Tỷ giá đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu xung đột ở Ukraine
Tỷ giá đồng rúp của Nga vừa giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tỷ giá đồng rup giảm có lợi cho xuất khẩu nhưng ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân và nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Alexey Malgavko/Reuters.
Đồng rúp giảm sâu trước các lệnh trừng phạt mới
Hôm 27/11, tỷ giá đồng rúp Nga giảm xuống mức 110 rúp đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022. Trước khi Nga phát động xung đột ở Ukraine, đồng rúp thường giao dịch ở mức 75-80 rúp/USD.
Sự sụt giảm này diễn ra sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Gazprombank, ngân hàng lớn thứ ba của Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các khoản thanh toán khí đốt mà Nga xuất sang châu Âu.
Trước đây, khí đốt của Nga được miễn trừng phạt vì sự phụ thuộc lớn của châu Âu. Tuy nhiên, với việc châu Âu hiện đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, các lệnh trừng phạt mới đang đe dọa làm giảm doanh thu từ khí đốt và nguồn ngoại tệ của Moscow.
Tác động đến người dân và nền kinh tế
Sự suy yếu của đồng rúp khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, đe dọa làm giảm sức mua của người dân Nga và gia tăng áp lực lạm phát. Dự báo lạm phát trong năm nay có thể tăng lên 8,5%, gấp đôi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga.
Theo "chỉ số borscht" – công cụ theo dõi chi phí sinh hoạt qua giá các nguyên liệu làm món súp truyền thống – giá cả sinh hoạt ở Nga đã tăng 20% so với năm 2023. Để đối phó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 21% vào tháng trước, mức cao nhất trong hơn 20 năm và có khả năng sẽ tiếp tục tăng vào tháng 12 tới.
Tuy nhiên, tỷ giá yếu cũng mang lại lợi ích cho ngân sách nhà nước Nga nhờ vào xuất khẩu năng lượng.
Ảnh hưởng dài hạn
Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov, nói tỷ giá yếu đang có lợi cho các công ty xuất khẩu, dù thừa nhận điều này tạo ra áp lực đối với các lĩnh vực khác.
"Tôi không nói rằng tỷ giá hiện nay tốt hay xấu. Nhưng tỷ giá này rất, rất thuận lợi cho các nhà xuất khẩu," ông nói tại một hội nghị tài chính ở Moscow diễn ra gần đây.
Dù kinh tế Nga chống chịu tốt hơn dự đoán trước các lệnh trừng phạt, áp lực từ chi tiêu quân sự tăng cao và tình trạng thiếu lao động đang dấy lên lo ngại về khả năng duy trì nền kinh tế trong thời gian dài.
Gần 1/3 ngân sách năm 2024 của Nga được phân bổ cho chi tiêu quân sự, mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, nền kinh tế Nga đang rơi vào tình trạng "lạm phát đình trệ" – sự kết hợp giữa tăng trưởng thấp và lạm phát cao.
Một báo cáo từ Viện Dự báo Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga gần đây nhận định "hoạt động kinh tế suy giảm và các chỉ số tài chính xấu đi ngày càng rõ rệt trong nhiều lĩnh vực”. Hai nhà kinh tế Alexander Kolyandr và Alexandra Prokopenko chỉ ra rằng việc tăng chi tiêu cho quân sự đã kìm hãm tăng trưởng ở các lĩnh vực khác. "Hầu hết các ngành kinh tế khác đều không tăng trưởng, hoặc nếu có thì rất yếu ớt", hai chuyên gia nhận định, theo Guardian.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko nói rằng Nga có "siêu vũ khí" để đáp trả thích đáng bất kỳ hành động gây hấn nào từ nước ngoài chống lại...