Từ vụ 39 người chết trong container đến 'bong bóng nhập cư'

Việc xiết chặt chính sách nhập cư chỉ là giải quyết vấn đề từ ngọn trong khi gốc rễ nằm ở chính nội tại quốc gia của những người nhập cư và sự tự tung tự tác của các tổ chức tội phạm buôn người.

Cảnh sát điều tra chiếc container chứa 39 thi thể tại Anh. Ảnh: PA

Cảnh sát điều tra chiếc container chứa 39 thi thể tại Anh. Ảnh: PA

Dư luận quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng bày tỏ sự đau xót về sự kiện xe container chở 39 thi thể (31 nam, tám nữ) tại khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía Đông Bắc Luân Đôn, nước Anh. Cho đến hôm nay (4-11), cảnh sát Anh tin rằng đó là 39 công dân có quốc tịch Việt Nam dù chưa xác định chi tiết danh tính.

Một vấn đề rất lớn hiện đang được thao luận và xuất hiện tranh cãi chính là làn sóng di cư, nhập cư trái phép, đặc biệt là lực lượng lao động không có trình độ cao từ các quốc gia kém phát triển, đang phát triển đổ xô về các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu.

Lực lượng di cư nhiều nhất lịch sử

Năm 2005, Thomas Friedman biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times đã xuất bản “Thế Giới Phẳng” – mà sau này được Financial Times bình chọn là cuốn sách hay nhất năm. “Thế Giới Phẳng” là một công trình nghiên cứu về thời đại toàn cầu hoá nơi mà những sự phát triển về kinh tế, xã hội, khoa học đã giúp con người tiến những bước dài trên hành trình kết nối lẫn nhau. Quá trình nhập cư và dịch chuyển của các dòng người cũng không nằm ngoài quy luật khi giờ đây thế giới đã không còn bị ngăn cách bởi những bức tường và dây kẽm gai.

Xuyên suốt lịch sử, những vấn đề về di cư luôn luôn hiện hữu, nhưng yếu tố làm nên sự khác biệt của di cư thời đại toàn cầu hoá chính là quy mô của nó. Số lượng người di cư hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người. Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng 232 triệu người đang sống ngoài quốc gia mà họ được sinh ra (chiếm 3,2% tổng dân số thế giới). Trong khi đó, ước tính của tổ chức di cư quốc tế (IOM) cho thấy con số này là hơn 214 triệu người (chiếm 3,1% tổng dân số thế giới) cộng thêm 14,5 triệu người tị nạn.

Có một thực tế rằng không phải tất cả người di dân đều hướng đến các quốc gia giàu có (tị nạn chiến tranh, việc làm…) nhưng phần lớn thì đúng là vậy. IOM ước tính năm 2019, châu Úc, châu Âu và Bắc Mỹ là những khu vực có tỉ lệ người nhập cư cao nhất thế giới, tất nhiên đó đều là nơi có những quốc gia phát triển và giàu có.

Đơn cử như trường hợp của châu Âu, năm 2014, liên minh châu Âu (EU) ước tính có khoảng 19,6 triệu người nhập cư hợp pháp đang sinh sống và làm việc ở lục địa già. Con số này với người nhập cư bất hợp pháp là từ 4-8 triệu người.

Friedman và quyển sách Thế Giới Phẳng. Ảnh: INTERNET

Friedman và quyển sách Thế Giới Phẳng. Ảnh: INTERNET

Vấn đề toàn cầu

Sự bùng nổ nhập cư do đó, đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Chủ đề di cư (bao gồm cả nhập cư) thường xuyên xuất hiện trong các chương trình nghị sự của đa số các quốc gia trên thế giới do sức ảnh hưởng vô cùng lớn và đa dạng của nó.

Đầu tiên chính là vấn đề an ninh. Tiến sĩ chuyên ngành Địa Chính Trị của Đại Học Indiana, Gabriel Popescue miêu tả sự kiện 11-9 như hồi chuông báo động về mặt trái của “Biên Giới Mở” khi những kẻ khủng bố đã nhập cư vào nước Mỹ một cách trót lọt mà không hề bị các cơ quan tình báo hoặc an ninh để mắt đến. Ngay giờ phút định mệnh đó, người ta mới nhận ra việc kiểm soát chặt chẽ các dòng người nhập cư quan trọng đến an ninh quốc gia như thế nào.

Bên cạnh đó, người nhập cư cũng có những tác động vô cùng lớn đến quốc gia sở tại trên bình diện kinh tế - xã hội (cả tích cực lẫn tiêu cực). Trong đó, những mặt tiêu cực về kinh tế thường xuất hiện ở các nhóm nhập cư bất hợp pháp như trốn thuế, buôn lậu, buôn người, tội phạm có tổ chức.

Ngược lại, người nhập cư dù có hợp pháp hay không hợp pháp cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phân biệt đối xử hay nặng hơn là phân biệt chủng tộc do khả năng hoà nhập với nền văn hoá và xã hội với cộng đồng bản địa.

Chính những tác động tiêu cực về an ninh, kinh tế-xã hội đó đã trở thành mục tiêu chỉ trích của các nhóm lợi ích mà tiêu biểu là những chính trị gia dân tuý như Trump ở Mỹ, Boris Johnson ở Anh, đảng Five Stars ở Ý hoặc các đảng cực hữu như Marie LePenn ở Pháp và đảng AfD ở Đức, những cá nhân và tập thể đang dùng chính sách chống nhập cư như vũ khí chính trị để đạt được quyền lực.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các phong trào chính trị này cũng phản ánh khá rõ nét cái nhìn của dư luận trong nước trước vấn đề nhập cư. Từ đó, việc xiết chặt hoặc hạn chế chính sách nhập cư là điều không thể tránh khỏi.

Sự ủng hộ dành cho AfD gia tăng nhanh chóng từ sau làn sóng nhập cư vào Đức năm 2015. Ảnh: AFP/Getty.

Sự ủng hộ dành cho AfD gia tăng nhanh chóng từ sau làn sóng nhập cư vào Đức năm 2015. Ảnh: AFP/Getty.

Xu hướng chống nhập cư

Các chính sách hạn chế và chống nhập cư ở các nước phát triển hiện nay muôn hình vạn trạng, từ tập trung vào việc (i) củng cố, kiểm soát gắt gao biên giới (ii) tăng cường điều tra giám sát, trục xuất, những người không có giấy tờ rõ ràng đến (iii) giam giữ, trừng phạt người nhập cư bất hợp pháp. Tất cả những biện pháp này tựu chung lại đều đánh trực tiếp vào người nhập cư nhưng lại bỏ qua những nhân tố khác tác động lên quyết định của họ.

Tại nước Anh. Vấn đề hạn chế nhập cư đã được thảo luận từ những năm 2010 dưới thời cựu thủ tướng David Cameron nhưng phải đến sau Brexit mà cụ thể là bà Theresa May nó mới được xiết chặt và thực thi một cách cứng rắn.

Đơn cử như trong sách trắng nhập cư công bố năm 2017, bà May đưa ra mục tiêu hạn chế con số nhập cư ròng (chênh lệch giữa người di cư khỏi Anh và người nhập cư vào) là 10.000 người. Tuy nhiên, cần biết rằng con số nhập cư ròng trung bình trong 12 năm gần nhất của nước Anh theo một nghiên cứu của BBC là 224.000 người. Do đó, con số này là không thể đạt được.

Do mục tiêu quá cao nên những chính sách phục vụ nó cũng tiêu cực không kém. Cụ thể, để hạn chế người nhập cư tìm việc, chính phủ của bà May nâng điều kiện thu nhập lên mức 30.000 Bảng/năm nếu người nhập cư muốn ở lại Anh, còn nếu không họ sẽ có 12 tháng để tìm cách nâng cao thu nhập nếu không muốn bị cho về nước.

Thậm chí những người đã sinh sống ở Anh lâu năm, sinh ra ở Anh nhưng nếu không chứng minh được nguồn gốc và giấy tờ hợp pháp vẫn có khả năng cao bị trục xuất bất chấp cả đời họ đã sống ở đảo quốc sương mù. Để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp, chính phủ Anh cũng chi tiền cho Pháp để xây dựng bức tường ở Calais, cửa ngõ để vào nước Anh từ EU. Các thủ tục kiểm tra biên giới trước khi vào nước Anh cũng xiết chặt từng ngày sau sự kiện Brexit.

Trong khi tính hiệu quả của những chính sách như trên chưa thấy đâu thì những vấn đề nguy hiểm hơn lại xuất hiện như một hệ quả tất yếu. Nghiên cứu năm 2016 của IOM cho thấy một con số đáng báo động với 5.604 người được ghi nhận đã bỏ mạng trên đường di cư của mình.

Giải thích cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng tác động của những “Biên giới đóng” chỉ là tạm thời, về lâu dài, những người nhập cư bất hợp pháp vẫn sẽ tìm cách khác để đặt chân lên miền đất hứa bất chấp mạng sống. Ví dụ như An ninh biên giới Anh ngày nay được trang bị hẳn những công cụ dò nhiệt để tìm ra những người nhập cư lậu trốn trong xe tải.

Chính việc này đã góp phần làm cho con đường nhập cư chui càng ngày càng khó khăn hơn và các tổ chức buôn người đã phải xoay trở với những con đường dài hơn, cách làm nguy hiểm hơn mà sự kiện xe tải chở 39 người tuần rồi là một ví dụ đau lòng.

Camera nhiệt phát hiện người trốn trên xe container trong một vụ nhập cư trái phép. Ảnh: Daily Mail

Camera nhiệt phát hiện người trốn trên xe container trong một vụ nhập cư trái phép. Ảnh: Daily Mail

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với dòng người tị nạn từ Syria vào châu Âu năm 2016. Khi cửa ngõ vào châu Âu từ khu vực Balkans và Hungary bị chặn đứng vì lính canh và hàng rào kẽm gai, họ chuyển hướng sang vượt biển Địa Trung Hải trên những chiếc tàu đầy ắp người, nơi mà tỉ lệ sống sót có khi còn thấp hơn tỉ lệ chết.

Giải quyết bài toán nhập cư là một quá trình lâu dài, phức tạp đòi hỏi rất nhiều công sức tiền bạc nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia xã hội, kinh tế, địa lý, chính trị. Việc xiết chặt chính sách nhập cư chỉ là giải quyết vấn đề từ ngọn trong khi gốc rể nằm ở chính nội tại quốc gia của những người nhập cư và sự tự tung tự tác của các tổ chức tội phạm buôn người. Chỉ có tập trung vào 2 yếu tố này thì cuộc khủng hoảng nhập cư mới có thể có lời giải.

Càng siết chặt biên giới càng chết nhiều người?

Nghiên cứu của phó giáo sư Reece Jones thuộc viện chính sách nhập cư Mỹ đưa ra một con số đáng báo động. Khi liên minh Châu Âu bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới, số người nhập cư thiệt mạng đạt mức kỷ lục 3.771 người năm 2015.

Tuy nhiên, bước sang năm 2016 khi an ninh biên giới hoàn thành, số người chết khi nhập cư tính đến tháng 7 đã vượt mức 3.000 người, tăng 50% so với cùng kỳ 2015. Quan trọng hơn, xu hướng này xuất hiện ở cả Bắc Mỹ lẫn châu Đại Dương khi các nhóm người và tổ chức buôn người cũng dần hướng đến những con đường xa hơn, dài hơn và cũng nguy hiểm hơn để né tránh an ninh biên giới. 

* ThS Các vấn đề xuyên biên giới, ĐH Đông Phần Lan

Báo Anh: Cảnh sát Anh tin toàn bộ 39 thi thể trên xe container là người Việt

Tờ BBC (Anh) dẫn tin từ cảnh sát Anh cho biết toàn bộ 39 thi thể được tìm thấy trên xe container ở hạt Essex đều là người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC ÂN* ([Tên nguồn])
39 công dân chết trong xe container ở Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN