Tuần nước rút của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
Chưa đầy một tuần nữa là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ diễn ra và hai ứng viên tổng thống đang tăng tốc thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Tối 29-10 (tức sáng 30-10 giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2024 là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn bận rộn vận động tranh cử khi chưa đầy một tuần nữa là tới ngày bầu cử (5-11).
Trong khi bà Harris chọn địa điểm vận động tranh cử gần Nhà Trắng (thủ đô Washington, D.C) - nơi ông Trump từng phát biểu trước đám đông hôm 6-1-2020 trước khi xảy ra cuộc bạo loạn ở Điện Capitol thì ông Trump đi đến bang chiến trường Pennsylvania, theo đài CNN.
Chạy đua nước rút
Tại công viên Ellipse ở thủ đô Washington, D.C, bà Harris đã có bài phát biểu nêu rõ lập trường của bà về các vấn đề như quyền sinh sản và nhập cư, cũng như so sánh tầm nhìn của bà với cựu Tổng thống Trump.
Phó Tổng thống Harris cam kết sẽ cắt giảm thuế cho người lao động và tầng lớp trung lưu, ban hành lệnh cấm đầu tiên về việc tăng giá thực phẩm, hạn chế chi phí thuốc theo toa cho tất cả người Mỹ,.. Bà Harris cho biết các nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng cần ngừng sử dụng vấn đề nhập cư như một công cụ chính trị và thay vào đó hãy coi đó là một thách thức nghiêm trọng cần giải quyết.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại công viên Ellipse ở thủ đô Washington, D.C hôm 29-10. Ảnh: REUTERS
Cũng tại sự kiện này, bà Harris đã tăng cường công kích ông Trump, nói rằng cựu tổng thống là một người đàn ông “bất ổn”, “ám ảnh với việc trả thù” và "dành cả thập niên cố gắng khiến người dân Mỹ chia rẽ và sợ hãi lẫn nhau".
Tại TP Allentown (bang Pennsylvania), ông Trump đã gửi một trong những thông điệp cô đọng nhất tới cử tri: "Bạn có khá hơn bây giờ so với bốn năm trước không?" và đám đông người ủng hộ đáp lại “không”. “Tôi ở đây hôm nay với thông điệp hy vọng cho tất cả người Mỹ, với lá phiếu của các bạn trong cuộc bầu cử này… Chúng ta sẽ chấm dứt lạm phát, chúng ta sẽ ngăn chặn tội phạm xâm nhập vào đất nước chúng ta và chúng ta sẽ đem giấc mơ Mỹ quay trở lại” - ông Trump nói.
Sau Pennsylvania, ông Trump dự kiến sẽ đến bang North Carolina và Wisconsin - hai bang chiến trường quan trọng khác.
Cùng ngày 29-10, phó tướng của bà Harris - Thống đốc bang Minnesota Tim Walz và phó tướng của ông Trump - Thượng nghị sĩ JD Vance cũng đã vận động tranh cử lần lượt ở bang chiến trường Georgia và Michigan.
Theo đài CNN, tính đến ngày 29-10, hơn 50,5 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu qua thư hoặc thông qua hình thức bỏ phiếu sớm trực tiếp, bắt đầu định hình cuộc đua giành chức tổng thống giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Thăm dò bầu cử
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Harris và ông Trump bám sát nhau và không có sự chênh lệch lớn. Theo khảo sát của hãng tin Reuters/Ipsos công bố hôm 29-10, khoảng cách dẫn trước của bà Harris so với ông Trump đã thu hẹp lại trong tuần cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng khi ứng viên của đảng Dân chủ dẫn trước ứng viên của đảng Cộng hòa chỉ 1%, tức 44% so với 43%.
Trong khi bà Harris dẫn trước Trump trong mọi cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos về cử tri đã đăng ký kể từ khi nữ phó tổng thống tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 7, thì khoảng cách dẫn trước của bà Harris đã giảm dần kể từ cuối tháng 9. Trong cuộc thăm dò mới nhất, ông Trump có lợi thế đáng kể so với bà Harris về một số vấn đề mà cử tri coi là cấp bách nhất. Có tới 26% cử tri trong cuộc thăm dò mới nhất đã nêu vấn đề việc làm và nền kinh tế là vấn đề cấp bách nhất của đất nước, so với 24% đề cập chủ nghĩa cực đoan chính trị và 18% chỉ ra vấn đề nhập cư.
