Úc điều quân đến Quần đảo Solomon ngăn chặn bạo động liên quan Trung Quốc
Cảnh sát, binh lính và nhân viên ngoại giao Úc được cử đến Quần đảo Solomon nhằm trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực liên quan mối quan hệ của đảo quốc này với Trung Quốc.
Theo đài RT, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 25-11 cho biết một đội gồm 75 cảnh sát liên bang, 43 binh sĩ và ít nhất năm nhà ngoại giao đang trên đường đến quần đảo “nhằm mang lại sự ổn định và an ninh” và giúp chính quyền địa phương bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Nhiệm vụ của họ dự kiến sẽ kéo dài vài tuần và diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng và các cuộc biểu tình liên quan đến nhiều vấn đề trong nước – có lẽ chủ yếu liên quan quyết định của chính phủ Solomon hồi năm 2019 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập bang giao với Trung Quốc - quốc gia luôn coi Đài Loan một phần lãnh thổ và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.
Những người biểu tình tập trung tại một đồn cảnh sát ở thủ đô Honiara. Ảnh: RT
Tuy nhiên, ông Morrison khẳng định chính phủ Úc không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Quần đảo Solomon “bằng bất kỳ cách nào”, đồng thời cho biết thêm rằng việc triển khai “không cho thấy bất kỳ lập trường nào về các vấn đề nội bộ” của đảo quốc láng giềng.
Thủ tướng Solomon, ông Manasseh Sogavare hôm 24-11 đã ra lệnh phong tỏa trong 36 giờ sau một cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Honiara, tại đó những người xuống đường đã yêu cầu ông từ chức. Tại một thời điểm, những người biểu tình thậm chí còn cố gắng xông vào tòa nhà quốc hội, và sau đó đốt cháy một túp lều ngay sát cơ quan lập pháp.
Các cửa hàng và các tòa nhà khác trong khu Phố Tàu của Honiara cũng bị cướp phá và bốc cháy dữ dội bất chấp lệnh phong tỏa.
Hôm 26-11, khi các nhân viên của Úc đến, Thủ tướng Sogavare nói rằng các cuộc biểu tình bùng phát là do các quốc gia bên ngoài tác động, nhưng từ chối nói cụ thể quốc gia nào.
“Chính những quốc gia (đang gây ảnh hưởng đến những người biểu tình) này là những quốc gia không muốn có quan hệ với CHND Trung Hoa, và họ không khuyến khích Quần đảo Solomon bắt đầu mối quan hệ ngoại giao (với Bắc Kinh)” – ông Sogavare nói.
Theo đài ABC, Thủ hiến tỉnh Malaita Daniel Suidani là người phản đối quyết định của chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và các nhà quan sát cho biết tỉnh này vẫn duy trì mối quan hệ nhất định với hòn đảo này.
Hồi tháng trước, nghị sĩ đối lập Peter Kenilorea Jr, con trai của thủ tướng đầu tiên của Solomon, cảnh báo về sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với chính sách đối ngoại của quốc đảo và dự báo những bất đồng liên quan đến vấn đề này có thể dẫn đến bạo lực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo ngày 25-11 bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về những cuộc tấn công nhắm vào công dân, tổ chức của Trung Quốc tại Solomon, đồng thời kêu gọi chính quyền đảo quốc này có biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân Trung Quốc.
Nhiều người biểu tình tức giận đốt phá các công sở ở thủ đô, cố gắng xông vào trụ sở quốc hội nhằm ép thủ...
Nguồn: [Link nguồn]