Tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 có liên quan đến không khí?

Hai nghiên cứu được thực hiện riêng rẽ tại Mỹ và châu Âu đã phát hiện mối liên hệ đáng lo ngại giữa mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí ở một số khu vực nhất định với nguy cơ tử vong gây ra bởi dịch Covid-19.

Những kết quả sơ bộ này có thể giúp giải thích tại sao một số khu vực trên thế giới có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với những nơi khác trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, đồng thời chỉ ra thêm một lý do khác cho sự cần thiết phải cắt giảm khí thải trên toàn thế giới.

Nghiên cứu đầu tiên, được các chuyên gia Đại học Harvard công bố, đã thu thập dữ liệu về chất lượng không khí từ 3.000 khu vực trên khắp lãnh thổ Mỹ, cùng với việc phân tích những trường hợp dương tính và tử vong bởi dịch Covid-19 được ghi nhận tại nước này cho đến thời điểm 4.4.

"Kết quả nghiên cứu này cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ bị nhiễm Covid-19 với những triệu chứng nghiêm trọng nhất", nhóm chuyên gia cho biết, "Chúng tôi đã phát hiện những bằng chứng thống kê cho thấy chỉ cần tăng 1g/m3 mức độ bụi mịn PM2.5 trong dài hạn sẽ tăng thêm 15% tỷ lệ tử vong gây ra bởi dịch Covid-19."

Nhóm chuyên gia tại Havard cũng xác định những nơi được xem là ổ dịch Covid-19 thường có mức độ bụi mịn PM2.5 dài hạn cao nhất. Nghiên cứu của nhóm này dựa trên các số liệu về quy mô dân số, số lượng giường bệnh trong từng khu vực và một số lượng lớn những biến số kinh tế xã hội khác có thể làm ảnh hưởng đến kết quả.

Những nơi có nồng độ khí thải cao nhất được cho là có tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 cao nhất (Ảnh:Unsplash)

Những nơi có nồng độ khí thải cao nhất được cho là có tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 cao nhất (Ảnh:Unsplash)

Một nghiên cứu tương tự cũng đã được công bố bởi nhà địa chất học Yaron Ogen từ Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg, Đức.

Ông phát hiện ra rằng một loại khí thải gây ô nhiễm khác, nitơ dioxide, cũng có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn bởi Covid-19. Ogen đã xem xét dữ liệu từ vệ tinh Sentinel 5P để lập bản đồ mật độ nitơ dioxide trên khắp châu Âu trong những tháng trước đại dịch, và lập biểu đồ số ca tử vong bởi Covid-19 tại 66 khu vực ở Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Đức cho đến thời điểm 19.3.

Nitơ dioxide là một loại khí chủ yếu được thải ra từ ô tô, xe tải, nhà máy điện và một số nhà máy công nghiệp; lượng khí thải của nó đã giảm đáng kể trên toàn thế giới trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng và nhiều quốc gia phải triển khai các lệnh phong tỏa.

"Kết quả cho thấy trong số 4.443 trường hợp tử vong, có 3.487 trường hợp, chiếm tỷ lệ 78%, nằm ở 5 khu vực phía bắc Italia và miền trung Tây Ban Nha. Cả 5 khu vực này đều biểu hiện nồng độ nitơ dioxide rất cao, kết hợp với luồng không khí thổi từ trên xuống khiến lượng khí ô nhiễm không thể khuếch tán đi chỗ khác", ông Ogen viết trong nghiên cứu của mình, "Những kết quả này chỉ ra rằng việc tiếp xúc lâu dài với loại khí gây ô nhiễm này có thể là một trong những tác nhân quan trọng nhất gây tử vong bởi Covid-19 ở các khu vực này, và còn có thể ở những nơi khác trên thế giới."

78% trường hợp tử vong tại 5 khu vực miền bắc Italia và miền Trung Tây Ban Nha có lượng khí nitro dioxide cao nhất (Ảnh: Shutterstock)  

78% trường hợp tử vong tại 5 khu vực miền bắc Italia và miền Trung Tây Ban Nha có lượng khí nitro dioxide cao nhất (Ảnh: Shutterstock)  

Dù vậy, cả 2 nghiên cứu trên vẫn còn một số hạn chế. Các nhà nghiên cứu của Đại học Havard thừa nhận họ chưa tính đến những khác biệt mà sự sẵn có của các nguồn lực y tế có thể tác động đến tỷ lệ tử vong, do thiếu những dữ liệu cần thiết. Trong khi đó, nghiên cứu của Ogen không đề cập đến những khác biệt trong độ tuổi hay các điều kiện bệnh nền tồn tại từ trước của bệnh nhân Covid-19, điều mà nghiên cứu tại Mỹ có đề cập đến.

Dù sẽ cần phải nghiên cứu thêm về mức độ phơi nhiễm đối với cả nitơ dioxide và bụi mịn PM2.5, để xác định mối quan hệ chính xác của mức độ ô nhiễm không khí và tỷ lệ tử vong gây ra bởi Covid-19, nhưng những kết quả sơ bộ này đã cho chúng ta thấy sự thay đổi chất lượng không khí, dù chỉ rất nhỏ, dường như có thể gây những khác biệt lớn về số người tử vong.

Chúng ta vốn đều biết rằng việc cắt giảm khí thải là điều có lợi cho sức khỏe con người, và đây được coi là một lời nhắc nhở khác về việc này.

"Kết quả những nghiên cứu trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi các quy định cắt giảm khí thải ở thời điểm hiện tại, để có thể bảo vệ sức khỏe con người cả trong và sau dịch Covid-19", các nhà nghiên cứu Đại học Havard cho hay.

Nghiên cứu tại Mỹ được công bố trên Tạp chí Y học New England, trong khi nghiên cứu tại châu Âu đã được xuất bản trên tạp chí Science of The Total Environment.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.

3 người Mỹ kiện WHO vì cách xử lý với Covid-19

3 công dân Mỹ tại quận Westchester, bang New York (Mỹ) đã thuê luật sư và đâm đơn kiện Tổ chức Y tế Thế giới vì cho rằng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - Science Alert ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN