Ukraine - Ba Lan: Vì sao từ kẻ thù thành đồng minh?
Với quá khứ không phải lúc nào cũng êm đẹp, thậm chí có những thời điểm xung đột gay gắt, mối quan hệ nồng thắm giữa Ba Lan và Ukraine ngày nay có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Vì sao có sự thay đổi như vậy?
Dù từng đối đầu trong quá khứ, Ba Lan và Ukraine ngày nay đang duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Ảnh minh họa: Decentralization
Lợi ích quốc gia của Ukraine và Ba Lan đôi lúc không tương thích trong quá khứ. Thậm chí, có thời điểm hai bên xảy ra giao chiến và những vụ thảm sát.
Nhưng trong 2 thập kỷ gần đây, quan hệ Ba Lan - Ukraine đã cải thiện và ngày càng thắm thiết. Theo The Conversation, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện tại, Ba Lan là một trong số các quốc gia ủng hộ Kiev nhiệt tình nhất và cũng là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất.
Các đảng phái chính trị của Ba Lan có thể còn bất đồng về những vấn đề khác của Ukraine, nhưng họ vẫn luôn ủng hộ Kiev về vấn đề bảo vệ lãnh thổ của nước này.
Những lần "đầu rơi máu chảy"
Người Ba Lan không thể quên cuộc thảm sát tại các ngôi làng Ba Lan ở Volhynia năm 1943 và Đông Galicia năm 1944, khiến khoảng 100.000 người Ba Lan thiệt mạng.
Thủ phạm của các vụ thảm sát là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ukraine và Quân đội nổi dậy Ukraine. Những người này muốn thanh lọc sắc tộc tại Volhynia và Đông Galicia, để 2 khu vực này không còn dấu tích của người Ba Lan.
Trong những năm tháng giữa 2 cuộc Thế chiến, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ukraine đã sát hại hàng chục đại diện của nhà nước Ba Lan.
Cảnh sát Ba Lan đáp lại bằng việc tấn công vào các ngôi làng Ukraine, đánh đập người dân và phá hủy các tòa nhà sinh hoạt chung. Trong Thế chiến II, quân Ba Lan giết hại hàng trăm lãnh đạo các cộng đồng dân cư và bắn giết dân tại nhiều ngôi làng Ukraine ở vùng Chełm, khiến khoảng 20.000 đến 25.000 người thiệt mạng. Vụ sát hại người Ukraine được cho là để trả đũa cuộc thảm sát người Ba Lan ở Volhynia của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ukraine (1943 - 1945).
Các nạn nhân của cuộc thảm sát Volhynia - Đông Galicia (1943-1945). Ảnh: Public Domain
Với những người nghiên cứu lịch sử Ba Lan - Ukraine, nếu hai nước đối đầu nhau, họ đều thua.
Những người Cozak (Ukraine) thế kỷ 17 nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự thống trị của người Ba Lan và đã thành lập một nhà nước độc lập - Cossack Hetmanate. Nhưng sau đó, người Cozak cũng không giữ được độc lập.
Năm 1772, Nga, Áo và Phổ bắt đầu chia cắt Ba Lan. Việc phân chia các vùng ở Ba Lan hoàn tất năm 1795.
Trong giai đoạn 1918 - 1920, Ukraine và Ba Lan nỗ lực thành lập các quốc gia độc lập sau sự sụp đổ của đế chế Áo - Hung. Nhưng việc bất đồng về lãnh thổ dẫn đến cuộc chiến tranh Ba Lan - Ukraine ở Đông Galicia. Cuộc chiến sau đó giữa Ba Lan và Ukraine (thuộc Liên Xô) đã kết thúc mà không có kết quả rõ ràng. Nhưng nó dẫn đến việc phân chia Ukraine, chủ yếu giữa Ba Lan và Liên Xô. Một phần nhỏ hơn được chia giữa Tiệp Khắc và Romania.
Trong Thế chiến II, xung đột giữa người Ba Lan và người Ukraine, các cuộc thảm sát người Ba Lan của Quân đội nổi dậy Ukraine và những vụ trả đũa của người Ba Lan khiến hai bên bị suy yếu. Đức quốc xã và Liên Xô dễ dàng khuất phục Ba Lan và Ukraine.
Sau đó là việc trục xuất 800.000 người Ba Lan khỏi khu vực ngày nay là miền tây Ukraine và 500.000 người Ukraine khỏi miền đông Ba Lan. Năm 1947, thêm 100.000 người Ukraine sống ở Ba Lan bị trục xuất.
Thay đổi bất ngờ
Các vấn đề bất đồng trong lịch sử giữa Ba Lan và Ukraine vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhưng các lợi ích chính trị chung đang chiếm ưu thế trong quan hệ 2 nước ở hiện tại, đặc biệt là khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Sau khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1991, Kiev và Warsaw đã thiết lập mối quan hệ tốt đẹp về chính trị, văn hóa và kinh tế. Điều kiện tiên quyết cho điều này là Ba Lan từ bỏ tham vọng đế quốc và ngừng coi Ukraine là những người thấp kém.
