Từ tình hình ở Ukraine: Liệu xe tăng có còn phù hợp trên chiến trường?
Nga là quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, sở hữu số lượng xe tăng nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác, lên tới 12.950 chiếc, theo số liệu năm 2020, gấp đôi số lượng xe tăng Mỹ (6.333 chiếc).
Binh sĩ Ukraine tiếp nhận các vũ khí chống tăng do phương Tây cung cấp.
Xe tăng và các hệ thống pháo tự hành hạng nặng là vũ khí chủ lực trong học thuyết tác chiến quân sự của Nga. Trong 7 tuần Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, xe tăng là khí tài quân sự hứng chịu tổn thất lớn nhất.
Tính đến ngày 24.3, Nga đã mất hàng trăm xe tăng, theo Bộ Ngoại giao Ukraine. Các tên lửa chống tăng mà phương Tây cung cấp cho Ukraine như Javelin, NLAW phần nào chứng minh hiệu quả tiêu diệt xe tăng.
Theo nguồn tin từ Oryx, tổ chức đánh giá độc lập cập nhật thiệt hại của Nga và Ukraine trong cuộc xung đột, Moscow mất 450 xe tăng, trong đó có 221 chiếc bị phá hủy.
Trong thời gian tới, Nga còn có thể hứng chịu tổn thất lớn hơn khi các máy bay không người lái cảm tử Switchblade của Mỹ được chuyển tới Ukraine.
Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải xe tăng không còn phù hợp trong môi trường tác chiến hiện đại? “Xe tăng quá đắt đỏ, lại dễ dàng bị phá hủy bởi các vũ khí chống tăng hoặc máy bay không người lái”, Anders Aslund, chuyên gia về Nga và Đông Âu, nói, theo Yahoo News.
Tuy nhiên, chuyên gia Scott Boston đến từ Tập đoàn phân tích chính sách RAND ở Mỹ, nói xe tăng “vẫn chưa hoàn toàn vô dụng trên chiến trường hiện đại”.
“Dấu hiệu đầu tiên mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, là Ukraine vẫn yêu cầu phương Tây hỗ trợ thêm xe tăng, xe bọc thép”, Boston nói với Yahoo News. “Ukraine rất muốn nhận được thêm các xe tăng”.
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị NATO hỗ trợ 500 xe tăng: “Các ông có 20.000 xe tăng. Chúng tôi chỉ yêu cầu 1% số xe tăng của các ông, hoặc là bán cho chúng tôi các xe tăng”.
Theo chuyên gia Boston, sở dĩ xe tăng Nga bị phá hủy liên tiếp ở Ukraine là vì Nga là phe tấn công. “Ukraine ở thế phòng thủ nên họ có lợi thế về khả năng mai phục, phá hủy các khí tài quân sự đối phương”, ông Boston nói.
Xe tăng Nga bị phá hủy trong giao tranh ở Ukraine.
Ông Boston cho rằng, Ukraine không thể cứ phòng thủ mãi. “Đến lúc Ukraine mở đợt tấn công, số lượng xe tăng của nước này bị tổn thất cũng tăng lên tương xứng”, ông Boston nói.
Một lý do khác là cuộc xung đột phần nào cho thấy vấn đề về hậu cần của Nga. Không ít trường hợp binh sĩ Nga phải bỏ lại xe tăng hay xe bọc thép vì hết nhiên liệu.
“Số lượng xe tăng Nga bị bỏ lại cũng rất lớn, thậm chí đáng kể hơn số lượng xe tăng bị phá hủy”, ông Boston nói.
Trong Thế chiến 2, phát xít Đức giành thắng lợi lớn ở giai đoạn đầu nhờ chiến thuật tấn công chớp nhoáng Blitzkrieg, tận dụng sự cơ động của lực lượng xe tăng. Nhưng chiến thuật này thực tế không hề dễ dàng áp dụng.
Bởi xe tăng càng tiến sâu vào phòng tuyến đối phương, càng cần bộ binh yểm trợ, do đó cần duy trì và thiết lập mạng lưới hậu cần, để các xe tăng có đủ nhiên liệu và đạn dược tiếp tục chiến đấu.
Theo chuyên gia Boston, khi nào bộ binh còn đóng vai trò quan trọng trên chiến trường thì các xe tăng vẫn còn hữu dụng. Bởi xe tăng góp phần bảo vệ bộ binh, trong khi có thể hỗ trợ hỏa lực mạnh khi cần thiết.
“Ngược lại, bộ binh cũng phải bảo vệ xe tăng, phương tiện che chắn di động của họ trên chiến trường. Xe tăng tác chiến đơn độc rất dễ làm mồi cho đối phương”, ông Boston nói.
Nicholas Drummond, một cựu sĩ quan quân đội Anh, nói “không nên vội đổ lỗi cho xe tăng”. “Vấn đề là chiến thuật của Nga, khả năng hiệp đồng tác chiến và mạng lưới hậu cần”, ông Drummond nói.
Theo chuyên gia Boston, Nga có phần chủ quan, cho rằng Ukraine sẽ không kháng cự mạnh mẽ, nên các xe tăng đôi khi phải tác chiến đơn độc mà không có bộ binh hay không quân yểm trợ.
“Họ xây dựng kế hoạch quân sự ở Ukraine dựa trên những giả định không chính xác”, ông Boston nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong 5 tuần xung đột ở Ukraine, Nga giành được một số bước tiến đáng kể, nhưng cũng gặp những tổn thất, đặc biệt là tổn thất đối với các xe tăng.