Tương lai của cựu Thủ tướng Nga hậu từ chức
Dù từ chức và rời khỏi vị trí thủ tướng, ông Dmitry Medvedev vẫn có thể được giữ lại trong chính phủ mới nhờ năng lực cũng như mối quan hệ mật thiết lâu năm với Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Dmitry Medvedev (phải) trong một sự kiện ở Moscow hồi tháng 11-2018. Ảnh: RT
Ngày 15-1 được xem là ngày biến động của chính trường Nga với một loạt sự kiện quan trọng, bắt đầu bằng bài thông điệp liên bang đầy bất ngờ của Tổng thống Vladimir Putin. Đáng chú ý, ông chủ điện Kremlin kêu gọi sửa hiến pháp theo hướng siết chặt quyền lực của tổng thống đồng thời yêu cầu Quốc hội mở rộng vai trò trong việc thành lập chính phủ và cải tổ Hội đồng An ninh.
Cùng ngày, Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố quyết định từ chức cùng toàn thể nội các chính phủ Nga. Động thái được chính ông Medvedev khẳng định là nhằm giúp Tổng thống Putin thực hiện những thay đổi để điều chỉnh hiến pháp. Ngay trong đêm, ông Putin chấp thuận quyết định từ chức, đồng thời đề cử người đứng đầu cơ quan thuế Mikhail Mishustin làm thủ tướng thay ông Medvedev.
Ông Dmitry Medvedev: Đi và ở
Bà Tatiana Stanovaya, người đứng đầu tập đoàn tư vấn chính trị hàng đầu Nga R. Politik, nhận định động thái của Tổng thống Putin là một “sự chuyển tiếp chính trị trước thời hạn”. Bà Stanovaya cho rằng ông Putin đã mất lòng tin vào Thủ tướng Medvedev, người không còn nhận sự ủng hộ cao từ cả giới tinh hoa lẫn người dân.
“Tổng thống tìm kiếm một người có thể giúp thực hiện cải cách hiến pháp của mình. Thông qua đó, ông Putin sẽ gây ảnh hưởng với người kế nhiệm tương lai. Có vẻ như ông Medvedev không phải là người đó” - chuyên gia trên khẳng định, đồng thời nhắc đến khả năng tương lai chính trị của ông Medvedev về cơ bản đã chấm dứt ngay trong đêm 15-1. Quan điểm của bà Tatiana Stanovaya sau đó được nhiều người ủng hộ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ cựu ở Nga khẳng định con đường chính trị của ông Medvedev chưa thể chấm dứt sau đêm 15-1. Dù chấp nhận từ chức và nói rằng chính phủ của ông Medvedev không phải nhiệm vụ nào cũng hoàn tất, song Tổng thống Putin đã nhấn mạnh: “Mọi việc chẳng bao giờ có thể hoàn thành hoàn hảo hết cả”.
Ông Medvedev từ lâu được nhìn nhận là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin. Thế giới chắc chắn chưa quên cách ông Putin và ông Medvedev luân phiên nắm giữ vai trò tổng thống - thủ tướng vào những năm 2000 và 2010.
Chính vì vậy, vai trò mới của ông Medvedev, trong một khía cạnh nào đó, có thể là cơ sở để dự đoán về dự định tương lai của ông Putin. Ngay khi chấp nhận đơn từ chức của nội các, ông Putin đã bổ nhiệm ông Medvedev vào chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, cơ quan mà ông Putin làm chủ tịch. Ông Medvedev đã đồng ý.
Theo thông tin do điện Kremlin đăng tải, Hội đồng An ninh của Nga là cơ quan “soạn thảo các đề xuất chính sách về bảo vệ lợi ích sống còn của cá nhân, xã hội và nhà nước trước các mối đe dọa bên trong hoặc bên ngoài”. Từ thời điểm được thành lập vào năm 1992, cơ quan này luôn duy trì cơ cấu với người đứng đầu là tổng thống Nga và các thành viên là chủ tịch hai viện Quốc hội Nga, các quan chức cấp cao nhất khác và một số thống đốc vùng do tổng thống lựa chọn.
Trước ngày 15-1, Hội đồng An ninh của Nga không có chỗ của thủ tướng, song Tổng thống Putin nay quyết định tạo ra một vị trí mới dành riêng cho ông Medvedev. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy ông Putin và ông Medvedev sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau tại cơ quan này.
Đài RT bình luận với việc sửa hiến pháp theo hướng phân tán quyền lực của tổng thống - vị trí mà ông sẽ không tiếp tục nắm giữ sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024, cùng đề nghị cải tổ Hội đồng An ninh, ông Putin rõ ràng muốn thay đổi cán cân quyền lực Nga trong tương lai. Theo đó, những thành viên của Hội đồng An ninh sẽ hiện diện ở phía sau cùng như “những cố vấn chính sách có thâm niên”.
“Vai trò tương lai của Hội đồng Nhà nước hiện chưa được xác định, song nó có thể trở thành một cơ quan trọng tài cuối cùng, nghĩa là khi nảy sinh bất đồng, tranh cãi, Hội đồng An ninh sẽ có tiếng nói cuối cùng” - RT bình luận.
Trong khi đó, tờ Kommersant (Nga) lại đưa ra một kịch bản khác: Khi hiến pháp được sửa đổi xong, Hạ viện Nga, vốn do đảng Nước Nga Thống nhất kiểm soát, sẽ lựa chọn ra thủ tướng. Khi đó, ông Medvedev, Chủ tịch đảng này, có thể “đường đường chính chính” trở lại vị trí người đứng đầu chính phủ bằng lá phiếu, thay vì được lựa chọn bởi tổng thống như hiện tại.
Cần lưu ý rằng dù ông Putin đã lựa chọn ông Mikhail Mishustin cho chức thủ tướng Nga, song nhiều người nhận định ông Mishustin là một nhà kỹ trị, tức ông được lựa chọn vì khả năng chuyên môn thay vì tính toán chính trị. Khi nhiệm kỳ này kết thúc, ông Mishustin có thể trở thành nguyên thủ nước Nga hoặc tiếp tục làm thủ tướng, song cũng có thể trở về điểm khởi đầu.
Việc ông Medvedev từ chức và gia nhập Hội đồng An ninh Nga giống như trú mình dưới một chiếc dù bảo hộ bằng vàng. Hội đồng An ninh là nhóm thân cận nhất của ông Putin. Nó như một chính phủ thu nhỏ. ALEXANDER BAUNOV, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow |
Tương lai nào đang chờ đợi Nga?
Được biết những đề xuất sửa đổi hiến pháp Nga sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý, nhiều khả năng diễn ra trước mùa hè năm nay, theo truyền thông địa phương.
Giới phân tích cho rằng ông Putin đang chuẩn bị cho sự chuyển tiếp một khi nhiệm kỳ tổng thống của mình kết thúc vào năm 2024. Theo hãng tin Bloomberg, những đề xuất sửa đổi hiến pháp, một khi thành hiện thực, sẽ giúp ông chủ điện Kremlin có một số lựa chọn để tiếp tục nắm giữ quyền lực sau thời điểm này.
Chẳng hạn như với cương vị chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Putin có thể nắm trong tay quyền kiểm soát và định hướng chính sách ngay cả khi không còn là tổng thống. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng ông Putin đang đi theo mô hình từng được nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu thực hiện - dần rời bỏ quyền lực và đảm nhận vai trò giám hộ cho đến cuối đời. Dù vậy cũng có ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo Nga lo ngại mình đang nắm quyền quá lâu và muốn “chăm nom” di sản của mình trong lúc vẫn còn sống.
Nga chính thức có tân thủ tướng Hôm 16-1 (giờ địa phương), Quốc hội Nga đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn ông Mikhail Mishustin trở thành thủ tướng mới. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Putin cũng đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mishustin. Phát biểu trước Hạ viện, tân Thủ tướng Mishustin cho biết chính phủ cần phải nỗ lực hết sức, lắng nghe nhân dân, cần xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế. Ông Mishustin tuyên bố sẽ sớm chọn nội các mới, theo hãng tin Sputnik. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Putin đã giữ bí mật kế hoạch "táo bạo" của mình đến phút cuối cùng, khiến cả thế giới không khỏi ngỡ...