tôi sẽ mời các đồng minh NATO khác tham gia cuộc thảo luận này. Vì vậy, chúng tôi coi vấn đề này là nghiêm túc nhưng vẫn chưa được hoàn thiện".
Theo đài RT, chính phủ Kiev đã và đang thực hiện các hiệp định song phương với các quốc gia thành viên NATO trong nhiều tháng qua, thay vì chính thức gia nhập liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Trong vài tháng qua, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu NATO bắn hạ các tên lửa của Nga. Ông Zelensky so sánh vấn đề này với những gì Mỹ và Anh đã làm cho Israel vào giữa tháng 4, trong một cuộc tấn công trả đũa của Iran.
Vào thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: "NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột. Không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine".
Trong diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-7 công bố thỏa thuận cho Ba Lan vay 2 tỉ USD theo chương trình Tài trợ Quân sự nước ngoài (FMF) để hỗ trợ nước này hiện đại hóa quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định khoản vay sẽ góp phần "củng cố hơn nữa sườn phía Đông của NATO" và hỗ trợ Ba Lan khi nước này thực hiện "chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn".
Theo tờ Kyiv Independent, khoản vay này sẽ được dùng để mua sắm khẩn cấp các thiết bị quân sự và dịch vụ quốc phòng của Mỹ như máy bay F-35, hệ thống tên lửa Patriot và xe tăng Abrams.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Warsaw hiện chi 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, mức cao nhất trong số tất cả các quốc gia thành viên NATO. Ngoài ra, Ba Lan cũng là nơi đồn trú của hàng ngàn binh sĩ Mỹ và các đồng minh.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều quan chức châu Âu chỉ trích chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary, nhưng Tổng thư ký NATO có quan điểm riêng.