Tương lai chiến xa nhìn từ “nghĩa địa tăng” ở Ukraine

Các chuyên gia cho rằng những thiệt hại trên chiến trường Ukraine không khiến xe tăng hay các phương tiện bọc thép nói chung biến mất mà là cơ hội để chúng được cải tiến mạnh mẽ và tinh vi hơn.

Xe tăng đã hết thời trong chiến tranh hiện đại? Câu hỏi này đã được nhiều chuyên gia quân sự đặt ra, đặc biệt khi xét đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và cuộc chiến gần đây giữa Armenia và Azerbaijan. Trong những cuộc xung đột này, nhiều xe tăng đã bị máy bay không người lái quân sự (drone/UAV) và các loại vũ khí chống tăng khác tiêu diệt.

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ dù hiện đại vẫn chịu thiệt hại trên chiến trường Ukraine.

Xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ dù hiện đại vẫn chịu thiệt hại trên chiến trường Ukraine.

Tờ Moscow Times đưa tin, tính đến 1/5/2024, Nga mất 2.006 xe bọc thép chở quân (APC) và xe chiến đấu bọc thép (AFV). Những tổn thất này bao gồm các xe bị phá hủy, bị bỏ lại hoặc bị bắt. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với xe chiến đấu bộ binh.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay, năm 2022, Nga đưa vào chiến trường 14.193 xe APC và xe chiến đấu bộ binh. Tính đến ngày 13/5/2024, Nga mất 42% số phương tiện này. Các báo cáo cho thấy tính đến nay Nga mất hơn 2.900 xe tăng nhưng Ukraine tuyên bố con số này là hơn 7.000.

Xe tăng thiệt hại nặng

Không chỉ Nga, Ukraine cũng mất nhiều xe tăng. Theo một bản tin gần đây của New York Times, lực lượng Nga đã phá hủy 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất được Lầu Năm Góc gửi sang Ukraine mùa thu năm ngoái. Ngoài ra, ít nhất ba chiếc đã bị hư hại. Bản tin của New York Times, sử dụng dữ liệu từ Oryx, một trang phân tích quân sự theo dõi tổn thất thông qua bằng chứng trực quan, cho biết 796 xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine đã bị phá hủy, bắt giữ hoặc bị bỏ lại kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022.

Theo Indian Express, một lý do khiến Ukraina mất nhiều xe tăng là vì nước này chưa thực sự cung cấp cho chúng các biện pháp bảo vệ đầy đủ. Các cuộc tấn công bằng drone góc nhìn thứ nhất (FPV) có thể được ngăn chặn bằng cách sử dụng thiết bị gây nhiễu làm gián đoạn kết nối của chúng với phi công điều khiển từ xa. Một bản tin của New York Times cho biết súng săn và thậm chí cả lưới đánh cá đơn giản cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt hoặc bắt bẫy drone tấn công.

Xe tăng Nga được trang bị các biện pháp chống drone.

Xe tăng Nga được trang bị các biện pháp chống drone.

Ukraine cũng có vũ khí phòng không tầm ngắn, có thể được triển khai ở tiền tuyến để bảo vệ xe tăng. Tuy nhiên, nước này chủ yếu sử dụng chúng để tiêu diệt máy bay và trực thăng của Nga chứ không phải drone FPV.

Hầu hết những chiếc xe tăng bị phá hủy có nguồn gốc Liên Xô, do cả Ukraine và Nga từng là thành viên Liên bang Xôviết. Tuy nhiên, xe tăng do NATO cung cấp cũng chịu nhiều thiệt hại, với 140 chiếc cung cấp cho Ukraine bị phá hủy, trong đó có ít nhất 30 xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

Theo thời gian, các quốc gia đã phát triển những cách thức mới để chống lại xe tăng, nhưng xe tăng cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Kẻ thù của xe tăng trước đây là bom mìn, chất nổ, lựu đạn và tên lửa chống tăng. Các chuyên gia cho rằng xe tăng gặp rủi ro cao nhất ở những khu vực có lớp giáp mỏng hơn như nóc xe, khối động cơ phía sau và khoảng trống giữa thân xe và tháp pháo. Để khắc phục, nhiều nước đã gắn thêm các tấm kim loại lên xe tăng, các loại “áo giáp” chống đạn chống tăng. Bên cạnh đó, xe tăng thường không tác chiến đơn độc mà có hỗ trợ từ pháo binh và máy bay, giúp bảo vệ chúng trước các cuộc tấn công của kẻ thù.

Ngày nay, các khắc tinh của xe tăng đã có sự thay đổi. Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy các loại vũ khí dùng một lần, chi phí thấp như vũ khí chống tăng hạng nhẹ và máy bay không người lái tỏ ra hữu hiệu như thế nào. Những vũ khí này có thể tấn công xe tăng từ nhiều góc độ, “từ tòa nhà cao tầng, sau gốc cây hay dưới hào”. Các báo cáo cho biết cả Ukraine lẫn Nga sử dụng nhiều phương pháp sáng tạo để tấn công xe tăng, mà nổi bật nhất là dùng drone.

Drone giá rẻ được trang bị chất nổ, mỗi chiếc có giá chưa đến 500 USD cho thấy chúng có thể phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ chế tạo trị giá 10 triệu USD trên chiến trường Ukraine. Những drone FPV có camera truyền hình ảnh theo thời gian thực cho người điều khiển, cho phép họ nhắm mục tiêu chính xác vào các bộ phận dễ bị tổn thương nhất của xe tăng. Drone FPV mang theo những loại bom đạn nhỏ thường không thể xuyên qua lớp giáp dày phía trước xe tăng. Tuy nhiên, người điều khiển drone sẽ nhắm vào những khu vực dễ bị tổn thương hơn như nóc tháp pháo và các cạnh bên của xe. Thông thường, drone được sử dụng để “kết liễu” những xe tăng đã bị mìn hoặc tên lửa chống tăng làm hư hại. Cú đánh cuối cùng này đảm bảo rằng chiếc xe tăng đó không thể sửa chữa, tái sử dụng. Số lượng máy bay không người lái rẻ tiền nhưng hiệu quả cao trên chiến trường Ukraine là một vấn đề lớn đối với cả hai bên. Drone FPV có thể tiêu diệt ngay cả những chiếc xe tăng hiện đại và mạnh mẽ nhất như Abrams của Mỹ và Challenger 2 của Anh.

Và do vậy, dù rất hiện đại, các xe tăng này cũng cần đến các biện pháp bảo vệ bổ sung. Các báo cáo gần đây cho thấy xe tăng M1A1 Abrams của Ukraine do Mỹ cung cấp đang được trang bị hệ thống giáp chống drone mới trên tháp pháo và áo giáp phản ứng nổ. Các biện pháp này được áp dụng một tháng sau khi Ukraine rút xe tăng M1A1 khỏi tiền tuyến vì lo ngại chúng dễ bị tổn thương trước drone FPV cảm tử và các mối đe dọa từ trên không không người lái khác.

Nga cũng đã nâng cấp xe tăng T-72 với lớp giáp mới gọi là “áo giáp lồng”, có mái và lưới kim loại. Mạng xã hội Ukraine gọi đây những “xe tăng rùa”, trong khi truyền thông Nga gọi chúng là “Sa hoàng Mangal”, “bữa tiệc BBQ của Sa hoàng” hay “kẻ chinh phục Krasnohorivka”. Chức năng của giáp lồng là kích nổ sớm drone của đối phương, giảm nguy cơ bom đạn xuyên phá thân xe.

Theo truyền thông Nga, những chiếc xe tăng này là sự bổ sung tuyệt vời cho kho vũ khí của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều. Lúc đầu, những chiếc xe tăng có giáp lồng hoạt động rất tốt nhưng thời gian gần đây, quân đội Ukraine vẫn tìm ra cách tiêu diệt chúng. Áo giáp tấm gắn trên thân T-72 dù đã được sửa đổi vẫn có những nhược điểm lớn. Lớp giáp nặng làm chậm lại tốc độ của xe tăng, khiến tháp pháo kém linh hoạt, hạn chế khả năng bắn trả, hạn chế tầm nhìn của kíp lái.

“Mèo vờn chuột”

Trọng lượng tăng thêm cũng khiến xe tăng khó khăn hơn trong việc vượt qua chướng ngại vật dưới nước, khiến súng phóng lựu đạn khói không thể hoạt động. Những vấn đề này làm giảm đáng kể khả năng tổng thể của xe tăng. Các chuyên gia cho biết, mặc dù những thay đổi này nhằm mục đích cải thiện khả năng sống sót trên chiến trường nhưng khiến xe tăng kém linh hoạt, kém hiệu quả trong chiến đấu.

Tuy vậy, cuộc chiến ở Ukraine cho thấy cả Moscow và Kiev đang trong “trò chơi mèo vờn chuột không ngừng”. Không bên nào sẵn sàng bỏ xe tăng và dù chịu nhiều thiệt hại nhưng vẫn coi xe tăng là lực lượng chủ chốt trong quân đội. Ukraine tiếp tục yêu cầu các đồng minh Tây Âu và Mỹ gửi thêm xe tăng cho họ.

Bulgarian Military dẫn lời Viktor Murakhovsky, một cựu chiến binh Nga cho rằng “khó có thể tưởng tượng các hoạt động chiến đấu cường độ cao giữa các quốc gia có trình độ công nghệ tương đương lại thiếu vắng xe tăng trên quy mô lớn” do hỏa lực, tính cơ động, khả năng sống sót, sức bền và hiệu quả chi phí của chúng. Ông lưu ý rằng “xe tăng trong tương lai có thể sử dụng máy bay không người lái để mở rộng khả năng cảm nhận tình huống, cho phép kíp lái quan sát xung quanh hoặc vượt chướng ngại vật nơi có thể có phục kích”.

Nói chuyện với New York Times, đại tá Markus Reisner, giảng viên quân sự Áo, người có chuyên môn sâu về cách sử dụng vũ khí, cho biết: “Nếu muốn chiếm địa hình, bạn cần có xe tăng”.

Các chuyên gia đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của xe tăng trong những năm qua. Xe tăng ra đời vào cuối Thế chiến I nhưng lần đầu tiên được Đức Quốc xã sử dụng hiệu quả trong Thế chiến II, biến chúng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược Blitzkrieg. Blitzkrieg (tiếng Đức: chiến tranh chớp nhoáng) là một học thuyết quân sự được Đức Quốc xã phát triển và sử dụng trong Thế chiến II. Chiến lược này tập trung vào việc sử dụng các lực lượng cơ giới mạnh mẽ, kết hợp với không quân và pháo binh để thực hiện các cuộc tấn công nhanh chóng và bất ngờ nhằm đánh sập phòng tuyến của đối phương và tạo ra sự hỗn loạn.

Một drone 6 cánh quạt rẻ tiền có thể mang theo một quả đạn chống tăng RPG7.

Một drone 6 cánh quạt rẻ tiền có thể mang theo một quả đạn chống tăng RPG7.

Sau Thế chiến II, xe tăng có nguy cơ bị loại bỏ vì hầu hết các quốc gia khi đó đều đã phát minh ra vũ khí chống tăng vượt trội. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong Chiến tranh Arab-Israel năm 1973. Quân đội Ai Cập với sự hỗ trợ của hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường 9K11 Maylutkas do Liên Xô chế tạo, tiêu diệt nhiều xe tăng Israel.

Nhưng ngay sau đó, các chiến lược gia quốc phòng nhận ra rằng nếu xe tăng với áo giáp được nâng cấp và có bộ binh hỗ trợ, chúng tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong chiến tranh đô thị. Ví dụ, xe tăng M1 Abrams được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng rộng rãi để tấn công quân nổi dậy trong trận Fallujah lần thứ hai diễn ra vào năm 2004, khi liên quân Mỹ-Iraq tấn công phiến quân ở quốc gia Trung Đông.

Bloomberg dẫn lại lời nhà sử học quân sự người Anh Basil Henry Liddell Hart nói hơn 60 năm trước: “Hết lần này đến lần khác trong suốt 40 năm qua, các cơ quan quốc phòng cấp cao nhất tuyên bố rằng chiếc xe tăng đã chết hoặc sắp chết. Nhưng thực ra những thời điểm đó chỉ là giấc nghỉ trưa của chúng trước khi lại thức giấc và mạnh mẽ hơn”.

Xe tăng vẫn rất quan trọng

Những phân tích nói trên cho thấy xe tăng vẫn rất quan trọng trên chiến trường hiện đại. Còn quá sớm để nói rằng chúng đã lỗi thời trong các cuộc xung đột ngày nay. Các quốc gia hàng đầu đang phát triển xe tăng thế hệ thứ tư, hiện đại hóa để giúp chúng phù hợp hơn với chiến trường hiện đại. Nga đang chế tạo hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ tư là T-95 và T-14 Armata.

Trong khi đó, Mỹ đang nghiên cứu phát triển hai dòng tăng mới là AbramsX và M10 Booker. Các nền tảng chiến đấu này được bổ sung thiết bị bảo vệ chống lại drone. Vương quốc Anh sẽ thay thế xe tăng Challenger 2 bằng các mẫu Challenger 3 nâng cấp. Đức cũng đang phát triển Leopard 3 để tiếp bước Leopard 2.

Những chiếc xe tăng thế hệ thứ tư này dự kiến an toàn hơn, có nhiều biện pháp đối phó điện tử và kỹ thuật số, đi kèm thiết kế tàng hình. Chúng được trang bị các “hệ thống bảo vệ tích cực” tiên tiến, sử dụng radar phát hiện đạn đang bay tới và đánh chặn chúng trước khi bị bắn trúng, sử dụng thiết bị đánh chặn tốc độ cao thay vì lớp giáp nặng nề. Nhiều chuyên gia tin rằng tác chiến điện tử là cách xe tăng phòng thủ tốt nhất trước các mối đe dọa từ drone.

Đoạn clip ngắn cho thấy khói lửa bao trùm xe tăng “mai rùa” của Nga, sau đòn tấn công từ máy bay không người lái chứa chất nổ của Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Xuân Thủy ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN