Tục thờ “của quý” ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Suốt nhiều thế kỉ, những Phật tử ở vương quốc nhỏ bé khép kín nằm trong dãy núi Himalaya đã thờ cúng một thứ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên: bộ phận sinh sản nam.

Tục thờ “của quý” ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 1

Biểu tượng của quý được khắc họa trên các bức tường ở Bhutan nhằm xua đuổi tà ma, mang đến sự sinh sôi nảy nở 

Ở vương quốc Bhutan, nơi được mệnh danh là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”, hình ảnh “của quý” được thấy ở khắp mọi nơi: Vẽ trên tường, treo trên cửa, gắn trên mái, là một phần không thể thiếu của các lễ hội truyền thống Bhutan.

Người Bhutan tin rằng đó là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, mang đến sự bảo vệ khỏi quỷ dữ và xua đuổi tà ma.

Giờ đây, người Bhutan đang tìm cách bảo tồn tục thờ cúng truyền thống lâu đời này bằng những cách thể hiện mang tính nghệ thuật.

Tục thờ “của quý” ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 2

Những hình vẽ như thế này xuất hiện ở mọi nơi, từ nhà riêng cho tới các không gian công cộng

“Tôi không chỉ nhìn thấy “của quý” ở mọi loại hình, từ làng quê tới thành thị, mà còn bị cuốn hút bởi câu chuyện đằng sau tính biểu tượng của nó”, Karma Choden, tác giả cuốn sách “Dương vật: Sự thông thái điên rồ của người Bhutan”, chia sẻ.  

Tính phổ biến của tục thờ này ở Bhutan được cho là xuất phát từ nhà truyền bá Phật giáo nhánh Kim cương thừa hồi thế kỷ 15 tên là Drukpa Kunley, còn được gọi với cái tên “Thánh điên”.

Trong một nghiên cứu về văn hóa thờ sinh thực khí nam năm 2011, nhà sử học Pháp Prancoise Pommaret và học giả người Bhutan Tashi Tobgay cho rằng Drukpa Kunley đã truyền bá cho người dân về khả năng xua đuổi tà ma của thứ đồ thờ kỳ lạ này.

Tục thờ “của quý” ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 3

Một khách nước ngoài thích thú chụp ảnh bên một biểu tượng “của quý” ở Bhutan

Sự truyền bá không chính thống của Drukpa Kunley được cho là một dạng đơn giản hóa của giáo pháp Mật giáo. Drukpa Kunley nổi tiếng với câu nói: “Rượu ngon nằm ở cuối hũ, hạnh phúc nằm ở dưới rốn”.

Tác giả Choden cho rằng, người Bhutan có thể trở nên rất sáng tạo khi họ vẽ hoặc khắc hình “của quý”. “Mọi hình dạng đều được khắc họa. Có cái cười, có cái giận dữ, có cái phô phang một cách lộ liễu”, bà viết.

Theo ông Kinley Tshering, Tổng thư kí Hội Nhà báo Bhutan, thế hệ trẻ đang định nghĩa lại biểu tượng này, không chỉ là một hình ảnh hay biểu tượng mang tính nghi lễ, mà tự thân nó là một ý tưởng.

Tục thờ “của quý” ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 4

Ống thoát nước ở quốc gia này cũng mang hình “của quý”

Ví dụ, nhà làm phim người Bhutan Tashi Gyeltshen sẽ khám phá ý tưởng đó trong bộ phim sắp tới mang tên “Của quý đỏ”. Gyeltshen cho rằng, đây là một vật thể mang đến sự sinh sôi và phá hủy; nó là biểu tượng của sự sống và cái chết, là hai mặt của sự tồn tại.

Mặt khác, một nhà làm phim trẻ người Bhtan là Phuntshok Rabten cho rằng người Bhutan hiện đại không biết phải làm gì để giữ gìn biểu tượng phổ biến này. “Chúng tôi không hiểu sự sâu sắc của truyền thống này, cũng như không rõ liệu chúng tôi có thực sự hiện đại như người phương Tây hay không”, Rabten nói. 

Dù được hiểu với nghĩa như thế nào, “của quý” vẫn là một phần không thể thiếu của văn hóa Bhutan. Một chiếc “của quý” bằng tre nhẵn bóng được Drukpa Kunley mang về từ Tây Tạng hiện nằm trong tu viện Chimi Lhakhang, được xây năm 1499 nhằm tôn vinh nhà truyền giáo lập dị. Vật này được cho là có sức mạnh giúp những cặp vợ chồng vô sinh tìm lại khả năng sinh sản của mình.

Tục thờ “của quý” ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - 5

Tu viện Chimi Lhakhang, nơi lưu giữ chiếc “của quý” được cho là giúp các cặp vô sinh tìm lại khả năng sinh sản

Một nghi lễ cổ có trước khi đạo Phật được mang đến Bhutan vẫn đang được cử hành ở vùng phía tây Bhutan. Trong lễ hội “Lhabon” (nghĩa là “gọi thần linh”) này, cộng đồng sẽ dùng một chiếc thang một đầu có khắc hình “của quý”. Họ tin rằng các thần linh sẽ theo chiếc thang xuống phù hộ cho họ sức khỏe và sự thịnh vượng.

Trong khi đó, ở huyện Lhuntse thuộc miền đông Bhutan có lễ hội cổ mang tên “Wayo” nhằm kiềm kế ham muốn tình dục. Trong lễ hội này, người ta trưng bày những biểu tượng bộ phận sinh dục nam và nữ, ngâm và bình những vần thơ đầy ý nghĩa ân ái.

Tuy nhiên, báo Mỹ Huffington Post dẫn lời nhà nhân chủng học Tandin Dorji nói rằng nền giáo dục hiện đại, thay vì mở rộng quá trình tư duy lại đang đè nén “tính mở” của thứ tạo nên văn hóa của người Bhutan. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (theo Huffington Post, Wikipedia) ([Tên nguồn])
Lễ hội phồn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN