Từng là tâm dịch COVID-19 thế giới, vì sao tỉ lệ tử vong ở Ấn Độ vẫn khá thấp?

Dù số người mắc COVID-19 trong đợt bùng phát thứ hai ở mức cao, tỉ lệ tử vong ở Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Điều này xuất phát từ ba nguyên nhân.

Trong giai đoạn từ tháng 9-2020 đến cuối tháng 1-2021, với việc số trường hợp mắc COVID-19 mới ở Ấn Độ giảm mạnh, chính phủ nước này tuyên bố họ đã nhìn thấy "thời điểm kết thúc" của đại dịch.

Kể từ tháng 1, Ấn Độ dần mất cảnh giác trước COVID-19. Họ đã tăng cường xuất khẩu vaccine ra nước ngoài, nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, tổ chức bầu cử địa phương, các cuộc tụ họp tôn giáo và đám cưới, theo kênh Channel News Asia (CNA).

Khi đó, chính phủ Ấn Độ không biết rằng họ sắp chuyển sang một bước ngoặt cực kỳ tồi tệ.

Trong tháng 4, Ấn Độ ghi nhận trung bình 300.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Ảnh: GETTY

Trong tháng 4, Ấn Độ ghi nhận trung bình 300.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Ảnh: GETTY

Vào tháng 4, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục, với khoảng 300.000 ca mỗi ngày. Sự gia tăng đột biến được cho là do các sự kiện siêu lan truyền như lễ hội Kumbh. Trong sự kiện, khoảng bốn triệu tín đồ đã tập trung và cùng tắm ở sông Hằng linh thiêng.

Một nguyên nhân khác gây ra các đợt bùng phát thứ hai tại Ấn Độ là các cuộc biểu tình lớn theo sau các cuộc bầu cử ở các bang Assam, Tây Bengal, Kerala và Tamil Nadu.

Tuy nhiên, dù số người mắc COVID-19 trong đợt bùng phát thứ hai ở mức cao, tỉ lệ tử vong ở Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Điều này có thể đến từ các nguyên nhân dưới đây.

Truy vết sớm và phân vùng nguy cơ 

Làn sóng thứ hai chứng kiến sự lan rộng của biến thể Alpha. Ngoài ra, cũng trong đợt bùng phát này, các nhà khoa học đã phát hiện biến thể Delta - một trong đột biến nguy hiểm nhất của virus SARS-CoV-19 với tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp.

Đó là giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch khi các bệnh viện phàn nàn về sự thiếu hụt các nguồn cung oxy. Trong một tình huống chưa từng có, vào tháng 4, một bệnh viện địa phương đã nói với tòa án tối cao Delhi rằng họ chỉ còn ba giờ oxy, điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của 400 bệnh nhân, theo CNA.

Một nhân viên y tế ở Ấn Độ. Ảnh: NIRMAL HARINDRAN

Một nhân viên y tế ở Ấn Độ. Ảnh: NIRMAL HARINDRAN

Trước tình hình đó, chính phủ Ấn Độ đã đề ra một kế hoạch hành động gắn kết với sự cộng tác của chính quyền các bang. Một cuộc phong tỏa trên phạm vi toàn quốc đã bị loại trừ và các bang được khuyến cáo nên truy vết để tìm ra các nguồn lây và phân vùng nguy cơ để chặn các ổ dịnh nhỏ bùng phát nhằm bảo vệ sinh kế.

Những biện pháp để giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng như đeo khẩu trang đã được thực hiện nghiêm ngặt.

Các bang được phép linh hoạt trong việc quyết định các biện pháp ngăn chặn vi mô để tránh làm trầm trọng thêm những khó khăn của người nghèo ở những khu vực có ít ca nhiễm.

Các bang như Maharashtra và Kerala đã phải dùng đến các biện pháp phong tỏa kéo dài do tỷ lệ lây nhiễm rất cao.

Miễn dịch cộng đồng

Vấn đề Ấn Độ đã đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa gây nhiều tranh luận ở nước này. Theo các chuyên gia, tranh luận là điều không tránh khỏi bởi dù tỉ lệ tiêm vaccine trước và trong đợt bùng phát thứ hai khá thấp nhưng tỉ lệ tử vong ở nước này vẫn được kéo giảm. Tính đến ngày 20-7, chỉ 12,6% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ.

Vào tháng 7, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho biết 2/3 dân số nước này đã phát triển các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Dù vẫn còn đến 400 triệu người vẫn dễ bị tổn thương, nhưng khả năng miễn dịch đã tăng lên so với thời điểm cách đây sáu tháng (khi đó chỉ 25% người dân có các kháng thể).

Sự phổ biến của các kháng thể có thể là do một số lượng lớn người dân Ấn Độ đã bị nhiễm virus. Tính đến ngày 4-9, nước này đã ghi nhận tổng cộng 32,9 triệu ca mắc COVID-19.

Quan trọng nhất vẫn là vaccine

Đối với một quốc gia rộng lớn và đa dạng như Ấn Độ, câu trả lời cuối cùng vẫn nằm ở việc tăng cường tiêm chủng. Điều này giúp đảm bảo đa số người bệnh không cần phải đến bệnh viện và do đó, giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Vấn đề còn lại là đảm bảo đủ nguồn cung vaccine. Chính phủ Ấn Độ đã phối hợp với nhiều bên khác nhau để đảm bảo đủ số lượng vaccine cần thiết càng sớm càng tốt.

Ấn Độ đang tăng cường phủ sóng vaccine để ngăn đợt bùng phát tiếp theo. Ảnh: REUTERS

Ấn Độ đang tăng cường phủ sóng vaccine để ngăn đợt bùng phát tiếp theo. Ảnh: REUTERS

Ấn Độ có gần 20 đơn vị sản xuất vaccine. Các vaccine như Covishield của Viện Huyết thanh Ấn Độ và Covaxin của Bharat Biotech ở Hyderabad là nguồn cung cấp vaccine lớn nhất của nước này.

Công ty dược phẩm đa quốc gia Dr Reddy’s Laboratories cũng đã hợp tác với Nga để mua vaccine Sputnik V.

Tóm lại, việc tăng cường phủ sóng vaccine đã góp phần quan trọng đưa Ấn Độ thoát khỏi đợt bùng phát thứ hai ở nước này. Sau bốn tháng kể từ khi đạt đỉnh dịch, quốc gia Nam Á dường như đã kiểm soát được sự lây lan của virus và các biện pháp phòng ngừa vẫn đang được thực hiện để ngăn chặn làn sóng thứ ba.

Nguồn: [Link nguồn]

Ấn Độ phê duyệt vắc-xin ngừa COVID-19 không dùng kim tiêm

Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin COVID-19 đầu tiên sử dụng công nghệ DNA Plasmid.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHÁNH NHƯ ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN