Úc: Vì sao nhiều người tiếp xúc gần người nhiễm Omicron nhưng không bị lây?
Tại Úc, nhiều trường hợp là người sống cùng nhà và tiếp xúc gần trong thời gian dài với người nhiễm biến thể dễ lây lan Omicron nhưng không bị lây bệnh.
Ảnh minh họa: Getty
Nhiều gia đình ở Úc đã chia sẻ với tờ Daily Mail Australia về sự bối rối của họ sau khi ở chung nhà, thậm chí chung phòng với người nhiễm Covid-19 nhưng không bị lây nhiễm.
Jane, một trợ lý làm việc từ xa, cho biết đã tới ở cùng nhà một người bạn cả buổi tối. "Chúng tôi ăn tối và xem ti vi cùng nhau trên ghế. Khoảng cách giữa 2 người trong nhiều giờ là chưa đầy một mét. Ngày hôm sau, bạn tôi có kết quả dương tính với Covid-19. Tôi nghĩ mình cũng bị nhiễm bệnh nhưng khi test nhanh kết quả là âm tính. Tôi tiếp tục xét nghiệm PCR nhưng kết quả vẫn là như vậy", Jane, người đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, chia sẻ.
"Bạn tôi nhiễm Omicron - biến thể rất dễ lây lan. Tôi cảm thấy may mắn vì không bị lây nhiễm", Jane nói thêm.
Emily, một bà mẹ 3 con sống ở Melbourne, Úc, cho biết, một con trai của bà bị nhiễm biến thể Omicron và ở trong nhà ít nhất 2 ngày trước khi được cách ly nhưng không ai trong gia đình bị lây bệnh.
"Thằng bé ho nhiều và khi test nhanh cho ra kết quả nghi ngờ dương tính. Vì vậy, tôi đưa con đi làm xét nghiệm PCR", bà mẹ 3 con chia sẻ.
"Kết quả PCR là dương tính vì vậy thằng bé phải cách ly trong phòng ngủ kể từ khi có kết quả. Tôi, con gái và một con trai khác không bị lây bệnh từ thằng bé. Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin, trong khi lũ trẻ cũng được tiêm 2 mũi. Có thể điều đó có tác dụng phần nào", Emily nói thêm.
Một trường hợp khác là của gia đình Eli, 25 tuổi, ở vùng ngoại ô Sydney, Úc. Eli nhiễm Covid-19 khi ở chung nhà với bố mẹ. Ông George, bố của Eli, dương tính 3 ngày kể từ khi Eli nhiễm bệnh, trong khi bà Belle, mẹ của Eli, vẫn có kết quả âm tính những ngày sau đó.
"Eli là người bị đầu tiên trong nhà. Sau khi có kết quả dương tính, con bé gần như lúc nào cũng ở trong phòng riêng, đeo khẩu trang và găng tay khi đi ra khu bếp", bà Belle chia sẻ với Daily Mail Australia.
"Chồng tôi là người bị tiếp theo. Dù chúng tôi vẫn ngủ chung nhưng tôi vẫn không bị lây bệnh", bà Belle nói. Cả gia đình Eli đều đã tiêm mũi thứ 3.
Giáo sư Catherine Bennett, chủ nhiệm của Khoa Dịch tễ học, Đại học Deakin (Úc), chia sẻ với Daily Mail Australia rằng, hiện tượng này có thể là kết quả của nhiều yếu tố, gồm lây nhiễm từ trước, đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sức mạnh của hệ miễn dịch.
"Biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn nhưng không có nghĩa là nó sẽ lây cho tất cả mọi người. Khả năng miễn dịch của mỗi người là khác nhau", giáo sư Bennett nói.
Vị chủ nhiệm của Khoa Dịch tễ học, Đại học Deakin, còn cho biết, ngoài vắc xin, mỗi người có những phản ứng khác nhau với Covid-19 là do sức mạnh của hệ miễn dịch.
"Một số người sẽ có các vấn đề sức khỏe làm suy giảm hệ thống miễn dịch của họ. Nhưng nếu có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, được tiêm chủng 3 mũi và từng bị nhiễm bệnh nhưng không phát hiện ra, bạn rất có thể sẽ không bị nhiễm bệnh dù tiếp xúc gần hoặc ở chung nhà với người nhiễm", giáo sư Bennett nói.
Theo vị chủ nhiệm của Khoa Dịch tễ học, Đại học Deakin, virus vẫn tiếp tục có các đột biến, vì vậy, các mũi tiêm tăng cường dần trở nên quan trọng khi các mũi tiêm ban đầu giảm dần hiệu quả, nhất là trước biến thể Omicron.
"Nếu từng nhiễm biến thể Alpha, bạn vẫn có thể nhiễm Omicron. Biến thể này ở khắp nơi và dễ lây lan hơn các biến thể trước. Ngay cả nhiễm biến thể Delta, bạn cũng vẫn có thể nhiễm Omicron. Mũi tăng cường là một sự khác biệt. Nó có thể giúp ngăn lây nhiễm Omicron ở mức độ nào đó", giáo sư Bennett nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Vào thời điểm nhiều thành phố của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khả năng lây truyền virus từ đồ vật sang người đang trở thành tâm điểm chú ý của người...