Ukraine bị bỏ lại bên lề Nga - Mỹ

Việc Kiev không được tham gia đối thoại Nga - Mỹ dù nội dung chủ yếu bàn an ninh cho mình khiến Ukraine rơi vào thế yếu, khả năng vẫn buộc phải tự xoay xở ngoại giao riêng với Nga.

Ngày 10-1, giới chức Mỹ và Nga bắt đầu khởi động một loạt cuộc gặp quan trọng nhằm giải quyết căng thẳng Ukraine và kế hoạch mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, với ba phiên đối thoại được lên kế hoạch trong tuần này. Tuy an ninh Ukraine là một nội dung chính trong chuỗi diễn biến ngoại giao này, song sự hiện diện của Kiev lại tương đối mờ nhạt, chỉ xuất hiện trong một phiên diễn ra vào ngày 13-1 tới, theo tờ The New York Times.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tại cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-1. Ảnh: RT

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tại cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-1. Ảnh: RT

Bị gạt ra bên lề, Ukraine phải đi đường vòng

Thực tế, từ trước khi diễn ra các cuộc đối thoại nói trên thì Ukraine cũng không có nhiều tiếng nói liên quan tới các vấn đề an ninh quốc gia của mình. Căng thẳng hiện nay bắt đầu khi phía Nga là bên chủ động đưa quân tới áp sát biên giới với Ukraine hồi cuối năm ngoái. Sau đó Nga đưa ra bản dự thảo hiệp ước an ninh tám điểm với nhiều điều khoản liên quan tới Ukraine, như yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và triển khai khí tài quân sự lên lãnh thổ nước này.

Theo cựu Đại sứ Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU) Kostiantyn Yelisieiev, Ukraine lúc này giống như bị Nga bắt làm “con tin”, với nhất cử nhất động đều phải phụ thuộc xem Moscow đang nghĩ gì và sẽ phản ứng như thế nào.

Với sức ép ngày càng lớn từ Nga, không quá khó hiểu nếu như giới chức Kiev cảm thấy không hài lòng với việc mình chỉ có vai trò hạn chế trong các hoạt động đàm phán giữa Nga và Mỹ về tình hình an ninh châu Âu liên quan tới họ, dù phía Mỹ khẳng định đã nhất trí lập trường với Ukraine trước khi đối thoại với Nga.

Tình thế buộc Ukraine phải đi thêm một số bước ngoại giao nhất định với Nga để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các nguồn tin của The New York Times khẳng định Kiev đã gửi phái đoàn đàm phán riêng với Moscow và hai bên đã đi tới một bản dự thảo kế hoạch 10 điểm để xuống thang căng thẳng, với nhiều nội dung được đánh giá là rất có lợi cho Nga và tỏ ra lập trường nhún nhường của Ukraine. Cụ thể, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đồng ý gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin; phía Ukraine cũng đồng ý sẽ trao quyền tự trị cho các vùng đòi ly khai ở đông Donbass. Các vùng này khi được tăng quyền tự chủ được cho là sẽ có quyền phủ quyết các chính sách của chính quyền trung ương, ở đây là việc gia nhập và tăng cường hoạt động với NATO - một diễn biến phù hợp với yêu cầu của Nga.

Giới quan sát nhìn chung không đánh giá cao việc Ukraine nhượng bộ Nga. Hậu quả lớn nhất là cho thấy ông Zelensky sẵn sàng đánh đổi chủ quyền để đổi lấy hòa khí với Nga và giới lãnh đạo Ukraine sẽ rất phật ý trước sự lựa chọn này. Hơn nữa, Ukraine qua việc nhượng bộ lại càng lún sâu hơn vào thế bị động bởi nếu Moscow vì một lý do nào đó không chấp nhận kế hoạch nói trên thì nước này sẽ không còn cách nào khác mà phải lùi thêm bước nữa. Nói theo cách của cựu Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksandr Danyluyk, thì ông Putin đang muốn Ukraine phải hiểu được rằng Kiev lúc này không thể làm gì cả ngoài việc thuận theo những yêu cầu của Moscow.

Nga tiếp tục tăng áp lực quân sự lên Ukraine

Theo trang tin Avia.pro, Nga mới đây bất ngờ triển khai thêm ba trung đoàn xe tăng tới sát biên giới với Ukraine với lý do chuẩn bị cho kịch bản Ukraine đơn phương mở đợt tấn công nhằm vào các công dân Nga ở Donbass. Tổng số xe tăng của Nga ở biên giới với Belarus và Ukraine, nếu tính riêng ba trung đoàn xe tăng có thể lên tới 180 chiếc, bằng gần 1/3 tổng số xe tăng trong biên chế của quân đội Ukraine.

Có thông tin cho rằng quân đội Nga đang chuyển một số lượng lớn xe bọc thép tới TP Klintsy ở vùng Bryansk (ở ngã ba biên giới Nga - Belarus - Ukraine và cách không xa Kiev). Từ những điều này, không loại trừ khả năng Nga đang thực sự chuẩn bị đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine ở Donbass, theo các nhà quan sát. Đáng chú ý, từ hướng này có thể rất thuận tiện để mở một cuộc tấn công về phía Kiev, nơi chỉ cách vị trí trại điểm tập trung quân của Nga chưa đầy 250 km.

Theo cựu Giám đốc chuyên các vấn đề về Nga tại Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) George Beebe, vì các nước phương Tây không hiểu những tín hiệu mà Nga đã gửi đi trong một thời gian dài nên dẫn đến tình hình khủng hoảng xung quanh Ukraine. Giới chính trị gia phương Tây đã sai lầm khi cứ xây dựng chính sách về Nga trên cơ sở ý thức hệ. Ông Beebe khẳng định mối quan tâm của Nga thực dụng hơn nhiều, đó là đảm bảo an ninh của đất nước.

Gặp Phó Tổng thống Ukraine Olga Stefanishyna hôm 10-1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng họ sẽ phải trả giá rất đắt, cả về chính trị và kinh tế, nếu sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Ukraine.

Châu Âu cảnh giác khi Mỹ - Nga đối thoại về an ninh khu vực

Trong lúc các quan chức Mỹ và Nga chuẩn bị bước vào đàm phán, nhiều quan chức ngoại giao liên tục tuyên bố rằng bất cứ thỏa thuận nào mà hai phía Mỹ - Nga bàn thảo đều cần có ý kiến của các nước châu Âu cũng như Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu trên kênh CNews hôm 9-1, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho rằng phía Nga đang tìm cách chia rẽ các nước phương Tây, bằng việc kiên quyết chỉ đàm phán với Mỹ mà gạt bỏ các nước châu Âu sang một bên và điều này là không thể chấp nhận được.

Trước đó, trong cuộc họp báo chung nhân dịp Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến tương lai cấu trúc an ninh tại châu Âu cũng không được phép vắng mặt các nước ở đây.

Điều này cũng đã được Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell làm rõ trong chuyến thăm đến biên giới Ukraine vào đầu tuần trước. Theo đó, ông khẳng định sẽ không có an ninh tại châu Âu nếu không có an ninh cho Ukraine và mọi cuộc thảo luận về an ninh châu Âu đều phải có sự góp mặt của EU và Ukraine. Bất cứ thảo luận nào về Ukraine cũng đều cần phải có sự góp mặt trước tiên của Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Nga cảnh báo Mỹ: Đùa với lửa là không hề có lợi

Nga để ngỏ khả năng đáp trả quân sự nếu Mỹ làm thay đổi cán cân an ninh ở châu Âu, trong khi vòng đàm phán đầu tiên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN