Từ canh bạc đồng ruble của Nga đến cuộc đối đầu tiền tệ toàn cầu
Việc Nga yêu cầu các nước phương Tây thanh toán khí đốt bằng đồng ruble có thể chỉ là một trong chiến lược đối trọng với đồng đô la Mỹ.
Trước sức ép ngày càng tăng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã đáp trả lại bằng tuyên bố yêu cầu các nước mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng ruble. Hiện tại, các nước châu Âu nhập khẩu 40% tổng lượng khí đốt sử dụng từ Nga, mỗi ngày thanh toán tới 800 triệu USD.
Điện Kremlin cũng đang ra tín hiệu rằng tất cả các mặt hàng năng lượng và hàng hóa xuất khẩu của Nga, như phân bón, ngũ cốc, dầu thực phẩm, dầu mỏ, than đá, kim loại, gỗ, v.v… có thể sẽ được định giá hết bằng đồng ruble – động thái sẽ khiến nhiều nước phương Tây gặp khó khăn khi tiếp cận các mặt hàng này.
Leo thang cuộc chiến tiền tệ
Trên thực tế, đây chỉ là một trong hàng loạt động thái Nga đã, đang và sẽ thực hiện nhằm củng cố giá trị của đồng ruble và về lâu dài, có thể làm giảm sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong hệ thống định giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu.
Ảnh minh họa
Từ sau khi bị phương Tây áp đặt trừng phạt về việc sáp nhập Crimea năm 2014, Nga đã nhận ra quyền bá chủ của phương Tây trong hệ thống tài chính và tìm cách giảm sức ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ đối với họ.
Kể từ đó, Nga đã thực hiện hàng loạt bước đi để giảm tỷ lệ sở hữu đồng đô la Mỹ và giảm sự hiện diện của đồng tiền này trong các giao dịch của mình. Theo một ước tính được trang Asia Times trích dẫn, tỷ trọng xuất khẩu của Nga tính bằng đô la Mỹ đã giảm từ 80% vào năm 2014 xuống còn khoảng một nửa hiện nay.
Trong cùng thời kỳ, Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm một nửa dự trữ bằng đồng đô la Mỹ, chuyển sang nắm giữ thêm đồng euro, nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác. Đến năm 2019, Nga nắm giữ một phần tư dự trữ nhân dân tệ của thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ý định làm giảm sức ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ – đồng tiền dự trữ đang được cả thế giới sử dụng của Nga không phải là điều có thể xảy ra trong một sớm một chiều và càng không phải là điều một quốc gia có thể làm được.
Do đó, Nga đang tìm kiếm sự giúp đỡ của các ông lớn khác, đáng chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong nhiều năm qua, cả Nga và Trung Quốc đều nhất trí tìm cách tách khỏi đồng đôla Mỹ (hay còn gọi là phi đô la hóa). Hai nước này đã có một bước đi quan trọng vào năm 2019, theo đó, họ đồng ý giải quyết tất cả giao dịch thương mại giữa hai bên bằng đồng nội tệ của nhau.
Nga và Ấn Độ cũng đã thực hiện một bước đi nhỏ nhưng quan trọng hướng tới hoạt động tài chính thương mại và đầu tư phi đô la vào ngày 25/3/2022, khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (tức Ngân hàng trung ương của nước này) cho phép Nga đầu tư số tiền thu được từ bán vũ khí cho Ấn Độ vào các trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ.
Ấn Độ đã thay đổi các quy tắc về vay thương mại từ nước ngoài để đáp ứng đề xuất này của Nga.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Nga gần đây đã tiếp cận các nhà xuất khẩu Ấn Độ, đưa ra kế hoạch một cơ chế thanh toán bằng đồng rupee. Theo đó đồng ruble của Nga sẽ được chuyển đổi thành đồng rupee của Ấn Độ với tỷ giá quy định và tiền sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng của Ấn Độ.
Hai ngân hàng của Nga, Sberbank và VTB, đã được chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ xác định sẽ là đối tác chính nếu cơ chế này được thực hiện, mặc dù các bên chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đi theo lộ trình này hay không.
Kịch bản định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu
Nhìn lại lịch sử tiền tệ, trong kỷ nguyên hiện đại, chỉ thực sự có một thay đổi lớn là khi đồng bảng Anh bị đồng đôla Mỹ "vượt mặt" sau Thế chiến thứ hai – chỉ vì nước Anh khi đó mắc nợ quá nhiều sau hai cuộc chiến tranh tàn khốc trong bốn thập kỷ.
Và sau đó, vai trò trung tâm của đồng đô la Mỹ đã được khẳng định vào năm 1974 khi Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác ở vùng Vịnh nhất trí buôn bán dầu bằng đồng đô la Mỹ, để đổi lại các bảo đảm về mặt an ninh từ phía Mỹ.
Trong bối cảnh hiện tại, để quá trình phi đô la hóa thực sự có hiệu quả, Nga, Trung Quốc và các nước có liên quan sẽ cần thuyết phục những quốc gia khác cùng tham gia.
Việc chuyển sang một thế giới hậu đô la chỉ có thể xảy ra khi ngày càng nhiều nước chấp nhận rộng rãi một loại tiền tệ khác – mà cho đến nay, rất ít quốc gia khác (ngoại trừ Iran) tỏ ra quan tâm. Phần lớn thương mại toàn cầu vẫn được tiến hành bằng đô la, euro hoặc bảng Anh.
Nhìn tổng quát từ tình hình hiện tại, có thể thấy, khó có thể xảy ra sự chuyển dịch trong một đêm từ một loại tiền tệ toàn cầu này sang một loại tiền tệ toàn cầu khác.
Nhiều khả năng, đó chỉ là sự chuyển đổi dần dần sang một hệ thống tài chính đa cực, trong đó các loại tiền tệ khác như đồng euro, nhân dân tệ, vàng hay một loại tiền kỹ thuật số mới nào đó cùng nhau đóng một vai trò nhất định. Đây mới là nguy cơ chính mà Washington cần phải chú ý.
Trong khi tăng cường trừng phạt đối với Nga và đồng tiền của nước này, vô hình chung, Mỹ đang tạo điều kiện để các đồng tiền nặng ký khác, như euro, bảng Anh.,. vươn lên. Trong một thế giới hậu đô la Mỹ, đồng tiền của các "ông lớn" sẽ có nhiều cơ hội đánh bật đồng đô la Mỹ.
Điện Kremlin thông báo Nga tạm thời chưa ngừng cung cấp khí đốt cho các nước phương Tây, đồng thời giải thích lý do.
Nguồn: [Link nguồn]