Từ vụ 39 thi thể ở Anh nhìn lại nạn buôn người Việt
Cho đến nay vẫn chưa thể xác định quốc tịch vụ 39 người chết ở Anh, nhưng thảm kịch này sẽ là bài học quan trọng để các nước, trong đó có Việt Nam, tiếp tục nỗ lực hơn chống nạn buôn người dù gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Gia tin rằng con trai mình nằm trong số 39 người tử vong trên xe container ở Anh.
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, bên hành lang Quốc hội sáng nay (28-10), trả lời báo chí về vụ 39 thi thể được phát hiện trong container tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía đông bắc London, nước Anh hôm 23-10 (giờ địa phương).
Theo tướng Nghĩa, “Hiện chưa có kết luận chính xác là người Việt Nam nhưng đã có dấu hiệu có người Việt Nam trong 39 người, xuất khẩu sang Pháp và từ Pháp sang Anh bằng con đường tội phạm, bất hợp pháp và đã có những đường dây”. Tướng Nghĩa nói thêm các cơ quan chức năng của Việt Nam gồm Bộ Công an và các cơ quan hữu quan đang phối hợp phối hợp với Đại sứ quán của Anh để sớm đưa ra thông báo, kết luận vụ việc.
“Vụ này chắc chắn là đường dây đưa người Việt Nam trái phép ra nước ngoài, tôi chưa nói là buôn lậu công nhân của ta” – tướng Nghĩa nói.
Những con số đáng suy ngẫm
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, vấn đề đường dây buôn người Việt Nam sang các nước không phải là chuyện mới. Các cơ quan, ban ngành của Việt Nam dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp khác nhau nhưng đến nay chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới (như Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Phần Lan, v.v.) hoạt động mua bán người đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Ðây là công việc nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với quyết tâm chính trị và bằng kinh nghiệm của mình Việt Nam, đã, đang và sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên đến nay, cũng như nhiều quốc gia ở châu Á hay thậm chí các nước phát triển ở châu Âu, vẫn còn nhiều vấn đề mà Việt Nam (trong tâm thế chủ động và hợp tác với cộng đồng quốc tế) đang nỗ lực giải quyết.
Theo báo cáo mới đây được Cao ủy Chống nạn nô lệ độc lập (IASC) trực thuộc chính phủ Anh công bố, Việt Nam là một trong ba nước có nhiều nạn nhân bị bán sang Anh nhất. Số liệu mà các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Anh ghi nhận được cho thấy mỗi năm có hàng trăm người Việt nhập cư lậu vào nước này theo các đường dây buôn người.
Hồi năm 2017, lãnh đạo IASC khi đó là ông Kevin Hyland cho biết việc đưa lậu người vào Anh là một “ngành kinh doanh béo bở”, theo tờ The Guardian. Để quảng cáo, các đường dây buôn người này nhắm đến người Việt thiếu thông tin và vẽ ra viễn cảnh“việc nhẹ lương cao” và “cuộc sống giàu sang” một khi đặt chân đến châu Âu.
Xe chở 39 thi thể nghi là người nhập cư bất hợp pháp bị phát hiện ngày 23-10 ở quận Essex, Anh. Ảnh: REUTERS
Báo cáo từ tổ chức chống buôn người Precarious Journeys công bố hồi đầu năm 2019 cho biết số tiền phải bỏ ra cho các nhóm đưa người trên dao động từ 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng) đến 40.000 USD (khoảng 928 triệu đồng) để được đưa sang Anh.
Các nhóm này khẳng định số tiền càng nhiều thì quãng đường sẽ “ngắn” và “ít nguy hiểm hơn”. Được biết, người nhà của Nguyễn Thị Trà My đã bỏ ra gần 30.000 USD (gần 700 triệu đồng) cho chuyến đi định mệnh của con gái. Những người cả tin sau đó tìm mọi cách kiếm tiền để được ra nước ngoài, thậm chí vay nặng lãi từ chính những đối tượng sẽ dẫn họ đi. Nhiều trường hợp sau khi qua được Anh không thể trả nổi nợ cho các đối tượng trên và buộc phải làm việc quần quật mà không biết khi nào mới có thể thanh toán hết.
Đồng thời, do nhập cư bất hợp pháp, những người Việt này bị hạn chế trong việc tìm kiếm các hỗ trợ pháp lý trong tâm lý lo ngại có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào. Một số thậm chí còn không nhận ra bản thân là nạn nhân của nạn buôn người.
Cuộc sống "địa ngục" xứ người
Khi đặt chân đến trời Âu thông qua các đường dây trái phép, thanh niên thường được đưa đi làm việc tại các nông trường cần sa hoặc làm việc trong các môi trường khắc nghiệt. Đa phần các thanh niên này sẽ bị nhốt tại nơi làm việc, phải sinh hoạt tại chỗ và bị bóc lột sức lao động.
Trong khi đó, nữ giới sẽ bị đẩy vào làm việc tại các tiệm làm móng và cũng phải chịu điều kiện làm việc tương tự. Một số trường hợp thậm chí còn bị ép vào con đường mại dâm.
Một thanh niên người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp sang Anh làm việc tại một nông trường cần sa ở thủ đô London. Ảnh: THE GUARDIAN
Trả lời tờ The Guardian, một nhân viên làm móng cho biết phải lao động từ sáng đến tối cả bảy ngày trong tuần nhưng chỉ được trả khoảng 30 bảng/tuần (gần 900.000 đồng). Một số người còn không được giữ số tiền đó mà bị các đối tượng chăn dắt thu giữ. Cuộc sống thường ngày cực kỳ tù túng theo sự sắp xếp của chủ tiệm và không thể đi lại tự do.
Bên cạnh những người tự nguyện còn có nhiều nạn nhân, nhất là trẻ em ở các vùng quê nghèo, bị lừa. Những đứa trẻ này bị bọn buôn người dụ dỗ, thậm chí bắt cóc để đưa đến Anh bằng con đường bất hợp pháp.
Luật sư Philippa Southwell, người từng nhận nhiều vụ liên quan đến nạn nhân buôn người ở Anh, cho biết các đối tượng thường bắt trẻ em ngủ trong thùng xe tải, đi bộ hàng ngàn cây số, băng rừng, vượt biển trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời để đến Anh.
Kể lại quá khứ hãi hùng, anh Stephen (tên nhân vật đã được thay đổi để tránh bị các đối tượng chăn dắt nhận dạng), một thanh niên Việt Nam mồ côi chia sẻ quãng thời gian bị bán sang Anh để làm công nhân trồng cần sa khi mới 10 tuổi.
Stephen cho biết anh được đưa sang Anh trong một chiếc xe tải đông lạnh sau một hành trình dài đi bộ và ngồi xe tải. Ra khỏi xe, Stephen bị nhốt trong một chuỗi các ngôi nhà liền kề được tận dụng để trồng cần sa. Nhóm người đưa anh sang đây ép anh phải làm việc tại đây trong bốn năm.
Stephen kể lại anh không thể nhìn ra ngoài vì cửa sổ đều được phủ bằng nhựa cách nhiệt dày. Mỗi ngày trôi đi mà anh không thể xác định là đêm hay ngày.
Cứ vài ngày, một nhóm đàn ông sẽ đến kiểm tra công việc và mang thức ăn cho Stephen vào buổi tối. "Nếu tôi để cây chết, họ sẽ nổi giận và đánh tôi. Cuộc sống của tôi tồi tệ hơn nhiều so với khi tôi sống ở Việt Nam", Stephen nhớ lại Một lần, một băng nhóm buôn bán ma túy người Anh xông vào trang trại, đánh trói Stephen và lấy đi toàn bộ số cần sa thu hoạch được. Khi những "ông chủ" của anh phát hiện ra, chúng rất tức giận và chuyển Stephen đến một địa điểm trồng cần sa mới.
Ở đây, Stephen không bị nhốt nữa nhưng bọn chăn dắt đe doạ sẽ giết Stephen nếu anh có ý định chạy trốn. Stephen cho biết lúc đó dù có trốn anh cũng không biết đi đâu. Anh cuối cùng cũng được giải thoát sau khi cảnh sát bất ngờ đột kích vào chỗ của Stephen.
Anh và Việt Nam đều có khó khăn
Hiện tại, rất khó có thể thống kê chính xác con số người Việt đang sống và làm việc “chui” ở Anh. Tuy nhiên, tổ chức từ thiện The Salvation Army chi nhánh Anh ước tính số lượng người Việt nhập cư bất hợp pháp tiếp cận tổ chức này giai đoạn từ tháng 7-2018 đến tháng 7-2019 tăng kỷ lục 248% so với cùng kỳ vào năm năm trước.
Trong khi đó, Ecpat - một tổ chức chuyên làm việc với các nạn nhân buôn bán trẻ em, cũng ghi nhận số nạn nhân Việt tăng từ 135 trường hợp vào năm 2012 lên 704 trường hợp vào năm 2018.
Ông Debbie Beadle, Giám đốc Ecpat cũng cho biết phần lớn người Việt nhập cư bất hợp pháp được tuồn qua Anh trên các xe tải tương tự như như chiếc xe chở 39 thi thể vừa được phát hiện. “Hầu hết những người này thường mô tả chuyến đi là một trong những trải nghiệm ám ảnh nhất cuộc đời họ”, ông chia sẻ.
Người dân Anh tổ chức tưởng niệm 39 nạn nhân thiệt mạng được tìm thấy ngày 23-10. Ảnh: BBC
Ở Anh, Đạo luật Chống Nô lệ hiện đại được cựu Thủ tướng Anh Theresa May ban hành năm 2015 đã phần nào đưa ra được các biện pháp để ngăn chặn nạn buôn người vốn là vấn đề nhức nhối ở nước này nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thực thi đạo luật này gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Dù vậy, việc thực thi các các quy định về phòng chống tội phạm buôn người của cơ quan chức năng Anh hiện tại đang vấp phải một số hạn chế. Cụ thể, cảnh sát Anh thường đánh đồng các người Việt nhập cư bất hợp pháp, vốn là nạn chân của các đường dây buôn người, vào diện cố ý nhập cư bất hợp pháp. Những người Việt này do đó trở thành tội phạm mất đi một số quyền lợi nhất định và không được bảo vệ hiệu quả.
Hồi năm 2017, ông Dave Pennant - Cán bộ Cao cấp đặc trách Việt Nam thuộc Bộ Nội vụ Anh tại Hội nghị “Tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại" ở Đà Nẵng từng khẳng định London muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam nhằm ngăn chặn các các đường dây buôn người sang Anh và hỗ trợ nạn nhân.
“Sự hợp tác này được xây dựng trên cơ sở quan hệ hợp tác đã có giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Anh và Việt Nam nhằm triệt phá các mạng lưới tội phạm đứng sau hình thức buôn bán ghê tởm này”, ông Pennant tuyên bố.
Việt Nam nỗ lực, kiên trì chống nạn buôn người Việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phòng chống mua bán mua bán người giai đoạn 2016-2020, hướng tới mục tiêu chung là giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng ngày càng đồng bộ hơn, tính khả thi cao hơn, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khi được giải cứu. Việt Nam gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia từ ngày 8-6-2012; Nghị định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em từ ngày 29-12-2011 và Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế về chống lao động cưỡng bức. Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Công ước Actip)... Được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam triển khai thành công dự án thành lập đường dây nóng phòng, chống buôn bán người. Việc làm này được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng nỗ lực của Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người là không thể phủ nhận. Điều tra đường dây buôn người vào Anh giá 14.000 bảng (PLO)- Các phóng viên điều tra của tờ The Mail on Sunday phát hiện một người đàn ông gốc Albania sống ở Anh sử dụng biệt danh “Kace Kace” đề nghị giúp đưa người di cư vào Anh. |
Gia đình có con được cho là nằm trong số 39 người tử vong trên xe container ở Anh cho rằng những kẻ buôn người đã “quá...