Úc quyết hơn thua với Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Úc đang tiến tới tăng cường quan hệ với các đảo quốc nhỏ ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này, đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương khi đại dịch Covid-19 cản trở việc đi lại.
Úc và Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: Natalie Neung
Theo Bloomberg, chính phủ của Thủ tướng Úc Scott Morrison đã hứa cung cấp vắc-xin Covid-19 cho một số nước láng giềng trong năm 2021. Đây là một phần của gói cứu trợ 500 triệu đô la Úc (gần 400 triệu USD), nhằm đạt được "phạm vi tiêm chủng đầy đủ" trong khu vực.
Gần đây, Úc cũng ký một thỏa thuận "mang tính bước ngoặt" với đảo quốc Fiji, một trong những quốc gia đông dân nhất trong khu vực, để cho phép triển khai và tập trận quân sự trong phạm vi quyền hạn của nhau.
"Trung Quốc không có nhiều hành động hỗ trợ các nước trong khu vực Thái Bình Dương khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, Úc tạo dựng được thiện cảm vì không quên các nước trong khu vực này khi khủng hoảng y tế toàn cầu xảy ra", Jonathan Pryke, người đứng đầu nghiên cứu về khu vực Thái Bình Dương, thuộc Viện Lowy (Úc), nói.
Trong thập kỷ qua, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại 14 quốc gia Thái Bình Dương - với dân số khoảng 13 triệu người, sống trên hàng nghìn hòn đảo, thuộc khu vực trải dài trên 15% bề mặt thế giới - đã gióng lên hồi chuông cảnh báo Úc và Mỹ.
Các nhà ngoại giao và quan chức tình báo lo ngại, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh có thể là thiết lập một căn cứ hải quân, giúp chi phối các chiến lược quân sự của Trung Quốc.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương diễn ra sau khi Trung Quốc tung một loạt đòn "trả đũa" thương mại gây tổn hại cho Úc. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra bắt đầu từ khi Thủ tướng Úc Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập và nguồn gốc đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc.
Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, đã đưa ra các lệnh cấm nhập khẩu và hạn chế liên quan tới các sản phẩm của Úc như lúa mì, rượu vang, thịt bò, tôm hùm... Úc mới đây đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu điều tra các loại thuế mà Trung Quốc áp lên lúa mạch Úc hồi tháng 5/2020.
Úc đã "xâm nhập" được vào khu vực Thái Bình Dương sau khi các đảo quốc ở khu vực này chặn các chuyến bay và tàu du lịch tới chỗ họ, nhằm ngăn Covid-19 lây lan tới các cộng đồng dễ bị tổn thương trong khu vực sống phụ thuộc vào viện trợ.
Trung Quốc đã lệnh cho công nhân, đang phát triển các dự án gắn với sáng kiến "Vành đai - Con đường", trở về nhà, đồng thời cắt giảm nhân viên ngoại giao ở 10 quốc gia Thái Bình Dương.
Tại Papua New Guinea, quốc gia đông dân nhất ở Thái Bình Dương và tới nay là nước nhận được hỗ trợ tài chính nhiều nhất từ Bắc Kinh, công việc tại một trong những dự án cơ sở hạ tầng cao cấp nhất khu vực đã bị đình trệ trong năm nay, theo Paul Barker, giám đốc điều hành của Viện National Affairs, một nhóm nghiên cứu kinh tế phi lợi nhuận ở Papua New Guinea.
Nhân viên Trung Quốc đã rời khu công nghiệp biển ở Madang, thị trấn nằm ở bờ biển phía bắc của Papua New Guinea. Madang đã nhận ít nhất 73 triệu USD tài trợ từ Bắc Kinh và sẽ được sử dụng là một cơ sở để đánh bắt cá ngừ, Barker nói thêm.
Một số dự án mà Trung Quốc hậu thuẫn xung quanh thủ đô của Papua New Guinea cũng rơi vào tình trạng tạm hoãn trong năm nay, Barker hy vọng sự hiện diện của Bắc Kinh và các đề nghị hỗ trợ tài chính sẽ tăng trở lại khi đại dịch được kiểm soát.
"Papua New Guinea muốn có được sự cạnh tranh từ các nhà thầu, và nếu Trung Quốc đưa ra các đề nghị hợp tác trong tương lai, chính phủ Papua New Guinea sẽ rất quan tâm. Dù hầu hết người dân Papua New Guinea có xu hướng tìm đến 'người bạn phía nam' - là nước Úc, nhưng họ cũng muốn có thêm nhiều cơ hội mới", ông Barker phân tích.
Tuy có xu hướng giảm nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh không hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Các đại sứ mới của Trung Quốc đã được cử đến 2 đảo quốc cắt đứt quan hệ với Đài Loan năm 2019 - quần đảo Solomon và Kiribati.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời trong một email rằng, quan hệ giữa Bắc Kinh với các đảo quốc Thái Bình Dương có tiến triển trong 2020, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã chia sẻ kinh nghiệm y tế và cung cấp tài liệu cho các quốc gia ở Thái Bình Dương trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Ngoài ra, các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai - Con đường", bao gồm một đường cao tốc mới ở Papua New Guinea và một sân vận động ở quần đảo Solomon "đang tiến triển ổn định".
"Trung Quốc hy vọng tất cả các nước khác có thể áp dụng thái độ ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau và tinh thần cởi mở để tạo điều kiện cho sự ổn định, thịnh vượng trong khu vực, thay vì duy trì tâm lý 'chiến tranh Lạnh' và xây dựng các 'nhóm nhỏ' độc quyền", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Nghị sĩ ở Mỹ và Úc đã cảnh báo các quốc gia đang phát triển tránh vay nợ của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẽ sử dụng khoản nợ này như một đòn bẩy về chính trị. Trung Quốc đã chi ít nhất 1,7 tỷ USD viện trợ và cho vay tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương trong thập kỷ vừa qua, hầu hết đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và tiện ích cần thiết, theo dữ liệu từ Viện Lowy.
Đáp lại, Úc đã đưa ra một quỹ dành cho cơ sở hạ tầng trong khu vực Thái Bình Dương, trị giá 2 tỷ đô la Úc (1,5 tỷ USD) vào năm 2018. Mỹ cũng thành lập Hội đồng các vấn đề Thái Bình Dương, thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nhằm cung cấp một trung tâm điều phối chính sách trong khu vực với các nước cùng chí hướng.
Theo chuyên gia Pryke, tới từ Viện Lowy, với sự tàn phá kinh tế do đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều năm, cạnh tranh địa chiến lược trong khu vực có thể gia tăng khi các quốc gia tìm cách phục hồi.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ Bắc Kinh mong muốn quan hệ với Úc tốt đẹp trở lại "càng sớm...