Ở thế kỷ 20, một bộ phận đáng kể trong giới tinh hoa Ba Lan cho rằng người Ukraine không có khả năng duy trì nền độc lập. Số phận của Ukraine sẽ bị cuốn vào nền văn hóa Ba Lan hoặc phụ thuộc vào Nga.
Điều này khiến quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine ở thời điểm giữa thế kỷ 20 rơi vào tình trạng tương đối tồi tệ. Nhưng tình hình thay đổi đáng kể khi Ba Lan và Ukraine hoàn toàn độc lập, có thể tự quyết định các chính sách đối ngoại.
Theo trang New Eastern Europe, từ Thế chiến II đến Chiến tranh Lạnh, Ba Lan nằm dưới tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Tới năm 1989, khi các lực lượng dân chủ lên nắm quyền ở Ba Lan, nước này trở thành một nước dân chủ hiện đại.
Tháng 9/1989, một nhóm nghị sĩ Ba Lan được mời tới thủ đô Kiev của Ukraine để tham dự đại hội của đảng Phong trào nhân dân Ukraine. Nhóm nghị sĩ Ba Lan ủng hộ nguyện vọng của các lực lượng dân chủ dân tộc ở Ukraine. Chính điều này đã đặt nền móng cho một mô hình quan hệ Ba Lan - Ukraine mới.
Năm 1991, Ba Lan đi đầu trong việc ủng hộ Ukraine và là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Kiev. Quan hệ ngoại giao chính thức giữa 2 nước được thiết lập ngày 8/1/1992.
Trong giai đoạn 1993-2000, mối quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Ukraine liên tục phát triển, thể hiện qua các chuyến thăm của quan chức đôi bên, các thỏa thuận hợp tác chung trên nhiều lĩnh vực. Năm 1997, quan hệ Ba Lan - Ukraine đã đạt đến cấp độ đối tác chiến lược.
Hình ảnh nghệ thuật trên cánh đồng biên giới giữa làng Horodyszcze (Ba Lan) và làng Warez (Ukraine) do nghệ sĩ người Ba Lan Jaroslaw Koziara tạo ra năm 2011. Với tác phẩm này, Koziara muốn thể hiện lịch sử đoàn kết và giao thương của người dân biên giới hai quốc gia. Ảnh: Bored Panda
Sự phát triển có mục đích của hợp tác chính trị Ba Lan-Ukraine giúp Kiev tranh thủ sự ủng hộ của Warsaw trong việc thiết lập cuộc đối thoại đầu tiên với Mỹ và các quốc gia hàng đầu châu Âu.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Ba Lan nêu rõ, Warsaw ủng hộ nguyện vọng Euro-Đại Tây Dương của Kiev, đặc biệt, là một phần của việc tiếp tục chính sách "mở cửa" với NATO. Ngoài ra, hợp tác Ba Lan - Ukraine có thể giúp củng cố vai trò quan trọng của Ukraine trong chính sách an ninh châu Âu.
Năm 2012, Ba Lan và Ukraine đồng tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu UEFA. Trong 30 năm qua, khoảng 1,5 triệu người Ukraine đã di cư đến Ba Lan.
Trong lịch sử, người dân vùng biên giới Ukraine - Ba Lan nói cả 2 ngôn ngữ và có chung tổ tiên giữa 2 nước. Ngày nay, người Ba Lan và người Ukraine đã tìm ra một số điểm chung. Theo một cuộc thăm dò trước khi Nga mở chiến dịch xung đột ở Ukraine, nhiều người Ba Lan không còn khó chịu với người Ukraine như trước - một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã thay đổi so với trước đây.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong một lần gặp trực tiếp. Ảnh: Ukrinform
Gần đây nhất, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thừa nhận hồi tháng 7 rằng, vụ thảm sát Volhynia - Đông Galicia vẫn còn là vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ Warsaw – Kiev, nhưng Ba Lan sẽ không tìm cách trả thù Ukraine.
“Sự thật phải được công bố rõ ràng và mạnh mẽ, nhưng không phải để trả thù. Không có bằng chứng nào tốt hơn cho thấy quan hệ Ba Lan – Ukraine đã được cải thiện bằng thời điểm này”, Tổng thống Ba Lan phát biểu hôm 11/7.
Giờ đây, cả Ba Lan và Ukraine đều muốn gác lại quá khứ, hướng tới duy trì, phát triển mối quan hệ ngày càng tốt đẹp.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi đế chế Áo-Hung sụp đổ, Tây Ukraine muốn trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, tranh chấp về lãnh thổ khiến Tây Ukraine và Ba Lan bị cuốn vào cuộc chiến khiến hàng...