Cựu Tổng thống Donald Trump tại TP Allentown (bang Pennsylvania) hôm 29-10. Ảnh: THE WASHINGTON POST
Khi được hỏi ứng cử viên nào có cách tiếp cận tốt hơn đối với nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp và việc làm, các cử tri trong cuộc thăm dò đã chọn ông Trump với tỉ lệ 47% so với 37% của bà Harris. Vấn đề kinh tế cũng là thế mạnh của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử.
Cựu tổng thống cũng có lợi thế về các vấn đề nhập cư khi ông đưa ra các đề xuất cứng rắn bao gồm trục xuất hàng loạt những người di cư bất hợp pháp vào nước Mỹ. Khoảng 48% cử tri trong cuộc thăm dò mới nhất cho biết cách tiếp cận của ông Trump đối với vấn đề nhập cư là tốt nhất, cao hơn 33% đã chọn bà Harris.
Trong khi đó, cuộc thăm dò cho thấy lợi thế của bà Harris về vấn đề chủ nghĩa cực đoan chính trị đang giảm dần. Khoảng 40% cử tri trong cuộc thăm dò cho biết bà Harris có cách tiếp cận tốt hơn để xử lý chủ nghĩa cực đoan chính trị và các mối đe dọa đối với nền dân chủ, so với 38% chọn ông Trump. Trong cuộc thăm dò trước đó, bà Harris đã dẫn trước ông Trump tới 7% về vấn đề này.
Các cuộc khảo sát toàn quốc, bao gồm các cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, đưa ra những tín hiệu quan trọng về quan điểm của cử tri, nhưng kết quả của Đại cử tri đoàn theo từng tiểu bang sẽ quyết định người chiến thắng, trong đó bảy tiểu bang chiến trường có khả năng mang tính quyết định.
Theo cuộc thăm dò của đài CNN hôm 29-10, bà Harris nắm giữ 48% sự ủng hộ trong số những cử tri được hỏi ở bang Arizona, so với 47% của ông Trump. Trong khi đó, ở bang Nevada, 48% cử tri được hỏi ủng hộ ông Trump và 47% ủng hộ bà Harris. Còn tại bang Pennsylvania, một cuộc thăm dò của đài CBS News/YouGov công bố vào tối 29-10 cho thấy cả hai ứng viên đều đều giành được 49% sự ủng hộ.
Ngày bầu cử chưa đến, căng thẳng phiếu bầu đã xảy ra Theo Cảnh sát bang Indiana, ông Larry Savage - cựu ứng viên hạ viện thuộc Cộng hòa đã bị buộc tội ăn cắp phiếu bầu trong quá trình thử nghiệm hệ thống bỏ phiếu tại quận Madison (Indiana), hãng tin Reuters đưa tin ngày 29-10. Trong cuộc kiểm tra vào ngày 3-10, bao gồm 4 máy bỏ phiếu và 136 lá phiếu của ứng cử viên được đánh dấu để thử nghiệm, các quan chức phát hiện ra rằng có hai lá phiếu bị mất. Đoạn video giám sát cho thấy ông Savage, 51 tuổi, đã gấp và bỏ cả hai lá phiếu vào túi sau khi nhận được hướng dẫn về tính hợp lệ của các lá phiếu thử nghiệm. Liên quan phiếu bầu, cơ quan chức năng Mỹ đang điều tra vụ hai thùng phiếu phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 bị đốt cháy vào ngày 28-10 ở TP Portland (bang Oregon) và TP Vancouver (bang Washington), theo tờ The New York Times. Ít nhất 66 nhân viên thời vụ đang được thuê để giám sát các thùng phiếu 24/7 tại quận Clark (bang Washington) sau vụ việc trên. Ngoài ra, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 29-10 cảnh báo về những kẻ lừa đảo đang tìm cách lợi dụng cuộc bầu cử để duy trì các âm mưu gian lận tài chính. "Những kẻ lừa đảo sử dụng tên, hình ảnh, logo và khẩu hiệu của các ứng viên để lừa đảo quyên góp tiền cho chiến dịch, bán hàng hóa (không bao giờ được gửi cho người mua) hoặc đánh cắp thông tin nhận dạng cá nhân của nạn nhân có thể được sử dụng cho các hành vi gian lận khác” - theo FBI. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày bầu cử tổng thống Mỹ được ấn định vào 5-11-2024, quyết định ai sẽ làm chủ nhân Nhà Trắng 4 năm tiếp theo.