Tỷ lệ đông máu sau nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với sau khi tiêm vaccine
Theo một nghiên cứu lớn do Đại học Oxford dẫn đầu, nguy cơ hình thành cục máu đông nguy hiểm sau khi mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với nguy cơ của vaccine AstraZeneca và Pfizer.
Các chuyên gia đến từ Đại học Oxford, Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London cùng một số trường đại học lớn khác và bệnh viện của Anh đã phân tích dữ liệu từ hơn 29 triệu người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên của Đại học Oxford/AstraZeneca hoặc của Pfizer/BioNTech.
Nguy cơ đông máu sau nhiễm COVID-19 lớn hơn so với tiêm.
Nghiên cứu phân tích hồ sơ sức khỏe điện tử được thu thập thường xuyên để đánh giá nguy cơ nhập viện vì cục máu đông và số lượng tiểu cầu thấp trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiêm chủng.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng xem xét một số nguy cơ khác, bao gồm huyết khối xoang tĩnh mạch não CVST (cục máu đông hình thành tại các xoang tĩnh mạch não) và đột quỵ do thiếu máu cục bộ (máu đông hoặc tắc nghẽn cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 10 triệu người thì sẽ có thêm 934 trường hợp giảm tiểu cầu sau khi nhiễm COVID-19, trong khi có 107 trường hợp sau mũi tiêm vaccine AstraZeneca đầu tiên.
Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, ước tính sẽ có hơn 1.699 trường hợp trong 10 triệu người sau khi bị nhiễm virus, trong khi chỉ có hơn 143 trường hợp sau mũi tiêm vaccine Pfizer đầu tiên.
Ngoài ra, trong vòng 28 ngày kể từ mũi vaccine đầu tiên của Đại học Oxford/AstraZeneca, cứ 10 triệu người lại có khoảng 66 trường hợp phải nhập viện vì hình thành cục máu đông, trong khi tỷ lệ này ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính là 12.614/10 triệu người.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu ước tính cứ 10 triệu người lại có khoảng 143 người phải nhập viện hoặc tử vong vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong vòng 28 ngày sau khi tiêm mũi 1 vaccine của Pfizer/BioNTech, trong khi con số này ở người mắc COVID-19 là 1.699 người.
Trước đó, một số nước trên thế giới đã từng quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca do lo ngại phản ứng phụ gây ra hiện tượng đông máu.
Tuy nhiên sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca vì WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ.
Nhiều nước sau đó đã nối lại chương trình tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca.
Bà Julia Hippisley-Cox, giáo sư dịch tễ học lâm sàng và thực hành tổng quát tại Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu, nói: “Mọi người nên nhận thức được những nguy cơ gia tăng này sau khi tiêm chủng ngừa COVID-19 và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng, nhưng cũng cần lưu ý rủi ro cao hơn đáng kể và trong thời gian dài hơn nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2”.
Nguồn: [Link nguồn]
Phần đông người nhiễm COVID-19 trở nặng nhập viện là người chưa được tiêm vaccine, ngoài những người chưa tiếp cận...