U23 VN - Syria: Vì sao đối thủ rất mạnh bất chấp chiến tranh tàn khốc?
Đối với một đất nước chìm trong chiến tranh suốt nhiều năm như Syria, việc đội tuyển quốc gia không ngừng gặt hái thành công lớn là điều không thường thấy trên thế giới.
Đội tuyển quốc gia Syria suýt chút nữa đã giành quyền vào vòng chung kết World Cup 2018.
Đội tuyển U23 Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lọt vào vòng tứ kết ASIAD 2018 diễn ra ở Indonesia. Cuộc đối đầu với U23 Syria vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 27.8 sẽ là cơ hội để các cầu thủ Việt Nam đánh bại Syria, sau trận hòa không bàn thắng giữa hai đội vào đầu năm nay.
Đất nước Syria chìm trong khói lửa từ đầu năm 2011, với cuộc biểu tình khơi mào thành bạo loạn đẫm máu. Ước tính hơn 700.000 người Syria thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa sơ tán.
Nhưng trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc ấy, bóng đá Syria vẫn không ngừng phát triển. Đội tuyển quốc gia Syria còn suýt giành vé vào vòng chung kết World Cup 2018, chỉ để thua trước Úc ở trận đấu play off.
Sở dĩ bóng đá Syria đạt được bước tiến thần kỳ như vậy là nhờ sự cuồng nhiệt với bóng đá của người dân và chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Người dân cuồng nhiệt với bóng đá
Người dân Damascus cầm trên tay lá cờ Pháp trong trận chung kết World Cup 2018.
Dấu hiệu mà các phóng viên nước ngoài nhìn thấy ở Syria trong suốt kỳ World Cup 2018 mới diễn ra ở Nga là sự cuồng nhiệt của người dân, gạt đi những mâu thuẫn chính trị.
Tại công viên al-Jahez ở thủ đô Damascus, người dân Syria vẫy cờ Pháp khi chứng kiến trận chung kết giữa Pháp và Croatia trên màn hình lớn. Đó là dấu hiệu của tình yêu bóng đá dù quan hệ giữa Syria và phương Tây đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Đại sứ quán Pháp ở Syria từ lâu đã đóng cửa vì căng thẳng giữa Damascus và phương Tây trong cuộc nội chiến Syria. Bên cạnh đó, Pháp cũng tham gia vào chiến dịch không kích Syria cùng Anh, Mỹ hồi tháng 4.
Chính phủ Syria còn cáo buộc Pháp hỗ trợ các nhóm khủng bố, trong khi Paris luôn cho rằng quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở những khu vực có phe nổi dậy kiểm soát.
Nhưng những điều đó không ngăn người dân Syria cầm trên tay lá cờ Pháp. Trẻ em Syria cũng hòa vào niềm vui chung với bóng đá.
“Tôi đã cổ vũ đội tuyển Pháp từ rất lâu rồi và tôi thích cách họ chơi bóng”, Muhammad, một người dân Syria sống ở Damascus nói.
Muhammad nói rằng bóng đá và chính trị hoàn toàn tách biệt nhau vì “đó là môn thể thao được hàng triệu người dân thế giới yêu thích “ và bản thân Muhammad cũng cổ vũ các cầu thủ có kỹ thuật tốt.
Tay súng thuộc phe nổi dậy Syria chơi đùa cùng quả bóng.
Một số người khác thì khẳng định họ yêu đội tuyển bóng đá nước ngoài, nhưng không có nghĩa là họ cũng ủng hộ cả quốc gia đó.
“Bóng đá và chính trị là hai thứ khác biệt. Tôi cổ vũ đội tuyển Pháp vì tôi yêu bóng đá và kỹ thuật của họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi cũng ủng hộ lập trường chính trị của Pháp”, một người tên Yasser nói.
Maher, một người dân Damascus khác cũng bày tỏ quan điểm tương tự: “Bóng đá cũng như âm nhạc. Tôi yêu thích nhiều ca sĩ Mỹ và các bài hát của họ. Nhưng tôi không ủng hộ chính sách của Mỹ ở Trung Đông”.
“Cuối cùng, họ là các cầu thủ bóng đá, không phải binh sĩ. Đó là lý do chúng tôi có thể cổ vũ một cách hết mình”, Maher nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của các phóng viên, quãng thời gian diễn ra World Cup 2018 là lúc thủ đô Damascus tràn ngập trong niềm vui, giống như chiến tranh chưa từng diễn ra. Bóng đá chính là cách để người Syria xích lại gần hơn với nhau.
Chính phủ tạo cơ hội
Đối với một đất nước chìm trong chiến tranh như Syria, dĩ nhiên đội tuyển không thể chơi bất kỳ một trận đấu nào trên sân nhà trong khuôn khổ các giải đấu quốc tế. Nhưng chính phủ Syria đã tạo mọi cơ hội để các cầu thủ chơi bóng ở khắp nơi trên thế giới có thể khoác lên màu áo đội tuyển quốc gia.
Somah, một ngôi sao Syria, từng thi đấu cho đội tuyển đến năm 2012, giúp Syria vô địch Tây Á. Ở trận đấu cuối cùng gặp Kuwait, Somah giương cao lá cờ của phe nổi dậy. Đó là lý do cầu thủ này không dám trở về nước và chuyển sang chơi bóng ở Ả Rập Saudi kể từ đó.
Al-Khatib mang băng thủ quân đội tuyển Syria.
Một đồng đội khác là Firas al-Khatib, người được coi là cầu thủ vĩ đại nhất của Syria, từng tuyên bố sẽ không chơi cho đội nhà cho đến khi quân đội chính phủ ngừng ném bom người dân.
Đến cuối cùng, họ đều quay về phục vụ cho đội tuyển quốc gia và được chính phủ Syria bỏ qua.
Firas al-Khatib, giờ đây là thủ quân đội tuyển Syria, từng nói: “Dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, tôi cũng mừng khi biết có 12 triệu người Syria yêu tôi, ngay cả khi 12 triệu người khác muốn giết tôi”.
Sự trở lại của các ngôi sao được cho là cú hích lớn giúp Syria suýt chút nữa giành vé dự World Cup 2018, trước những đối thủ được chuẩn bị tốt hơn.
Ở Syria, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp may mắn lắm mới nhận được 1.000 USD/năm, trong khi người cao nhất cũng chỉ nhận mức lương 30.000 USD.
Nhiều cầu thủ thi đấu ở Trung Đông nói họ không quan tâm đến tiền khi quay trở về phục vụ cho đội tuyển quốc gia.
Người dân Syria xem bóng đá trong khung cảnh đổ nát.
“Thật vui vì được chơi bóng cùng nhau”, tiền vệ Tamer Haj Mohamad nói. “Chúng tôi từng chơi bóng với nhau khi còn là trẻ em, nhưng đã không gặp nhau trong nhiều năm. Chúng tôi không hề khác biệt như mọi người nghĩ”.
Có thể nói, liên đoàn bóng đá Syria đã thành công lớn khi thuyết phục được các cầu thủ với nguồn gốc, tôn giáo, lập trường chính trị khác nhau về cùng hát quốc ca bên dưới lá cờ Syria.
“Chúng tôi biết họ theo tôn giáo, chính trị khác nhau, nhưng đội tuyển quốc gia giống như một trường học, một trung tâm văn hóa vậy”, Yamen, một người Syria sống ở Beirut nói.
Nhiều người dân Syria sống ở khu vực do phe đối lập kiểm soát cũng thể hiện tình yêu với bóng đá, dù họ không ủng hộ chính phủ.
“Tôi rất vui khi chứng kiến đội tuyển không ngừng làm nên lịch sử, dù họ vẫn thi đấu dưới quyền của chính phủ Assad”, Ahmed Ali đến từ thành phố Deraa, hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Những bức ảnh thảm khốc, hoang tàn vì cuộc khủng hoảng ở Syria cho thấy lý do người Syria đang tìm mọi cách trốn chạy...