Ukraine bất ngờ nhượng bộ Ba Lan liên quan vụ thảm sát thời Thế chiến 2

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong tuyên bố hôm 26/11, Ukraine cho biết Kiev không phản đối việc Ba Lan muốn khai quật hài cốt các nạn nhân vụ thảm sát Volyn trong Thế chiến 2.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha. Ảnh: Ukrinform.

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha. Ảnh: Ukrinform.

Theo tờ Kyiv Independent, trong nhiều năm, Ukraine không muốn nhắc lại vụ thảm sát Volyn trong khi Ba Lan coi việc khai quật hài cốt các nạn nhân là nền tảng quan trọng để giải quyết khúc mắc lớn nhất giữa hai nước. Ba Lan từng là nước hỗ trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine nhưng vì mâu thuẫn trên mà sự hỗ trợ này đã giảm mạnh.

“Mỗi gia đình đều có quyền tôn vinh ký ức về tổ tiên của họ một cách trang nghiêm", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói hôm 26/11. "Chúng tôi đang xây dựng các cơ chế thực tế để giải quyết vấn đề khai quật hài cốt".

Ông Sybiha đưa ra tuyên bố khi có chuyến thăm Ba Lan đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Ukraine vào tháng 9/2024. Tuyên bố chung của hai ngoại trưởng Ukraine – Ba Lan không trực tiếp đề cập vụ thảm sát Volyn, nhưng ghi nhận “hiểu lầm lịch sử” giữa hai nước.

Vụ thảm sát Volyn diễn ra vào năm 1943 trong Thế chiến 2. Lực lượng nổi dậy Ukraine (UPA) do Stepan Bandera lãnh đạo đã sát hại hàng chục ngàn người Ba Lan ở vùng đất trước kia thuộc Ba Lan nhưng nay nằm ở miền tây Ukraine. 

Nguyên nhân sâu xa của vụ thảm sát là tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Ba Lan (khi đó đều bị Đức Quốc xã kiểm soát). Đức Quốc xã khi đó không can thiệp vào xung đột giữa người Ba Lan và Ukraine.

Bandera là nhân vật lịch sử gây tranh cãi ở Ukraine cũng như ở Nga và Ba Lan. Nhiều người Ba Lan coi Bandera là biểu tượng của chủ nghĩa cực đoan và đại diện cho sự thù địch của Ukraine đối với Ba Lan.

Bandera từng có giai đoạn hợp tác với Đức Quốc xã với hi vọng xây dựng một Ukraine tự chủ nhưng bị Hitler từ chối. Đa số người dân miền đông Ukraine và Nga có quan điểm tiêu cực về Bandera. Nhưng ở miền tây Ukraine, Bandera thường được phác họa như một “anh hùng dân tộc”, người đấu tranh cho nhà nước Ukraine tự chủ.

Tháng 7/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nói Ukraine sẽ không thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) một khi không giải quyết khúc mắc lịch sử liên quan vụ thảm sát Volyn.

Với việc hai nước đã đưa ra tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Ukraine và Ba Lan sẽ giám sát một nhóm công tác chung để tiến hành khai quật hài cốt các nạn nhân trong tương lai gần, tờ Kyiv Independent đưa tin.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, ông đã trao đổi với Ukraine về khả năng chuyển giao vũ khí Hàn Quốc, nhưng phản ứng của ông trong trường hợp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Kyiv Independent ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN