Tương quan sức mạnh quân sự Israel - Hezbollah
Israel chiếm ưu thế tuyệt đối về quân đội chính quy, trong khi Hezbollah vẫn có lợi thế nhờ sở hữu kho tên lửa và rocket tới 150.000 quả.
Căng thẳng ở Trung Đông tuần qua leo thang nghiêm trọng với hàng loạt sự kiện gây thương vong lớn. Loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của lực lượng Hezbollah ở Lebanon ngày 17-18/9 khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Nhóm vũ trang cáo buộc Israel là thủ phạm, song Tel Aviv không phủ nhận hay xác nhận.
Hàng loạt vụ tập kích qua lại lẫn nhau giữa Israel và Hezbollah đã xảy ra trong những ngày sau đó, đỉnh điểm là trận không kích quy mô lớn của Israel vào miền đông và miền nam Lebanon hôm 23/9, khiến hơn 500 người chết và hơn 1.800 người bị thương.
Để trả đũa, Hezbollah ngày 22-24/9 phóng hàng trăm rocket vào những mục tiêu ở miền bắc Israel, cách biên giới Lebanon khoảng 50-60 km, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất và sâu nhất vào lãnh thổ Israel mà tổ chức này thực hiện trong gần một năm qua.
Căng thẳng hiện nay khiến nhiều nước cùng các tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah.
Tiêm kích F-35I Israel bay theo đội hình trong cuộc tập trận hồi tháng 10/2021. Ảnh: IDF
Nếu chiến tranh thực sự xảy ra, Hezbollah sẽ đối mặt thách thức nghiêm trọng khi phải đối mặt với quốc gia sở hữu một trong những lực lượng vũ trang tinh nhuệ và ứng dụng công nghệ cao nhiều nhất thế giới. Global Fire Power (GFP), tổ chức có trụ sở tại Mỹ chuyên đánh giá sức mạnh quân sự các nước, xếp quân đội Israel ở hạng 16 toàn thế giới.
Tuy nhiên, xung đột tổng lực cũng không phải điều dễ dàng với quân đội Israel, khi Hezbollah được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận xét là "thực thể phi nhà nước có sức mạnh quân sự đứng đầu thế giới".
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy ngân sách quốc phòng hàng năm của Israel trước năm 2024 đạt mức trung bình 24 tỷ USD, tương đương 5,2% GDP. Con số này tăng vọt lên hơn 30 tỷ USD trong năm nay, do xung đột ở Dải Gaza, giao tranh biên giới Israel - Lebanon và nguy cơ Iran tập kích.
Hezbollah không công bố thống kê chi tiêu quân sự, nhưng ước tính của giới chức Mỹ hồi năm 2018 cho thấy nhóm vũ trang Lebanon có ngân sách khoảng 700 triệu USD, trong đó một phần do Iran viện trợ.
Về quân số, Báo cáo Cán cân Quân sự 2023 của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh cho thấy quân đội Israel đang biên chế 169.500 binh sĩ thường trực và 465.000 quân nhân dự bị. Nước này áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc với công dân từ 18 tuổi trở lên, nam giới phục vụ 32 tháng, còn nữ giới là 24 tháng.
Trong khi đó, Hezbollah ước tính có khoảng 50.000 thành viên, gồm 30.000 quân thường trực và 20.000 tay súng dự bị. Thủ lĩnh Hassan Nasrallah hồi cuối năm 2021 tuyên bố Hezbollah có hơn 100.000 tay súng được huấn luyện bài bản.
So sánh quân số Hezbollah và quân đội Israel. Đồ họa: CNN, CSIS
Không quân Israel chiếm ưu thế hoàn toàn và được đánh giá là mạnh nhất khu vực, với hơn 400 tiêm kích đa năng trong biên chế gồm F-15, F-16 và F-35I. Ngoài ra, lực lượng này còn sở hữu 142 trực thăng, trong đó có 43 trực thăng tấn công AH-64 Apache, bên cạnh kho máy bay không người lái (UAV) hiện đại.
Hezbollah không sở hữu không quân, nhưng được cho là đang vận hành từ vài chục đến hơn 200 UAV trinh sát do Iran phát triển, cùng lượng lớn thiết bị bay không người lái (drone) thương mại được gắn thuốc nổ để làm nhiệm vụ tập kích mục tiêu Israel gần biên giới.
Về khí tài mặt đất, quân đội Israel sở hữu 1.760 xe tăng thiết giáp, nổi bật là xe tăng chủ lực Merkava Mark 4M và xe chiến đấu bộ binh Namer, được mệnh danh là những loại thiết giáp được bảo vệ tốt nhất thế giới.
Lục quân Israel biên chế 530 pháo gồm pháo tự hành, pháo kéo, pháo phản lực phóng loạt tầm xa và cối, nhưng con số thực tế có thể cao hơn do nhiều tổ hợp trong trạng thái niêm cất.
Nước này vận hành tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA với tầm bắn hơn 400 km, cùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Jericho III có khả năng vươn tới mục tiêu ở khoảng cách 11.500 km.
Israel được cho là sở hữu 100-200 đầu đạn hạt nhân, song chính phủ nước này không xác nhận hay phủ nhận thông tin.
Kho tên lửa của Israel. Đồ họa: CSIS
Hezbollah không triển khai xe tăng và thiết giáp ở Lebanon, do chúng dễ dàng bị không quân Israel phát hiện và tiêu diệt. Dù vậy, họ vẫn bố trí hàng chục xe tăng chủ lực T-55, T-62 và T-72 ở nước láng giềng Syria.
Chênh lệch đáng kể về sức mạnh quân sự khiến Hezbollah phải áp dụng chiến lược riêng, trong đó sử dụng vũ khí tiến công chính là rocket, kết hợp với bộ binh trang bị nhẹ và các khẩu đội vũ khí chống tăng để bảo vệ cứ điểm tại miền nam Lebanon.
Sổ tay Dữ kiện Thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ước tính Hezbollah đang sở hữu khoảng 150.000 tên lửa và rocket các loại, nhiều hơn hàng loạt quốc gia, trong đó phần lớn là đạn pháo phản lực phóng loạt với tầm bắn dưới 100 km.
Theo CSIS, Hezbollah có thể đã nhận tên lửa Scud tầm bắn 300-550 km từ Syria, cho phép uy hiếp phần lớn mục tiêu trên lãnh thổ Israel ngay cả khi phóng từ miền bắc Lebanon. Ngoài ra, Hezbollah từng tuyên bố phóng tên lửa đạn đạo Burkan tầm bắn 1.000 km nhằm vào tiền đồn Israel. Giới chức Mỹ cho rằng đây là tên lửa Qiam 1 do Iran phát triển, mang được đầu đạn nặng 750 kg.
Tầm bắn các loại rocket và tên lửa của Hezbollah. Đồ họa: Aljazeera
Về hải quân, quân đội Israel được trang bị 15 hộ vệ hạm cỡ nhỏ và tàu tên lửa, 5 tàu ngầm diesel-điện và 45 tàu tuần tra.
Hezbollah không có hải quân, mà tập trung vào các tổ hợp tên lửa chống hạm để đối phó hải quân Israel. Nhóm vũ trang Lebanon lần đầu chứng minh họ có loại vũ khí này trong cuộc chiến năm 2006, khi phóng tên lửa diệt hạm C-701 hoặc C-802 trúng soái hạm INS Hanit của hải quân Israel. Sự việc khiến 4 quân nhân Israel thiệt mạng, tàu Hanit cũng phải nằm cảng nhiều tháng để sửa chữa.
Một số nhà phân tích tin rằng Hezbollah đang sở hữu một số tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Yakhont do Nga sản xuất, song nhóm chưa bao giờ xác nhận thông tin.
Tổ chức Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Mỹ đánh giá Yakhont sẽ là "quân bài thay đổi cuộc chơi" nếu nằm trong tay Hezbollah. Tên lửa mang đầu đạn nổ mạnh - bán xuyên giáp nặng 200 kg, có thể đạt tốc độ 3.200 km/h và tầm bắn 300 km.
Về năng lực phòng không, Israel đang vận hành mạng lưới lá chắn đa tầng dày đặc nhất khu vực, tầm xa nhất là tổ hợp Arrow 3 chế tạo từ năm 2017 và thực chiến lần đầu hồi cuối năm 2023. Hệ thống này được cho là có tầm bắn 2.400 km và hạ được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km.
Bên dưới Arrow là tổ hợp David's Sling với khả năng bắn hạ tên lửa từ khoảng cách tối đa 300 km. Lớp cuối cùng là Vòm Sắt, được thiết kế để đánh chặn và phá hủy đạn cối, rocket tầm ngắn và UAV. Nó được phát triển từ năm 2006 sau cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah, trong đó nhóm vũ trang đã phóng hàng nghìn rocket vào lãnh thổ đối phương.
Phòng không Hezbollah chủ yếu gồm các khẩu đội pháo cao xạ, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 và nhiều loại tên lửa vác vai. Lực lượng này không biên chế những tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung trở lên, do chúng dễ bị phát hiện và tập kích.
Một số nguồn tin cho rằng Hezbollah đã được chuyển giao các hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1-2, Buk-M2 và Sayyad, cùng tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 từ Syria. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu hay bằng chứng nào xác nhận thông tin này.
Hệ thống Vòm Sắt khai hỏa tên lửa đánh chặn rocket phóng từ Gaza tháng 8/2022. Ảnh: Times of Israel
Ngoài năng lực quân sự mạnh mẽ với lượng lớn khí tài, Israel còn có ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh với nhiều tập đoàn quy mô lớn, có ảnh hưởng không chỉ ở nước này mà còn trên thế giới. Tại khu vực Trung Đông, chỉ có Iran mới có thể so sánh được với Israel về năng lực thiết kế, sản xuất và triển khai vũ khí hiện đại.
Giới chuyên gia nhận định Israel sở hữu ưu thế tuyệt đối về lực lượng quy ước, nhưng cũng sẽ vấp phải một số bất lợi chiến lược nếu bùng phát chiến tranh toàn diện. Hezbollah sẽ không thể đánh bại đối phương theo kiểu quy ước, mà sẽ tìm mọi cách khiến quân đội Israel sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao, tương tự cách Hamas áp dụng ở Dải Gaza.
"Israel đủ sức tàn phá Lebanon và hủy diệt Hezbollah, đó là điều không phải bàn cãi. Có chênh lệch rõ ràng trong cán cân quân sự giữa hai bên. Dù vậy, Hezbollah vẫn khả năng tác chiến bất đối xứng và đã chứng minh năng lực tên lửa trong cuộc chiến hồi năm 2006. Họ đã được đào tạo bài bản", Elias Farhat, tướng về hưu của quân đội Lebanon, nêu quan điểm.
"Ngân sách quốc phòng lớn và trang thiết bị quân sự hiện đại giúp Israel có được lợi thế đáng kể trong chiến tranh quy ước. Tuy nhiên, khả năng phóng nhiều rocket và tiến hành chiến tranh du kích của Hezbollah cũng đặt ra thách thức không nhỏ với Israel", William F. Wechsler, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Mỹ, cảnh báo.
Hàng chục nghìn người dân miền nam Lebanon phải rời bỏ nhà cửa và họ thực sự không có nhiều thời gian để làm điều đó. Mọi người đều sợ hãi và lo lắng...
Nguồn: [Link nguồn]