Tướng Mỹ tiết lộ lý do các tiêm kích Nga và Ukraine trở nên 'vô dụng' trong xung đột
Quan chức không quân Mỹ cho rằng sự thành công của Nga và Ukraine trong việc tích hợp phòng không và phòng thủ tên lửa đã khiến phần lớn máy bay chiến đấu trở nên vô dụng vì chúng không thể xuyên qua và hỗ trợ trên không.
Sau hơn một năm giao tranh, cả Nga lẫn Ukraine đều không thể giành được ưu thế trên không. Theo các quan chức Không quân Mỹ, điều này đã hạn chế nghiêm trọng vai trò của các máy bay chiến đấu trong cuộc xung đột.
Theo trang Business Insider, trong khi máy bay chiến đấu của Nga và Ukraine vẫn hoạt động thì các vũ khí phòng không của mỗi bên – chẳng hạn hệ thống phòng không thời Liên Xô như S-300 hay hiện đại hơn như tên lửa vác vai Stinger của Mỹ - đã buộc đối phương phải có những điều chỉnh chiến thuật. Những điều chỉnh chiến thuật đó có thể là tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa kém chính xác hơn từ tầm xa hơn thay vì điều máy bay thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trên không tầm gần ở khu vực tiền tuyến.
Tiêm kích Su-25 của Ukraine bay tầm thấp ở vùng Donetsk tháng 6-2022. Ảnh: Scott Olson/Getty Images
Ước tính Ukraine tổn thất hơn 60 máy bay và Nga tổn thất hơn 70 máy bay kể từ khi xung đột nổ ra, theo Tướng James Hecker - Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu. Ông Hecker nói lực lượng không quân Nga có quy mô lớn hơn vẫn có các loại máy bay dành cho xung đột và Ukraine cũng vậy, nhưng có một vấn đề ở đây.
“Vấn đề ở đây là sự thành công của Nga và Ukraine trong việc tích hợp phòng không và phòng thủ tên lửa đã khiến phần lớn máy bay chiến đấu trở nên vô dụng vì chúng không thể xuyên qua và hỗ trợ trên không” – Tướng Hecker nhận định.
Theo trang Breaking Defense, ông Hecker cho biết hệ thống phòng không của Ukraine bao gồm một tập hợp các vũ khí thời Liên Xô và hệ thống phương Tây hiện đại hơn do các nước Mỹ, Đức và Anh cung cấp, và mỗi loại cần được đào tạo chuyên môn riêng.
Ông Hecker thừa nhận sự giúp đỡ của Mỹ dành cho Ukraine trong việc tích hợp các hệ thống khác nhau trong phòng thủ tên lửa và phòng không là không tốt như kỳ vọng.
Mỹ và các nước NATO trong những tháng gần đây đã thảo luận về ý tưởng gửi tiêm kích đa nhiệm F-16 Fighting sang Ukraine. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa quyết định gửi máy bay này cho Ukraine, dù Anh đã ngỏ ý đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay phương Tây.
Theo bảng đánh giá lực lượng năm 2022 của Global Firepower, không quân Ukraine chỉ có 69 máy bay chiến đấu. Trong khi đó, không quân Nga có hơn 700 máy bay chiến đấu và không phải tất cả số này đều được triển khai tham chiến ở Ukraine.
Nga đã triển khai hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-35, Su-30 và máy bay ném bom Su-34. Trái ngược với không quân Nga, Ukraine chủ yếu vận hành các tiêm kích có từ thời Liên Xô chẳng hạn như Su-24 và máy bay tấn công mặt đất Su-25.
Nguồn: [Link nguồn]
Vì nhiều lý do, vũ khí Ukraine cần nhất là xe chiến đấu bộ binh (IFV) chứ không phải xe tăng hay máy bay chiến đấu.