Tự bảo vệ mình trước biến thể Delta như thế nào?
Vì sao biến thể Delta lại có độc lực mạnh, khả năng lây lan nhanh rộng như thế và làm thế nào để mọi người có thể tự bảo vệ mình tốt nhất trước biến thể này?
Biến thể Delta với độc lực và khả năng lây nhiễm mạnh được cho là yếu tố chính khiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao trên toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ mình trước các biến thể của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta.
Vì sao biến thể Delta lây mạnh, độc lực cao?
Biến thể Delta (ký hiệu B.1.167.2) được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ hồi tháng 10-2020. Hiện nay, biến thể này đã lây lan sang ít nhất 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý rằng thực tế dịch bệnh tại nhiều nước cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm gia tăng. Những nghiên cứu đã được công bố cho thấy biến thể này lây nhanh hơn 40%-60% so với biến thể Alpha từng hoành hành ở Anh cuối năm ngoái và gần gấp đôi so với thể virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Bên cạnh tiêm phòng vaccine, đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng để chống lại biến thể Delta vốn có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Ảnh: SAMARITAN HEALTH SERVICES
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết so với các dòng virus SARS-CoV-2 trước, biến thể Delta làm tăng nguy cơ nhập viện đối với người nhiễm COVID-19, nhất là ở những người chưa được tiêm vaccine. Tại Scotland, nguy cơ nhập viện do biến thể Delta được cho là cao gấp đôi so với biến thể Alpha.
Tương tự, khi biến thể Delta hoành hành trong làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ hay trong các đợt dịch hiện tại ở Đông Nam Á, các nước này đối mặt với tình trạng quá tải hệ thống y tế do sự kết hợp giữa độc lực mạnh hơn và khả năng lây nhiễm mạnh của biến thể này. Tại Mỹ, số ca nhập viện cũng tăng trở lại khi biến thể Delta lây mạnh trong nhóm người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Dù còn nhiều điểm chưa rõ ràng ở biến thể Delta, các nhà khoa học tin rằng sự thay đổi của biến thể này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Các đột biến giúp biến thể Delta bám tốt hơn vào các thụ thể ACE2 - loại enzyme được coi là “chìa khóa” giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập và lây nhiễm ở các tế bào ở đường hô hấp. Virus SARS-CoV-2 thuộc biến thể Delta có khả năng nhân lên nhanh hơn, tạo ra tải lượng virus cao trong đường hô hấp trên của người bị nhiễm, do đó bệnh có nguy cơ tiến triển nặng hơn và mầm bệnh cũng dễ dàng phát tán với số lượng lớn ra môi trường và lây nhiễm cho người lành. Một số chuyên gia còn nghi ngờ biến thể Delta có thể gây bệnh ngay cả khi cơ thể tiếp xúc với lượng mầm bệnh thấp hơn so với ngưỡng gây bệnh của các biến thể trước đó, theo tờ The Washington Post.
Để bảo vệ, chỉ tiêm vaccine thôi là chưa đủ
Theo TS Anna Bershteyn, thuộc Trường Y Grossman ĐH New York, dù virus SARS-CoV-2 có biến đổi thì những gì cần làm để phòng chống COVID-19, ngay cả với biến thể Delta, vẫn không thay đổi. Tương tự, CDC và các tổ chức y khoa khác cho rằng tiêm vaccine, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người… vẫn là các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trước biến thể Delta.
Khi các nỗ lực tiêm chủng vẫn đang diễn ra, “chúng ta cũng phải sử dụng tất cả chiến lược phòng chống bệnh hiện có”. CDC Mỹ |
Trong đó, vaccine được coi là công cụ hữu hiệu nhất để phòng chống biến thể Delta. Theo CDC, dù không có vaccine nào hiệu quả tuyệt đối nhưng các loại vaccine hiện tại “đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế lây lan virus và giảm tới mức tối thiểu bệnh diễn tiến nặng”, ngay cả đối với biến thể Delta.
Một nghiên cứu khi biến thể Delta lây lan mạnh tại Bahrain - nơi triển khai tiêm cả vaccine Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc cho thấy hầu hết trường hợp tử vong chỉ xảy ra ở người chưa tiêm chủng. Điều này nghĩa là các loại vaccine có hiệu quả, dù ở mức độ khác nhau, trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong do biến thể Delta, theo tạp chí Fortune.
CDC lưu ý rằng dù người đã tiêm vaccine được bảo vệ ngay cả khi nhiễm COVID-19, nhóm này vẫn có thể truyền bệnh cho người khác. Đáng ngại hơn, một nghiên cứu tại Singapore - nước dùng các vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna cho thấy trong tuần đầu tiên nhiễm bệnh, tải lượng virus ở những người nhiễm biến thể Delta là tương đương, bất kể họ tiêm vaccine hay chưa. Trong khi đó, vaccine giúp giảm tải lượng virus nếu người bệnh nhiễm các biến thể khác. Điều này có nghĩa người tiêm vaccine cũng có thể làm lan truyền biến thể Delta ở mức tương tự như người chưa tiêm chủng.
Do đó, nhóm nghiên cứu tại Singapore khuyến cáo rằng để giảm nguy cơ lây truyền biến thể Delta, các biện pháp như đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn là quan trọng đối với mọi người, bất kể người đó đã tiêm vaccine hay chưa.
Ngoài ra, tránh tụ tập đông người, sử dụng tấm chắn giọt bắn như “chiếc khẩu trang thứ hai” và đảm bảo thông khí trong nhà cũng được coi là biện pháp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 nói chung, nhiễm biến thể Delta nói riêng.
Ủng hộ các quan điểm trên, BS Dharushana Muthulingam, thuộc Viện Y tế cộng đồng, ĐH Washington tại TP St. Louis (bang Missouri, Mỹ), lưu ý rằng các biện pháp phòng chống dịch cần phù hợp với điều kiện tại địa phương. Người dân ở các vùng có dịch cần chú ý tới các khuyến cáo của chính quyền, kết hợp cùng các biện pháp tự bảo vệ bản thân.
Virus làm việc của virus, chúng ta có việc của chúng ta “Virus luôn biến đổi. Đó là việc của chúng. Nhưng chúng cần vật chủ để sao chép và biến đổi, chúng không tự mình biến đổi được. Cách duy nhất để ngăn chặn các đột biến mới và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 là chấm dứt sự lan truyền và lây nhiễm” - TS sinh học L. Syd M Johnson, tại ĐH Y khoa SUNY Upstate (New York, Mỹ), nói với báo Medical News Today. Cách hiệu quả nhất để chống lại biến thể Delta là tiêm vaccine. Nhận thức được điều này, các nước đều đang rất nỗ lực triển khai tiêm chủng. Các nước nghèo khan hiếm nguồn cung thì cố gắng phủ sóng mũi 1, mũi 2. Các nước giàu dễ tiếp cận vaccine thì đã và đang áp dụng chính sách tiêm tăng cường mũi 3. Theo TS Johnson, mũi tăng cường có thể cần thiết cho các cá nhân bị suy giảm miễn dịch nhưng về cái chung thì nên ưu tiên phủ sóng vaccine cho các nước nghèo trước, sau đó mới tính đến chuyện tiêm mũi 3 cho người dân các nước giàu - những người đã được tiêm hai mũi và bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh tiến triển nặng hay tử vong nếu nhiễm. “Biến thể Delta xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, đó không đơn giản chỉ là sự xui xẻo. Người dân Ấn Độ không được vaccine bảo vệ. Các nước giàu đã có cái nhìn thiển cận khi để cho phần còn lại của thế giới không được tiêm chủng…” - theo TS Johnson. “Chúng ta tự gây nguy hiểm cho bản thân khi sẵn sàng hy sinh người khác. Đây là bài học đơn giản về COVID-19 nhưng lại là bài học mà chúng ta dường như không thể học được… Đoàn kết chúng ta sẽ sống, chia rẽ chúng ta sẽ gục ngã” - bà Johnson nêu quan điểm về chuyện phân phối đồng đều vaccine cho thế giới. ĐĂNG KHOA |
Một nghiên cứu mới ước tính rằng, biến chủng Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của người chưa tiêm vắc xin...
Nguồn: [Link nguồn]