Tương lai nào cho Dải Gaza?
Giải pháp hai nhà nước được nhiều bên thúc đẩy, song cả Israel lẫn chính quyền Palestine có vẻ đều không hứng thú thương lượng lúc này
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Israel hôm 3-11, lần thứ 3 trong chưa đầy 1 tháng. Ngoài Tel Aviv, ông Blinken còn đến thủ đô Amman của Jordan, với mục đích là hướng theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về "tạm đình chiến vì nhân đạo" - nhằm thúc đẩy hàng viện trợ vào Gaza nhiều hơn và mở rộng đường cho người nước ngoài, người bị thương rời khỏi dải đất này.
Theo AP, trong 2 ngày qua đã có khoảng 800 người được phép qua cửa khẩu Rafah sang Ai Cập theo thỏa thuận giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar (làm trung gian với nhóm vũ trang Hamas). Ngoài ra, ông Blinken sẽ hối thúc chính quyền Israel kiềm chế bạo lực nhắm vào người Palestine ở khu Bờ Tây.
Trước khi ông Blinken đến, quân đội Israel thông báo đã bao vây hoàn toàn TP Gaza ở phía Bắc Dải Gaza. Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, nói lực lượng của họ đang chiến đấu trực diện với các tay súng Hamas, với sự yểm trợ của không quân và pháo binh.
Trong khi Israel khẳng định gây thiệt hại nặng nề về người và hạ tầng của Hamas thì nhóm vũ trang này tiếp tục sử dụng hệ thống đường hầm phức tạp để tấn công binh lính và xe tăng đối phương. Lữ đoàn Ezzedine Al-Qassam, nhánh vũ trang của Hamas, nhấn mạnh "Gaza sẽ trở thành lời nguyền lịch sử cho Israel".
Binh lính Israel tập kết gần biên giới với Dải Gaza hôm 3-11 Ảnh: REUTERS
Cuộc xung đột chuyển sang giao tranh trong môi trường đô thị sẽ khiến thương vong tăng nhanh cho cả hai bên. Quân đội Israel mô tả TP Gaza là "trung tâm hạ tầng quân sự của Hamas, bao gồm hàng trăm km đường hầm, hầm ngầm và đầu mối chỉ huy", song đây cũng là nơi sinh sống của hơn nửa triệu người Palestine.
Nhiều người đã sơ tán về miền Nam Gaza theo lời kêu gọi của Israel nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn người ở lại, chịu đựng hơn 3 tuần bom đạn trong cảnh ngặt nghèo về thực phẩm, nước uống, thuốc men, nhiên liệu..., còn các bệnh viện quá tải đang trên bờ vực sụp đổ.
Hàng trăm ngàn dân thường Palestine chen chúc trong các cơ sở của Liên Hiệp Quốc, bám víu hy vọng được an toàn. Tuy nhiên, 4 trường học của Liên Hiệp Quốc ở miền Bắc Gaza và trại tị nạn Bureij ở miền Trung liên tiếp bị không kích những ngày gần đây. Đến nay đã có hơn 9.000 người Palestine thiệt mạng ở Gaza, trong đó có hơn 3.700 trẻ em; hơn 32.000 người bị thương, theo cơ quan y tế Gaza.
Israel chưa phản hồi kêu gọi "tạm đình chiến" của tổng thống Mỹ, song Thủ tướng Benjamin Netanyahu tỏ rõ quyết tâm nghiền nát Hamas với tuyên bố hôm 2-11: "Chúng tôi đang tiến quân... Không gì ngăn được chúng tôi".
Một câu hỏi nữa mà Ngoại trưởng Blinken hy vọng tìm được đáp án qua chuyến công du Trung Đông lần này là kế hoạch tiếp theo một khi Hamas không còn kiểm soát Dải Gaza - điều mà cả Israel lẫn Mỹ dường như chưa có mường tượng cụ thể.
Trong tuần này, ông Blinken từng đề xuất Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) - tổ chức hành chính được thành lập năm 1994 theo Hiệp định Oslo giữa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và chính phủ Israel nhằm cai quản các vùng của lãnh thổ Palestine - sẽ điều hành Gaza.
PA từng kiểm soát Gaza nhưng Hamas giành được quyền trên sau cuộc bỏ phiếu năm 2007. PA hiện quản lý một số khu vực ở Bờ Tây.
Giải pháp hai nhà nước cũng được nhiều bên thúc đẩy nhằm đạt được hòa bình lâu dài và bền vững cho khu vực, song hiện tại Israel lẫn chính quyền Palestine có vẻ đều không hứng thú ngồi xuống thương lượng.
Tại Israel, ngoài 5.400 người bị thương và hơn 1.400 người thiệt mạng kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7-10, hiện có khoảng 250.000 người phải sơ tán khỏi các thị trấn gần biên giới với Lebanon.
Rốc-két từ Gaza và đụng độ hằng ngày giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon khiến cuộc sống của hàng triệu người Israel bị ảnh hưởng.
Quốc gia Trung Đông lo ngại xung đột Israel - Hamas sẽ lan sang nước này sau động thái của Phong trào Houthi ở Yemen nhằm vào Israel.
Nguồn: [Link nguồn]