Tướng ngoại quốc duy nhất chỉ huy cả Nhật hoàng, khiến nước Nhật nể phục hậu Thế chiến II

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Nhân vật nhận được nhiều tình cảm của người dân Nhật Bản và điều khiển được cả Nhật hoàng lại là một người Mỹ, tướng Douglas MacArthur.

Tướng Douglas MacArthur

Tướng Douglas MacArthur

Sau Thế chiến II, Nhật Bản chỉ còn lại đống tro tàn. Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật bản, khoảng 10 triệu người không có lương thực, hơn 9 triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, 13 triệu người thất nghiệp.

Khoảng 6 triệu lính và dân thường từ khắp các vùng chiến sự ở Thái Bình Dương quay trở về Nhật. 66 thành phố chính bị tàn phá nặng nề, cuộc sống ở vùng nông thôn chỉ còn tương đương 65% so với trước chiến tranh.

Theo Britainica, từ năm 1945 đến năm 1952, Nhật Bản nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Đồng minh và người có toàn quyền quyết định là Tư lệnh Tối cao lực lượng Đồng minh (SCAP), tướng Douglas MacArthur.

MacArthur là người Mỹ duy nhất từng chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn là Thế chiến I, II và Chiến tranh Triều Tiên. Những năm 30 của thế kỷ 20, ông từng làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, là một trong 5 quân nhân Mỹ được phong hàm Thống tướng, là người Mỹ duy nhất được Chính phủ Philippines phong hàm Nguyên soái quân đội Philippines.

Dẫu vậy, tiếp quản nước Nhật hậu Thế chiến II chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Lịch sử bất lợi với MacArthur khi chưa có cuộc chiếm đóng nào thành công trước đó, theo trang Macarthurmemorial.

Nhiệm vụ đầu tiên của vị tướng Mỹ là tìm ra hướng giải quyết với Nhật hoàng Hirohito. Nhiều người muốn thấy vị vua của nước Nhật khi ấy bị bắt giữ và bêu rếu vì những tội ác trong chiến tranh. Tuy nhiên, MacArthur lại đưa ra quyết định bất ngờ. Ông chờ Nhật hoàng lên tiếng trước. Vài tuần sau khi cuộc chiếm đóng bắt đầu, Nhật hoàng đề xuất một cuộc gặp mặt. MacArthur nhận lời và làm điều chưa từng xảy ra trước đó: Mời Nhật hoàng tới gặp tại nhà riêng.

Bức ảnh chụp tướng MacArthur (trái) và Nhật hoàng Hirohito trong cuộc gặp mặt ngày 27/9/1945

Bức ảnh chụp tướng MacArthur (trái) và Nhật hoàng Hirohito trong cuộc gặp mặt ngày 27/9/1945

Trong văn hóa Nhật Bản, mọi người phải tới trình diện với vua chứ không bao giờ có điều ngược lại. Dẫu vậy, cuộc gặp vẫn diễn ra vào ngày 27/9/1945. Một bức ảnh chụp cảnh Nhật hoàng cùng tướng MacArthur tại nhà riêng sau đó được công bố khắp nước Nhật.

Người Nhật mong chờ cuộc gặp để biết được cách thức cuộc chiếm đóng diễn ra và bức ảnh này cho họ một sự khích lệ. Vị vua của họ không bị hạ nhục. Về phía MacArthur, vị tướng Mỹ tin rằng sự thành công của cuộc chiếm đóng phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ và hợp tác của Nhật hoàng.

Tháng 1/1946, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố chính thức ủng hộ kế hoạch của tướng MacArthur nhằm dân chủ hóa Nhật Bản. Ngoài việc ủng hộ dân chủ hóa, Nhật hoàng còn nói với người dân rằng mình không phải "thiên tử". Theo quan niệm của người Nhật suốt hàng trăm năm, Nhật hoàng được xem là "thiên tử" và nắm mọi quyền lực. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc dân chủ, nơi quyền lực nằm trong tay tất cả mọi người.

Bằng cách từ bỏ sứ mệnh "thiên tử" của mình, Hirohito vẫn là vua của Nhật Bản nhưng không còn là người thâu tóm mọi quyền lực trong tay.  Tướng MacArthur rất vui với tuyên bố của Nhật hoàng và xem đây là một phần quan trọng để đảm bảo một nước Nhật dân chủ và ổn định.

Khi Thế chiến II xảy ra, khoảng 6 triệu lính Nhật Bản được điều động đi khắp chiến trường Thái Bình Dương. Trong suốt thời kỳ chiếm đóng ở Nhật, số lính này được đưa trở về quê hương. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng với MacArthur và phải mất nhiều năm tướng Mỹ mới hoàn thành nhiệm vụ.

Nó cũng là vấn đề khá phức tạp. Ở cấp độ nhân đạo, không gì tuyệt vời bằng việc đưa lính Nhật trở về nhà, đoàn tụ với gia đình họ. Trong khi đó, với nhiều khu vực ở châu Á phải hứng chịu chiến tranh, việc quân Nhật rút lui sẽ tạo tiền đề để các khu vực này xây dựng lại.

Tuy nhiên, việc MacArthur đưa về hàng triệu lính Nhật Bản cũng đồng nghĩa mang về thêm những khó khăn. Quốc gia Đông Á đang chật vật xây dựng lại sau chiến tranh, có rất ít cơ hội cho những binh lính mới trở về này. Và thành công của thời kỳ chiếm đóng khi đó được đánh giá dựa trên khả năng tái hòa nhập với xã hội của binh lính Nhật tham chiến ở nước ngoài.

Phụ nữ Nhật có nhiều quyền lợi sau khi Hiếp pháp mới được thông qua năm 1946

Phụ nữ Nhật có nhiều quyền lợi sau khi Hiếp pháp mới được thông qua năm 1946

Một điểm mới khác mà tướng MacArthur đem đến cho nước Nhật đó chính là vấn đề bình đẳng nam nữ. Trước Thế chiến II, phụ nữ Nhật Bản không có nhiều quyền như bỏ phiếu, sở hữu tài sản, kết hôn tự nguyện hay tranh cử. Nhưng khi thời kỳ chiếm đóng bắt đầu, tướng MacArthur đã chỉ đạo ủy ban soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản mới trực tiếp giải quyết vấn đề này và cấm nạn phân biệt giới tính.

Với việc Hiến pháp mới được thông qua năm 1946, phụ nữ Nhật có được nhiều quyền lợi, bao gồm cả quyền bầu cử. Điều này cho phép họ tự do, bình đẳng hơn với nam giới và có một vị thế cao hơn trong xã hội Nhật Bản. Cuộc bầu cử diễn ra sau đó chứng kiến 13 triệu phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên và 39 phụ nữ được lựa chọn vào cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản.

Trong suốt thời kỳ Chiếm đóng ở Nhật Bản, văn phòng tướng MacArthur được đặt tại tòa nhà Dai Ichi ở thủ đô Tokyo. Ông làm việc 7 ngày/tuần và giữ lịch trình này suốt thời gian dài. Dù từng là kẻ thù của người Nhật trong Thế chiến II, dấu ấn quản lý thời kỳ Chiếm đóng của tướng MacArthur khiến người Nhật vô cùng khâm phục. Họ gọi ông với nhiều biệt danh, một trong số đó là "Kẻ chinh phục tử tế".

Ngày 25/6 năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Khi Liên Hợp Quốc quyết định cử lực lượng đa quốc gia tới bảo vệ nền độc lập của Hàn Quốc, tướng MacArthur được chỉ định làm chỉ huy lực lượng này. Điều này đồng nghĩa tướng Mỹ sẽ phải "phân thân" khi vừa quản lý thời kỳ Chiếm đóng ở Nhật vừa tham gia cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Dù MacArthur có được những thành công lớn trong cuộc chiến Triều Tiên, ông và Tổng thống Mỹ Truman lại xảy ra nhiều bất đồng. Ngày 11/4/1951, tướng MacArthur bị mất chức.

Nhiều người trên thế giới sững sờ trước vụ việc. Dĩ nhiên, người dân Nhật Bản là những người buồn nhất. Khi MacArthur rời xứ Phù tang, khoảng 2 triệu người Nhật Bản đã tới chào tạm biệt ông.

"Người Mỹ coi MacArthur như một người chinh phục Nhật Bản nhưng người Nhật lại không nghĩ như vậy. Họ xem vị tướng Mỹ như một người giải phóng, người đứng trên cả vạn người và chỉ dưới các vị thần".

Rinjiro Sodei, nhà khoa học chính trị viết nhiều cuốn sách về tướng MacArthur.

"Ông ấy là người phù hợp với khuôn mẫu và là một vị tướng quân hoàn hảo".

 Frank Gibney, người phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ những ngày đầu thời kỳ Chiếm đóng.

Cuối thập niên 40 của thế kỷ 20, cuộc chiếm đóng Nhật Bản thành công. Người Nhật toàn tất một quá trình phi quân sự hóa, thông qua một hiến pháp dân chủ và xây dựng lại nền kinh tế của họ. Gần nửa năm sau khi MacArthur mất chức, hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký kết. Theo hiệp ước này, cuộc chiếm đóng Nhật Bản sẽ chấm dứt vào ngày 28/4/1952.

Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shigeru Yoshida đã gửi một bức điện tín cho MacArthur sau khi hiệp ước được ký kết. Giống như nhiều người Nhật khác, ông Yoshida tin tướng MacArthur giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra một Nhật Bản mới hậu Thế chiến II.

-----------------------------

Với sự mở đường của tướng MacArthur, Nhật Bản có bước phát triển đột phá. Nhiều người gọi đây là giai đoạn phát triển thần kỳ. Điều này sẽ được làm rõ trong 2 bài dài kỳ tiếp theo.

Đòn tập kích táo bạo của lính dù trong Thế Chiến II

Những chiến dịch nhảy dù đại quy mô vào hậu phương địch đã tạo nên bước ngoặt chiến tranh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN