Từ “chắc chắn” thắng nhanh Liên Xô, 3 triệu quân Đức thảm bại vì chủ quan ra sao?

Ngày 22/6/1941, Đức mở cuộc xâm lược Liên Xô với mật danh “chiến dịch Barbarossa”. Quốc trưởng Đức Quốc xã Adolf Hitler nhấn mạnh, Đức phải thắng Liên Xô trước mùa đông.

Quân Đức có bước khởi đầu thuận lợi trong chiến dịch xâm lược Liên Xô khi bắt được nhiều tù binh (ảnh: History)

Quân Đức có bước khởi đầu thuận lợi trong chiến dịch xâm lược Liên Xô khi bắt được nhiều tù binh (ảnh: History)

Theo Foreignpolicy, từ cuối năm 1940, Hitler đã ban hành chỉ thị số 21 của Quốc trưởng, ra lệnh quân đội Đức chuẩn bị cho chiến dịch Barbarossa (lấy theo biệt hiệu của Hoàng đế La Mã Frederick I). Hitler hy vọng quân Đức sẽ lặp lại chiến thắng chớp nhoáng ở Tây Âu trên đất Liên Xô.

“Lực lượng vũ trang Đức phải sẵn sàng để thắng Liên Xô bằng kế hoạch tấn công chớp nhoáng, trước cả khi kết thúc chiến tranh với Anh”, phần mở đầu của kế hoạch Barbarossa viết.

Để thực hiện chiến dịch Barbarossa, Đức huy động lực lượng đông nhất trong Thế chiến II, bao gồm khoảng 3 triệu quân, chia làm 150 sư đoàn (80% trong số này là quân thiện chiến của Đức), 3.500 xe tăng, 2.500 máy bay và khoảng 7.000 khẩu pháo. Lực lượng này chiếm khoảng 80% sức mạnh của quân đội Đức thời bấy giờ.

Bên kia chiến tuyến, Hồng quân Liên Xô có khoảng 5,7 triệu quân. Tuy nhiên, lực lượng này rải khắp lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô. Khoảng 2,5 triệu Hồng quân đóng ở các khu vực xa xôi như Trung Á, Siberia, Viễn Đông, hải đảo… Số quân này đề phòng Nhật Bản tấn công, nên không thể tham chiến. Khi quân Đức tràn qua biên giới, Moscow đã bị bất ngờ, theo All World War.

3 lính Đức với khuôn mặt phủ đầy tuyết trong chiến dịch Barbarossa (ảnh: Seattlepi)

3 lính Đức với khuôn mặt phủ đầy tuyết trong chiến dịch Barbarossa (ảnh: Seattlepi)

Trong nhật ký cá nhân, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels viết, ngày 22/6 cũng là ngày hoàng đế Pháp Napoleon chọn để tấn công Nga 129 năm trước. Napoleon đã thua khi đánh với quân Nga trong mùa đông. Do vậy, Đức muốn thắng nhanh để tránh lặp lại thất bại của Napoleon. Bản thân Hitler đặc biệt lo ngại về mùa đông ở Liên Xô.

Cuộc tấn công của quân Đức bước đầu thuận lợi. Tới tháng 9/1941, Đức đã chiếm được Kiev (nay là thủ đô Ukraine). Ở phía bắc, Đức bao vây và cô lập Leningrad (nay là thành phố Saint Peterburg thuộc Nga), nhưng chưa đủ mạnh để chiếm thành phố quan trọng này. Quân Đức cũng áp sát và bao vây Moscow. Thời tiết thuận lợi cho đà tiến của quân Đức từ tháng 6 đến tháng 10 khiến Hitler bắt đầu chủ quan và mơ về một chiến thắng sớm cho Đức, theo IWM UK.

Ngày 16/8/1941, Thống chế Lục quân Đức Wilhelm Keitel đề nghị cắt giảm số lượng thiết bị quân sự cho chiến dịch Barbarossa, nguyên nhân là Đức cần tiết kiệm chiến phí và Keitel “chắc chắn” Đức sẽ thắng Liên Xô trước mùa đông. Hitler đồng ý với kế hoạch trên.

Ngựa của quân Đức gục chết khi phải kéo pháo và vận chuyển hàng tiếp tế cho chiến dịch Barbarossa ảnh: History)

Ngựa của quân Đức gục chết khi phải kéo pháo và vận chuyển hàng tiếp tế cho chiến dịch Barbarossa ảnh: History)

Đầu tháng 10/1941, trước thế chủ động của Đức trên chiến trường, Hitler phát động chiến dịch Typhoon (Bão biển). Mục tiêu của chiến dịch này là chiếm được Moscow, bắt sống ban lãnh đạo của Liên Xô và buộc Liên Xô tuyên bố đầu hàng.

“Thành phố đó sẽ bị vây chặt. Không một lính Hồng quân, không một dân thường, đàn ông, phụ nữ và trẻ em nào có thể trốn thoát. Mọi ý đồ thoát khỏi vòng vây sẽ bị đè bẹp bằng sức mạnh Đức”, Hitler tuyên bố trong một cuộc họp.

Tới ngày 15/10/1941, quân Đức chỉ còn cách Moscow 27km. Lãnh tụ Liên Xô Stalin hỏi đại tướng Zhukov rằng Moscow còn có thể giữ được không. Tướng Zhukov trả lời: “Nhất định chúng ta giữ được”. Zhukov yêu cầu tăng viện cho Moscow thêm ít nhất 2 quân đoàn và 200 xe tăng, Stanlin đồng ý, theo hồi ký của tướng Zhukov.

Khi đó, gần 1 triệu Hồng quân Liên Xô có mặt ở Moscow và tạo thành tuyến phòng thủ nhiều lớp. Quyết tâm trước mắt của họ đã giúp Moscow trụ vững qua tháng 10, theo Foreignpolicy.

Quân Liên Xô mặc đồ ngụy trang trong tuyết vào mùa đông năm 1941 (ảnh: Foreignpolicy)

Quân Liên Xô mặc đồ ngụy trang trong tuyết vào mùa đông năm 1941 (ảnh: Foreignpolicy)

Tới đầu tháng 11/1941, những cơn mưa trút xuống ngày càng nặng hạt và thời tiết chuyển rét dữ dội khiến sức chiến đấu của quân Đức bắt đầu suy giảm rõ rệt. Quân đội Đức dường như không hiểu gì về “mùa bùn lầy” (Rasputitsa theo cách gọi của Nga) và tin rằng có thể khắc phục bùn lầy bằng sức kéo động vật.

Kết quả là hàng nghìn xe tăng, pháo của Đức bị mắc kẹt trong bùn và những con ngựa chết vì kiệt sức. Sự chậm chạp của Đức đã giúp Hồng quân củng cố các tuyến phòng thủ, tập hợp thêm quân từ các vùng khác và tung ra chiến trường Moscow hơn 1.000 xe tăng T-34 chủ lực. Bánh xích của T-34 thiết kế rất rộng nên trọng lượng được tản đều. Loại xe tăng này có thể di chuyển qua các vũng lầy và mương sâu tới 1,5 mét.

Liên Xô cũng tích cực sử dụng chiến thuật tiêu thổ, đốt trụi các ngôi làng khiến quân Đức không tìm được chỗ trú giữa giá rét.

Ngày 2/12/1941, sư đoàn thiết giáp số 6 của Đức đã xuyên qua tuyến phòng thủ ở ngoại ô Moscow và dừng bước cách thành phố khoảng 14km, cách Điện Kremlin hơn 24km. Đây cũng là giới hạn xa nhất mà quân chủ lực Đức có thể tiến đến được trong chiến dịch Typhoon. Một số sư đoàn Đức lúc này đã rơi vào tình trạng kiệt quệ do giá rét, chỉ còn 50% quân đủ sức chiến đấu, theo All World War.  

Xe tăng Đức mắc kẹt trong băng tuyết (ảnh: Defensemedia)

Xe tăng Đức mắc kẹt trong băng tuyết (ảnh: Defensemedia)

Trong nhật ký chiến tranh ở Liên Xô, tướng Đức General Raus (1889 – 1956), chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 6, viết: “Ngày 1/12 âm 7 độ C, 2/12 âm 6 độ C, 3/12 âm 9 độ C, 4/12 âm 36 độ C, 5/12 âm 37 độ C, 6/12 âm 37 độ C, 7/12 âm 6 độ C, 8/12 âm 8 độ C”.

Nhiệt độ thấp nhất quân Đức ghi nhận trong chiến dịch Typhoon là âm 53 độ C vào ngày 26/1/1942 ở khu vực tây bắc Moscow. Lúc này, một số sư đoàn Đức đóng ở huyện Volokolamsk (ngoại thành Moscow) đã ghi nhận khoảng 800 ca mất sức chiến đấu vì cóng lạnh mỗi ngày. Không được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ để chiến đấu vào mùa đông, một người lính không thể chiến đấu nếu trời lạnh quá âm 23 độ C, theo All World War.

Theo History, các báo cáo về thời tiết ở Moscow trong mùa đông năm 1941 có sự khác biệt giữa Liên Xô và Đức. Phía Liên Xô cho rằng, vào thời điểm lạnh nhất trong tháng 12, nhiệt độ ở Moscow chỉ ở mức âm 28,8 độ C. Tuy nhiên, mùa đông năm 1941 vẫn là một trong những mùa đông lạnh nhất trong lịch sử Nga. Điều này trái với nhận định ban đầu của giới chuyên gia Đức Quốc xã khi cho rằng, mùa đông Nga sẽ bớt lạnh vì Trái đất ấm dần lên.

Vũ khí của Đức bắt đầu hỏng khi nhiệt độ xuống dưới âm 20 độ C. Ở nhiệt độ đó, dầu mỡ chống giật cho pháo, dầu nhớt của động cơ, chất bôi trơn cho súng… có thể bị đông cứng.

Phương tiện quân sự, máy bay Đức khó khởi động, tháp pháo của xe tăng không quay. Quân Đức đối phó bằng cách cho động cơ xe tăng, xe tải hoạt động liên tục. Điều này gây lãng phí nhiên liệu và tăng thêm áp lực hậu cần. Đối phó với xe tăng T-34 của Liên Xô, quân Đức chỉ còn cách dùng lựu đạn.

Bình luận về “mùa bùn lầy” và giá rét trong mùa đông ở Liên Xô, tướng Zhukov nói rằng: “Quân Đức lẽ ra phải hiểu rõ về thời tiết”.

Từ Berlin, Hitler ra lệnh chuyển mọi thứ có thể giữ ấm được cho quân Đức ở Liên Xô. Những thứ Đức thu gom bao gồm áo choàng, chăn, mũ lông… Việc thu gom bắt đầu vào ngày 27/12/1941, đến ngày 4/1/1942, hơn 76 triệu vật dụng giữ ấm đã được gom lại, theo Defensemedia Network.

“Kể cả chỉ còn một bộ quần áo mùa đông sót lại ở Đức, thì nó cũng phải được gửi ra mặt trận”, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels tuyên bố ngày 19/12/1941.

Tuy nhiên, sai lầm trong hậu cần của Đức đã không thể cứu vãn.  

Trong khi quân Đức suy yếu trên chiến trường, Hồng quân Liên Xô đã thể hiện sự kiên cường và giáng cho địch những đòn đau. Ngày 5/12/1941, tướng Zhukov phát động phản công nhằm đẩy lùi quân phát xít khỏi Moscow.

Trước đó, ngày 14/9/1941, giới lãnh đạo Liên Xô nhận được tình báo từ điệp viên Richard Sorge khẳng định: “Nhật Bản sẽ không tấn công trong năm nay”. Điều này khiến Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô yên tâm rút 4 tập đoàn quân từ Trung Á và Viễn Đông về chi viện cho Moscow. Tương quan lực lượng đã thay đổi trong khi tình báo Đức cho rằng Hồng quân đã thiệt hại nặng và không còn đủ sức để phản công, theo Foreignpolicy.

History UK nhận xét, lợi thế đặc biệt lớn của Hồng quân Liên Xô trong kế hoạch phòng thủ và phản công ở mùa đông năm 1941 là trang bị và khả năng tác chiến vượt trội giữa thời tiết lạnh giá. Quân Liên Xô được cung cấp quần áo, ủng, thiết bị ngụy trang, dụng cụ trượt tuyết khá đầy đủ, trong khi lính Đức rơi vào thiếu thốn.

Mộ tập thể của lính Đức ở Liên Xô (ảnh: Zib)

Mộ tập thể của lính Đức ở Liên Xô (ảnh: Zib)

Trong khi Liên Xô phản công dữ dội, Hitler nổi giận và cách chức Tư lệnh tối cao của Thống chế Walther von Brauchitsch (ngày 19/12/1941). Hitler tự ngồi vào ghế Tư lệnh tối cao và ra lệnh cho các tướng lĩnh ở Moscow: “Không được rút lui”.

Bất chấp mệnh lệnh từ Hitler, quân Đức bị hất ra xa khỏi Moscow từ 150 – 300km. Liên Xô tuyên bố, hơn 500.000 quân Đức thiệt mạng trong chiến dịch Barbarossa. Mùa đông năm 1941 trở thành thảm họa với quân Đức theo đúng nghĩa đen.

Trận chiến phòng thủ Moscow có tầm quan trọng bậc nhất trong chiến tranh Xô – Đức và cả Thế chiến II. Chiến thắng ở Moscow giúp Hồng quân Liên Xô củng cố về tâm lý, từng bước đẩy lùi quân Đức ra khỏi lãnh thổ và làm phá sản âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Hitler.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng cho Liên Xô trong cuộc chiến ở Moscow, trong đó phải kể đến sai lầm trong chiến lược hậu cần của Đức và thời tiết lạnh giá vào mùa đông.

Đại tướng Lục quân Đức Heinz Guderian viết trong hồi ký: “Cuộc tấn công vào Moscow đã thất bại. Chúng tôi đánh giá thấp quy mô, sức mạnh đối phương và đặc biệt là thời tiết. May mắn, tôi đã cho lực lượng của mình dừng tiến quân vào ngày 5/12. Nếu không, thảm họa sẽ khó tránh khỏi”.

________________

Xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn 8 tháng và tình hình hiện tại đã khác so với thời điểm ban đầu. Hoạt động hậu cần là một trong những khía cạnh góp phần vào sự thay đổi đó. Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới ngày 1.11 sẽ đề cập về vấn đề này.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc làm gì trong Thế chiến II?

Hơn 2 năm trước khi xe tăng Đức tiến vào Ba Lan và 4 năm trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, “chiến tranh thế giới thứ 2” đã nổ ra sớm nhất ở Trung Quốc, theo nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN