Tử tù chờ thi hành án lâu nhất thế giới được tuyên trắng án
Iwao Hakamada, 88 tuổi, người giữ kỷ lục thế giới về thời gian dài nhất chờ thi hành án tử hình, bất ngờ được tuyên trắng án sau 56 năm chờ đợi.
Ông Iwao Hakamada (ngồi) chụp ảnh cùng chị gái vào năm ngoái. Ảnh: AFP
Năm 1966, người đàn ông từng là võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp này làm việc tại một xưởng chế biến miso - một loại tương truyền thống của Nhật Bản, làm từ đậu nành lên men. Ông bị buộc tội giết hại vợ chồng chủ xưởng cùng hai người con của họ, phóng hỏa ngôi nhà của họ ở miền trung Nhật Bản và lấy cắp 200.000 yên.
Ông bị kết án tử hình vào năm 1968, nhưng không bị thi hành án do quá trình kháng cáo kéo dài. Phải mất 27 năm, tòa án cấp cao mới bác bỏ đơn kháng cáo đầu tiên của ông để xét xử lại.
Đơn kháng cáo thứ hai được đệ trình vào năm 2008 bởi chị gái ông, Hideko Hakamada, hiện 91 tuổi. Hakamada sau đó được thả khỏi tù vào năm 2014 khi tòa án ra lệnh xét xử lại. Sau khi được thả, Hakamada thụ án tại nhà vì sức khỏe yếu và tuổi tác khiến ông ít có khả năng bỏ trốn.
Trong một diễn biến bất ngờ, ngày 26/9, một tòa án Nhật Bản đã ra phán quyết tuyên bố ông vô tội. Quyết định này đã đảo ngược hoàn toàn bản án kết tội trước đó, chấm dứt một trong những vụ án kéo dài và gây tranh cãi nhất trong lịch sử tư pháp Nhật Bản.
Thẩm phán chủ tọa, Koshi Kunii, cho biết tòa án đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy các điều tra ban đầu chứa đựng nhiều sai sót nghiêm trọng, thậm chí có dấu hiệu bị làm giả bằng chứng. Ông cũng khẳng định rằng không có đủ căn cứ để kết luận Hakamada là thủ phạm của vụ án.
Một vụ án đầy rẫy nghi vấn
Một trong những bằng chứng quan trọng nhất trong vụ án là 5 mảnh quần áo dính máu mà cảnh sát khẳng định Hakamada đã mặc khi gây án và giấu trong một thùng tương miso.
Bộ quần áo được tìm thấy hơn một năm sau khi ông bị bắt. Một phán quyết của Tòa án tối cao Tokyo vào năm 2023 đã thừa nhận kết quả của các thí nghiệm khoa học rằng quần áo ngâm trong miso trong hơn một năm sẽ chuyển sang màu quá sẫm khiến vết máu không thể phát hiện được, lưu ý rằng có thể các nhà điều tra đã ngụy tạo.
Ngoài ra, các luật sư bào chữa cũng đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý khác trong vụ án, như việc kích cỡ quần áo không phù hợp với thân hình của Hakamada và kết quả xét nghiệm ADN của ông không trùng khớp với mẫu máu.
Những người ủng hộ Hakamada cho biết việc bị giam giữ gần nửa thế kỷ đã gây ra tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của ông. Ông đã trải qua 48 trong tù, trong đó có 45 năm chờ thi hành án tử trong sự cô lập và lo sợ.
Cuộc chiến dài hơi vì công lý
Chị gái của ông Hakamada dành gần nửa cuộc đời để đấu tranh vì công lí cho em trai. Ảnh: AFP
Chị gái của Hakamada, bà Hideko Hakamada, đã dành gần nửa cuộc đời để đấu tranh nhằm chứng minh sự vô tội của em trai. Bà không ngừng kêu gọi xét xử lại vụ án và cuối cùng đã giành được thắng lợi sau nhiều năm kiên trì.
Bà Hideko chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi cuối cùng công lý đã được thực thi. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy đau lòng khi nghĩ về những năm tháng mà em trai tôi đã phải chịu đựng trong tù. Tôi hy vọng vụ án của Iwao sẽ góp phần cải cách hệ thống tư pháp Nhật Bản, giúp ngăn chặn những oan sai tương tự xảy ra."
Ảnh hưởng đến xã hội Nhật Bản
Vụ án của Hakamada đã gây chấn động dư luận Nhật Bản và đặt ra nhiều câu hỏi về tính công bằng của hệ thống tư pháp nước này. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích những sai sót trong quá trình điều tra và xét xử.
Vụ án cũng làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về án tử hình ở Nhật Bản. Mặc dù đa số người dân Nhật Bản vẫn ủng hộ hình phạt tử hình, nhưng vụ án của Hakamada đã cho thấy nguy cơ kết án oan sai khi áp dụng hình phạt này.
Việc Iwao Hakamada được tuyên trắng án sau 56 năm là một câu chuyện đầy cảm động về sự kiên trì và lòng nhân ái. Đồng thời, vụ án này cũng là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ công lý và đảm bảo rằng không ai bị kết án oan.
Một trong những tử tù chờ thi hành án lâu nhất ở Mỹ hôm 28/2 bị đưa đến buồng tiêm thuốc độc. Nhưng sau khoảng một giờ, tử tù này được đưa trở lại buồng giam vì nhà chức trách bang Idaho thất bại trong việc thi hành án.
Nguồn: [Link nguồn]