Úc tuần tra gần đảo nhân tạo ở Biển Đông, thách thức TQ

Úc đã điều máy bay do thám P-3 Orion tuần tra Biển Đông, gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp nhằm thực thi “quyền tự do đi lại” và đảm bảo an ninh ổn định trong khu vực.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Úc xác nhận, chuyến bay tuần tra là một phần trong nỗ lực liên tục của nước này để duy trì và đảm bảo an ninh và sự ổn định tại Biển Đông. Trên thực tế, máy bay do thám P-3 Orion của nước này đã tuần tra trên không ở biển Đông từ mấy tuần nay trong chiến dịch được gọi là "Operation Gateway".

"Việc máy bay P-3C Orion của Không quân Hoàng gia Úc tiến hành tuần tra hường xuyên trên Biển Đông từ 25.11 đến 4.12 là một phần của chiến dịch Operation Gateway. Trong khuôn khổ chiến dịch Operation Gateway, Úc thực hiện tuần tra thường xuyên và giám sát hàng hải tại khu vực Bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông nhằm chứng tỏ cam kết lâu dài của Úc trong việc góp phần đảm bảo an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á", một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc tuyên bố.

Úc tuần tra gần đảo nhân tạo ở Biển Đông, thách thức TQ - 1

Úc đã triển khai máy bay do thám P-3C Orion (ảnh) tuần tra Biển Đông gần đây.

Trong một chuyến bay dân sự khảo sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông gần đây, phóng viên BBC cũng tình cờ bắt được tín hiệu sóng radio cho thấy, phi công Úc đang gọi Hải quân Trung Quốc.

"Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc, chúng tôi là một máy bay Úc đang thực hiện quyền tự do đi lại quốc tế trong không phận quốc tế theo công ước hàng không dân dụng quốc tế và công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển, hết", phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes dẫn lại lời phi công Úc gọi Hải quân Trung Quốc.

Phóng viên cũng cho biết, máy bay Úc lặp lại thông điệp trên nhiều lần song phía Trung Quốc không đáp lại.

Đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Úc tuần tra Biển Đông, gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp trong khu vực sau khi Mỹ đã làm như vậy nhiều lần.

Úc tuần tra gần đảo nhân tạo ở Biển Đông, thách thức TQ - 2

Ảnh chụp Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp hồi tháng 3.2015. Ảnh: CSIS Asia Maritime Transparency Intitiative/DigitalGlobe.

Giới chuyên gia nhận định, động thái này cho thấy Úc không chấp nhận yêu sách chủ quyền dựa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Dù vậy, ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Úc bình luận, Canberra nên công khai tuyên bố về việc tuần tra Biển Đông để thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh thay vì để phóng viên BBC phát hiện rồi mới xác nhận.

Trước đó, Mỹ đã nhiều lần công khai thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Hồi tháng 10, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Căng thẳng Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo trong khu vực - động thái bị Mỹ cáo buộc là đe dọa quyền tự do đi lại tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược với khối lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD lưu thông qua đây hàng năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN