Mỹ vừa tiêu diệt vị tướng có thể là Tổng thống tương lai của Iran?
Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), thiếu tướng Qasem Soleimani được coi là một trong những nhân vật quyền lực hàng đầu ở Iran, người trong tương lai có thể làm tổng thống, nếu không bị Mỹ tiêu diệt.
Bức ảnh chụp thiếu tướng Qasem Soleimani năm 2016.
Theo RTL Today, tướng Qasem Soleimani là một trong những nhân vật quyền lực hàng đầu ở Iran, nhưng được xem là kẻ thù của Mỹ và đồng minh.
Trước khi thiệt mạng trong đợt không kích của Mỹ bằng máy bay không người lái, tướng Soleimani tích cực hoạt động ở Iraq và Syria, đặc biệt trong vấn đề xây dựng chính phủ Iraq mới thân Iran.
Soleimani bắt đầu được truyền thông nước ngoài chú ý sau khi trực tiếp chỉ huy lực lượng Iran tham chiến ở Syria từ năm 2013. Soleimani không ngần ngại trực tiếp ra tiền tuyến, tham gia vào các trận đánh, các bộ phim tài liệu về tình hình chiến sự.
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài truyền hình nhà nước Iran hồi tháng 10, Soleimani nói ông từng ở Liban, trực tiếp giám sát xung đột Israel-Hezbollah năm 2006.
Soleimani giống như một kiến trúc sư thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Iran lan ra khắp Trung Đông. “Đối với các đồng minh, Soleimani vừa là James Bond, vừa là Erwin Rommel vừa là Lady Gaga”, cựu chuyên gia của CIA, Kenneth Pollack nhận định năm 2017, ám chỉ việc Soleimani vừa tham gia chiến đấu, vừa có tầm ảnh hưởng chính trị, lại là nhân vật được truyền thông đặc biệt quan tâm.
“Đối với phương Tây, Soleimani là kẻ tài trợ khủng bố, thúc đẩy Cách mạng Hồi giáo Iran vươn ra châu lục”, Pollack nói thêm.
Bình luận về đợt không kích ngày 3.1, Bộ Quốc phòng Mỹ nói Soleimani “tích cực tham gia lập kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao Mỹ và lính Mỹ ở Iraq, cũng như trong khu vực”. Lầu Năm Góc cũng cáo buộc Soleiman chỉ đạo vụ biểu tình trước đại sứ Mỹ ở Baghdad hồi tuần này.
Tướng Soleimani tham gia một sự kiện năm 2016, kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo Iran.
“Soleiman cần phải bị tiêu diệt để đập tan các kế hoạch tấn công do Iran phát động”, Lầu Năm Góc tuyên bố.
Soleimani từng phủ nhận khả năng muốn làm Tổng thống để giải quyết các vấn đề trong nước, nhưng một số chuyên gia cho rằng Soleimani luôn là ứng viên cho vị trí lãnh đạo đất nước Iran.
Ngay từ năm 2001, trong cuộc xâm lược Afghanistan, người Mỹ đã nhận ra vai trò của Soleimani trong khu vực. “Các quan chức Iran ở Afghanistan từng kể về việc Soleimani trực tiếp đưa ra các quyết định”, Đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker nói với BBC năm 2013.
Soleimani nổi tiếng là người có tính cách khá trầm lặng. “Ông ấy có thể ngồi một góc trong phòng họp. Ông ấy không đưa ra bình luận, chỉ ngồi và lắng nghe. Dĩ nhiên là mọi người chú ý đến ông ấy”, một quan chức Iraq nhắc đến sự hiện diện của Soleimani trong chính phủ Iraq.
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 bởi IranPoll và Đại học Maryland, một trong những nguồn tham khảo uy tín, Soleimani có 83% tỉ lệ ủng hộ ở Iran, hơn cả Tổng thống Hassan Rouhani hay Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Các lãnh đạo phương Tây nhìn nhận Soleimani là trung tâm trong mối quan hệ giữa Iran và các nhóm vũ trang như Hezbollah ở Liban và Hamas của Palestine.
Soleimani cũng được coi là người có thể giải quyết mâu thuẫn xã hội ở Iran, ví như tranh cãi về việc có cho phụ nữ cởi khăn trùm đầu hay không.
Nguồn: [Link nguồn]
Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), và chỉ huy lực lượng...