Tung đòn không kích ở Syria, Nga hỏi Thổ Nhĩ Kỳ: Chọn S-400 hay mất Idlib?

Sự kiện: Tin tức Syria

Bằng các cuộc không kích của mình, Moscow hiện đang "phả hơi nóng" vào Thổ Nhĩ Kỳ và cho thấy mọi thứ ở Idlib có thể trở nên tồi tệ như thế nào nếu nước này đảo ngược thỏa thuận S-400.

Tung đòn không kích ở Syria, Nga hỏi Thổ Nhĩ Kỳ: Chọn S-400 hay mất Idlib? - 1

Các đợt không kích mới của Nga ở Idlib có thể mang nhiều thông điệp.

Vị thế thuận lợi của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã bỗng chốc biến đổi thành một tình huống khó khăn sau các diễn biến mới liên quan đến thỏa thuận S-400 và tình hình Idlib. Cùng với đó, Ankara đang phải đối mặt với áp lực từ cả Washington và Moscow, theo Daily Sabah.

Theo các nguồn tin mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ có hơn hai tuần để quyết định sẽ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và đón nhận đòn trừng phạt hay chọn Patriot của Mỹ để tiếp tục đảm bảo sự vững bền của liên minh NATO.

Các báo cáo cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy thỏa thuận với Nga vào cuối tuần đầu tiên của tháng 6 và mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, bằng không nước này sẽ bị xóa khỏi chương trình F-35 của Lockheed Martin, bao gồm cả cam kết giao 100 máy bay.

Như các nhà phân tích từng nhận định trước đó, những lời đe dọa mà Mỹ gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần chỉ là vấn đề mua S-400 từ Nga hay lộ bí mật công nghệ.

Trên thực tế, người Mỹ chỉ muốn ép Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa hai siêu cường, Moscow và Washington. Chính vì điều này, Ankara đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Viết trên Daily Sabah, nhà phân tích Merve Sebnem Oruc tin rằng, nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan chấp nhận “quỳ gối” trước Washington, ông sẽ “không còn là người bạn trong mắt Tổng thống Nga Vladimir Putin", và đồng thời điều này "cũng gây nguy hiểm cho tình hình ở Syria".

Sóng gió Idlib

Vào ngày 17/9/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể thở phào nhẹ nhõm sau nhiều tháng căng thẳng, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý thành lập khu phi quân sự quanh Idlib, nơi Ankara lo ngại một cuộc tấn công quân sự toàn diện của lực lượng Syria sẽ tiến hành tại đây.

Thỏa thuận Idlib đã đánh dấu một chiến thắng ngoại giao lớn cho Tổng thống Erdogan, người đã không ngừng tìm cách ngăn chặn một cuộc tấn công lớn ở Idlib nhằm tránh mất đi khu vực chiến lược và ngăn chặn một làn sóng người tị nạn mới đổ về nước này.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng là một bước tiến quan trọng đối với Tổng thống Putin - người đã ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad – trong việc nắm thế chủ động ở Syria và đóng vai trò trung gian quyền lực lớn.

Nhưng trong những ngày qua, tình hình ở Idlib đang leo thang và các cuộc không kích của Nga đang là một phần của các cuộc tấn công pháo kích của lực lượng Syria và máy bay không người lái của Iran.

Vậy, điều gì đã thay đổi quan điểm của Điện Kremlin một lần nữa? Đã có những quan điểm cho rằng, một trong những lý do khiến Nga hỗ trợ tấn công Idlib là để gửi thông điệp về việc họ đã hết kiên nhẫn trước Thổ Nhĩ Kỳ.

Cam kết vào tháng 9 năm ngoái đã ràng buộc Ankara trong việc giải giáp vũ khí của khủng bố và nhanh chóng đẩy các nhóm cực đoan ra khỏi Idlib.

Nhưng cho đến nay, chính quyền Erdogan đã không đưa được bất kỳ sự tiến bộ nào trong quá trình này, đồng thời các nhóm khủng bố đang liên tục tấn công các căn cứ của Nga, buộc các cuộc không kích từ Moscow phải được tiến hành.

Theo nhà phân tích Oruc, một trong những lý do khác liên quan đến các cuộc tấn công bắt đầu nổ ra ở Idlib là việc chính quyền Syria muốn thể hiện mình là một lực lượng có tiếng nói và Thổ Nhĩ Kỳ phải tương tác trực tiếp với họ.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận với các đối tác Nga về tình hình Idlib, nhưng rõ ràng là chính quyền Syria và Iran cũng mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ làm việc với mình một cách ngang hàng.

Theo một số nguồn tin, Điện Kremlin cũng muốn có một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria ở cấp độ chính trị, nhưng viễn cảnh như vậy không thể xảy ra trong mắt của Ankara.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay vẫn không chấp nhận hợp tác với Tổng thống Assad.

Lựa chọn khó khăn

Một trong những lý do khác khiến Nga thay đổi lập trường được cho là xuất phát từ các cuộc đàm phán giữa Ankara và Washington về số phận của khu vực phía Đông Euphrates.

Đây được coi là một động thái qua mặt Moscow của Ankara trong khi nước này vẫn là một trong ba quốc gia bảo lãnh các khu vực giảm leo thang và là đối tác của tiến trình Astana.

Kể từ đầu năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán với Mỹ để thiết lập vùng an toàn ở phía Đông Euphrates và với Nga trong việc duy trì khu phi quân sự ở tây bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định rằng, vùng an toàn này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Đó có thể là một tuyên bố không làm hài lòng Damascus và Tehran.

Tuy nhiên với Nga, đó chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của mình. Câu chuyện sẽ vẫn quay trở lại với vấn đề S-400. Thông điệp của Moscow đó là, nếu Ankara nhượng bộ Washington, điều này sẽ gây nguy hiểm cho tình hình đang được cải thiện ở Syria.

Bằng các cuộc không kích của mình, Moscow hiện đang phả hơi nóng vào Thổ Nhĩ Kỳ và cho thấy mọi thứ có thể tồi tệ ở Idlib như thế nào nếu nước này đảo ngược thỏa thuận S-400 do sức ép từ Mỹ, nhà phân tích Merve Sebnem Oruc nhận định.

Mặt khác, Washington đang đưa ra tuyên bố về mối quan tâm đối với sự leo thang ngày càng tăng ở Idlib và nói về những rủi ro của các cuộc tấn công hóa học mới.

Tuy nhiên, đó không phải là sự lo lắng chân thành của Mỹ đối với người dân Syria. Washington chỉ đang khiêu khích Moscow và khiến người Nga tăng cường tấn công cùng với lực lượng của chính quyền Assad.

Đó là cách Washington gây áp lực Thổ Nhĩ Kỳ từ phía bên kia để nước này bất mãn với các cuộc tấn công của Nga mà không mua S-400.

Trong những ngày tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho công chúng thấy họ chơi “bài ngửa” như thế nào để thoát khỏi tình thế đầy rắc rối này.

Mỹ không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga chớp thời cơ ”có một không hai”

Nga sẵn sàng bán lô tiêm kích tàng hình Su-57 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu hợp đồng mua F-35 của Ankara với Washington bị hủy bỏ do...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Vinh ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN