Từ "một nhúm" người, Taliban thâu tóm quyền lực và lớn mạnh ra sao?
Khởi đầu chỉ với 50 thành viên, Taliban dần dần thâu tóm quyền lực và niềm tin của người dân Afghanistan, để rồi nắm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á trong 6 năm, cho tới khi người Mỹ tới và “sa lầy” vào cuộc chiến dài hơi nhất lịch sử nước này.
Các tay súng Taliban ở tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: Getty
Đầu tháng 8/2021, các nhà phân tích tình báo Mỹ dự đoán có thể phải mất vài tháng trước khi chính quyền và quân đội Afghanistan thất thủ trước Taliban. Thực tế, điều này chỉ diễn ra sau đó một tuần. Vậy Taliban từ đâu ra và vì sao có thể dễ dàng đè bẹp một đội quân chính quy đông tới hàng trăm ngàn, được tổ chức và huấn luyện theo kiểu Mỹ? Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ cùng độc giả tìm hiểu rõ hơn về Taliban, cuộc chiến 20 năm chống Mỹ và những khía cạnh khác của tổ chức Hồi giáo này. |
Giữa tháng 8/2021, Taliban chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan mà không cần "đổ máu" và đơn phương tuyên bố chiến thắng, trong bối cảnh các lực lượng do Mỹ dẫn đầu sắp hoàn tất việc rút khỏi Afghanistan.
Tổ chức này bị thất thế khi Mỹ đưa quân tham chiến ở Afghanistan năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/9 chấn động thế giới. Tuy nhiên, Taliban dần gây dựng lại, thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các lực lượng nước ngoài cũng như quân đội Afghanistan trong suốt 20 năm qua.
Taliban phần nào thu hút được sự chú ý của quốc tế khi nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã ký một thỏa thuận với tổ chức này vào ngày 29/2/2020 ở Doha, Qatar. Theo đó, các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu sẽ rút quân dần dần khỏi Afghanistan, trong khi Taliban cam kết không sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để đe dọa an ninh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden không thay đổi quyết định rút quân từ thời người tiền nhiệm. Thay vào đó, ông Biden trì hoãn quyết định này tới ngày 11/9 để trùng với lễ kỷ năm 20 năm vụ tấn công khủng bố chấn động thế giới. Tuy nhiên, vào tháng 6/2021, nhà lãnh đạo Mỹ đã điều chỉnh thời hạn rút quân khỏi Afghanistan là trước ngày 31/8.
Dù giữ phần lớn cam kết không nhắm vào các lợi ích an ninh của Mỹ, nhưng Taliban vẫn tiếp tục các cuộc tấn công chết chóc nhằm vào thường dân và quân đội Afghanistan. Tổ chức này cho rằng chính quyền Afghanistan, do phương Tây hậu thuẫn, không nằm trong thỏa thuận Mỹ - Taliban, ký hồi tháng 2/2020.
Thỏa thuận này mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và giới lãnh đạo Afghanistan. Nhưng các cuộc đàm phán này đều thất bại vì bạo lực tiếp diễn.
Kể từ khi Taliban thực hiện một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào quân đội Afghanistan vào tháng 5/2021, tổ chức này đã nhanh chóng kiểm soát các cửa khẩu biên giới quan trọng với Iran, Uzbekistan, Tajikistan và Pakistan. Thời điểm đó, một số video về việc binh sĩ Afghanistan lũ lượt đầu hàng, giao nộp vũ khí đã khiến phương Tây bị sốc.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Taliban với khoảng 85.000 tay súng đã thần tốc chiếm thủ phủ hàng chục tỉnh mà hầu như không gặp kháng cự, và đến ngày 16/8/2021 đã chiếm được Kabul, tuyên bố "chiến tranh kết thúc", kiểm soát hầu như toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Lần này, chính quyền của ông Biden đã bị sốc và thừa nhận rằng họ tính toán sai.
Để đi đến kết cục này là một chặng đường dài 20 năm.
Bản đồ các khu vực do Taliban và chính phủ Afghanistan kiểm soát, tính tới ngày 15/8. Màu vàng: Vùng do Taliban kiểm soát. Màu cam: Thủ phủ các tỉnh do Taliban kiểm soát. Màu xanh dương: vùng do chính phủ Afghanistan kiểm soát. Ảnh: Al Jazeera/ Afghanistan Analysts Network
Khởi đầu với 50 thành viên…
Những năm 1980, nhóm nổi dậy Mujahideen (Afghanistan) đứng lên chống lại các lực lượng của Liên Xô. Theo trang Al Jazeera, Mỹ đã cung cấp vũ khí và tiền cho nhóm Mujahideen như một phần trong chính sách chống Liên Xô - đối thủ của Washington thời điểm đó.
Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989, tình trạng hỗn loạn xảy ra ở quốc gia Nam Á. Năm 1992, cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các chỉ huy Mujahideen dẫn đến cuộc nội chiến toàn diện ở Afghanistan. Thủ đô Kabul bị chia cắt và phải hứng chịu hàng trăm quả rocket mỗi ngày, tới từ nhiều hướng khác nhau.
Năm 1994, Mullah Mohammad Omar, một chỉ huy của Mujahideen, tập hợp 50 thành viên và lập ra Taliban, theo tiếng Ả rập có nghĩa là "sinh viên". Các thành viên ban đầu của Taliban phần lớn được đào tạo trong các trường học tôn giáo bảo thủ ở Afghanistan và Pakistan.
Taliban nhanh chóng có được nhiều chiến tích và giành quyền kiểm soát Kandahar, thành phố lớn thứ 2 ở Afghanistan, sau thủ đô Kabul, và hứa giữ an toàn cho người dân ở các thành phố tại quốc gia Nam Á.
Quá chán ngán với chiến tranh liên miên, người dân Afghanistan rất hoan nghênh Taliban thời điểm đó. Các chỉ huy Mujahideen và lực lượng của họ khi đó bị buộc tội lạm dụng quyền lực và gây ra tội ác chiến tranh vì đấu đá lẫn nhau.
Năm 1996, Taliban đã chiếm thủ đô Kabul, tuyên bố Afghanistan là một vương quốc Hồi giáo và bắt đầu áp đặt luật pháp Hồi giáo nghiêm ngặt.
Khi đó, Taliban chỉ được công nhận bởi 3 quốc gia: Ả rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Pakistan.
Tuy vậy, thời gian đầu, Taliban vẫn "được lòng" người dân vì mang lại cuộc sống không chiến tranh và giải quyết vấn nạn tham nhũng.
…trỗi dậy với 6 năm cai trị chấn động
Sau thời gian đầu "được lòng" dân, Taliban không nới lỏng các hạn chế trong bộ luật Hồi giáo hà khắc. Họ cho rằng, sự khắt khe đó khiến các cuộc giao tranh không thể diễn ra.
Các biện pháp hạn chế, bao gồm cấm phụ nữ đi học và làm việc, trừ nghề bác sĩ. Dưới sự cai trị của Taliban, bất cứ ai không tuân theo các điều ghi trong bộ luật Hồi giáo hà khắc sẽ bị bỏ tù hoặc đánh đập công khai.
6 năm cai trị của Taliban được đánh dấu bằng việc lợi dụng các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, đồng thời hạn chế các hoạt động và thú tiêu khiển như âm nhạc hay truyền hình. Thậm chí, các môn thể thao cũng được quy định chặt chẽ, như các vận động viên nam phải mặc gì hay các trận đấu phải tạm dừng trong 5 lần cầu nguyện hàng ngày.
Việc phá hủy các tượng Phật lịch sử ở tỉnh Bamiyan, Afghanistan, của Taliban vào năm 2001 đã vấp phải sự lên án của toàn thế giới.
Trước đó một năm, Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Taliban vì có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ngày 7/10/2001, Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau khi Taliban không chấp nhận giao nộp trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 đang lẩn trốn ở Afghanistan.
Trước khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan, Taliban đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó cung cấp bằng chứng về vai trò của Osama bin Laden trong vụ khủng bố 11/9 và sau đó là các cuộc đàm phán với Washington. Tuy nhiên, ông Bush từ chối cả hai.
Taliban bị mất quyền lực chỉ vài tháng sau một chiến dịch dội bom của Mỹ và đồng minh. Chính phủ lâm thời mới do ông Hamid Karzai được thành lập ở Afghanistan vào tháng 12/2001. Ba năm sau, hiến pháp mới của Afghanistan, dựa theo hiến pháp cải cách của những năm 1960 khi quyền lợi được trao cho phụ nữ và các dân tộc thiểu số, được ban hành.
Nhưng tới năm 2006, Taliban đã tập hợp lại và huy động được các máy bay chiến đấu trong cuộc chiến chống lại Mỹ và đồng minh.
Các tay súng tại một trại quân sự của Taliban. Ảnh: Taliban photo
20 năm xung đột liên miên kể từ năm 2001 đã tàn phá Afghanistan, với hơn 40.000 dân thường thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa Taliban và lực lượng do Mỹ dẫn đầu. Ngoài ra, ít nhất 64.000 binh sĩ, cảnh sát Afghanistan và hơn 3.500 binh sĩ nước ngoài đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh đó.
Mỹ đã chi gần 1 nghìn tỷ USD vào cuộc chiến ở Afghanistan và các dự án tái thiết nhưng quốc gia Nam Á này phần lớn vẫn nghèo nàn và có cơ sở hạ tầng yếu kém.
Năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama cho phép một nhóm quan chức Taliban tới cư trú tại Qatar, nơi họ được giao nhiệm vụ đặt nền móng cho các cuộc đàm phán giữa Taliban với chính phủ của Tổng thống Afghanistan thời bấy giờ là ông Karzai.
Năm 2013, văn phòng của Taliban chính thức được mở tại thủ đô Doha, Qatar. Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức và mặt đối mặt với Taliban mà không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan.
Nhà nước song song
Taliban đơn phương thiết lập một nhà nước song song với chính phủ Afghanistan dù chưa được thế giới công nhận. Ảnh: Army Times
Taliban đã đơn phương thiết lập một nhà nước song song với chính phủ Afghanistan, với tên gọi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (không được Liên Hợp Quốc công nhận) với "quốc kỳ" riêng màu trắng. Tổ chức này cũng chọn những người lãnh đạo có bộ máy hoạt động ngầm ở 34 tỉnh của Afghanistan.
Thủ lĩnh Taliban đứng đầu một hội đồng có nhiệm vụ giám sát các ủy ban phụ trách những vấn đề như tài chính, y tế hay giáo dục. Taliban thậm chí còn có cả hệ thống tòa án riêng.
Theo một số thành viên của Taliban và một ủy ban của Liên Hợp Quốc, Taliban kiếm được 1,5 tỷ USD/năm. Taliban cũng kiếm được tiền nhờ hợp tác với các mafia địa phương và khu vực để buôn bán ma túy. Năm 2020, Taliban kiếm được hàng triệu USD từ khai thác và buôn bán khoáng sản cũng như sản xuất ma túy đá.
Taliban còn có hệ thống thu thuế riêng và nhận tài trợ từ nước ngoài.
Những câu hỏi
Các câu hỏi được đặt ra ngay lúc này là: Điều gì sẽ xảy ra sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan?
Ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra ở Afghanistan, gần 1.800 thường dân nước này đã thiệt mạng hoặc bị thương trong 3 tháng đầu năm nay. Con số này cao hơn con số cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%.
Taliban cũng bị cáo buộc gây ra làn sóng ám sát các nhà báo và nhà hoạt động tại Afghanistan dù tổ chức này phủ nhận.
Theo một khảo sát dư luận đáng chú ý năm 2019, khoảng 85% người được hỏi cho biết họ không còn thiện cảm với Taliban.
Người dân Afghanistan đang tự hỏi mình rằng cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu Taliban tiếp quản đất nước một lần nữa. Liệu họ có quay trở lại với bộ luật Hồi giáo hà khắc trước đây?
Trong một bài viết trên trang New York Times, Taliban đã cố gắng làm rõ điều này. Tổ chức này tuyên bố muốn "xây dựng một hệ thống Hồi giáo, trong đó các quyền của phụ nữ từ giáo dục tới làm việc được bảo vệ".
Shaheen, người đại diện của Taliban, hồi đầu tuần trước nhấn mạnh rằng, "phụ nữ sẽ được phép đi làm, tới trường và thậm chí tham gia vào chính trường nhưng họ phải đội khăn trùm đầu - một tập tục quen thuộc của người Hồi giáo".
Tuy nhiên, chưa ai biết việc thực hiện những tuyên bố đó trong thực tế sẽ ra sao.
---------------------
Taliban đã dùng chiến lược, chiến thuật gì để đấu với quân đội chính quy Afghanistan và cường quốc số 1 thế giới là Mỹ trong suốt 20 năm, để rồi cuối cùng thắng như chẻ tre, đoạt quyền kiểm soát đất nước? Mời độc giả đón đọc cụ thể trong bài kỳ tới, xuất bản sáng sớm ngày 19/8 trên mục Thế giới.
Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã nhanh chóng đẩy mạnh tấn công, chiếm được 26 trong số 34...
Nguồn: [Link nguồn]