Nga - Ukraine từ bạn chuyển thành "thù" ra sao?
Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, quan hệ Moscow – Kiev trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng, nhưng chưa bao giờ tới mức thù địch như hiện nay.
Tổng thống Nga Putin thường xuyên nhấn mạnh Ukraine – Nga là “một dân tộc” (ảnh: CNN)
Theo DW, Nga và Ukraine là 2 quốc gia có cùng chung nguồn gốc từ Đại công quốc Kievan Rus. Đây là một Đại công quốc rất lớn mạnh thời trung cổ với thủ đô là Kiev, tồn tại ở khu vực Đông Âu từ thế kỷ 9 – 13.
Sau khi bị Đế quốc Mông Cổ tiêu diệt, Đại công quốc Kievan Rus bị chia tách thành nhiều quốc gia, trong đó có Nga và Ukraine. Đây là lý do vì sao Tổng thống Nga Vladimir Putin thường gọi Nga và Ukraine là “một dân tộc” và không muốn Kiev ngả về phương Tây.
“Tôi sống ở phương Đông, không phải phương Tây,” ông Putin nói vào năm 1999.
Theo USNI, kể từ khi Kievan Rus tan rã, Nga và Ukraine theo đuổi những chính sách xây dựng đất nước riêng, tạo ra văn hóa, ngôn ngữ và tư tưởng riêng. Tuy nhiên trong khi Nga ngày càng lớn mạnh và vươn mình trở thành một đế chế vào khoảng thế kỷ thứ 17, Ukraine lại ngày càng suy yếu. Kết quả là Ukraine bị lệ thuộc nặng nề và trở thành một phần của Đế quốc Nga. Mâu thuẫn giữa 2 nước cũng bắt đầu từ đây.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười thành công, Đế quốc Nga sụp đổ, Ukraine giành độc lập trong khoảng thời gian ngắn trước khi gia nhập Liên Xô.
Năm 1991, Liên Xô tan rã, Ukraine tuyên bố độc lập nhưng Nga vẫn duy trì sức ảnh hưởng lớn về kinh tế - quân sự đối với quốc gia Đông Âu. Theo Bản ghi nhớ Budapest ký năm 1994, Ukraine phải trao trả cho Nga tất cả vũ khí hạt nhân, History viết.
Cuộc biểu tình năm 2014, Kiev thành “biển lửa” (ảnh: AP)
Bằng việc cung cấp nguồn khí đốt giá rẻ, Nga cho rằng Ukraine sẽ khó có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, sự trì trệ trong phát triển kinh tế khiến Ukraine ngày càng ngả về phương Tây.
Năm 1997, Nga – Ukraine ký Hiệp ước “Big Treaty”. Theo hiệp ước này, 2 bên chính thức công nhận biên giới lẫn nhau. Bán đảo Crimea – nơi đa số cư dân là người gốc Nga – là một phần lãnh thổ Ukraine.
Mối quan hệ hợp tác Nga – Ukraine sau đó phát triển khá ổn định cho tới năm 2003, khi Moscow bất ngờ khởi công xây dựng một con đập lớn ở eo biển Kerch gần đảo Tuzla thuộc Ukraine. Kiev cáo buộc Nga ngày càng bành trướng và đang muốn “vẽ lại biên giới”. Việc xây dựng con đập sau đó được Nga tạm dừng nhưng quan hệ giữa 2 nước bắt đầu rạn nứt.
Theo NBC, năm 2004, Viktor Yanukovych – ứng cử viên tổng thống Ukraine do Nga hậu thuẫn – bị người dân ngăn cản nhậm chức trong cuộc “Cách mạng Cam”. Viktor Yushchenko – đối thủ của Viktor Yanukovych – với tư tưởng thân phương Tây sau đó trở thành tổng thống Ukraine. Nga rất không hài lòng về kết quả này.
Năm 2008, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush con) kêu gọi Ukraine và Gruzia (2 nước từng thuộc Liên Xô) gia nhập NATO. Điện Kremlin cho rằng Ukraine đang ngày càng đi quá xa khỏi “vòng tay” của mình. Kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine và Gruzia sau đó bị hoãn lại bởi sự ngăn cản của Pháp, Đức.
Ông Viktor Yanukovych – Tổng thống bị phế truất của Ukraine (ảnh: Reuters)
Năm 2010, Viktor Yanukovych thắng cử và giành lại ghế tổng thống từ ông Viktor Yushchenko. Dưới thời ông Yanukovych nắm quyền, Ukraine ngả về Nga, “quay lưng” với EU và Mỹ, nhưng kinh tế ngày càng trì trệ.
Tháng 11.2013, ông Yanukovych từ chối ký kết một hiệp định hợp tác với EU để đổi lấy khoản viện trợ tài chính trị giá 15 tỷ USD từ Nga. Quyết định trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Tới tháng 1.2014, những cuộc biểu tình đòi lật đổ ông Yanukovych diễn ra ngày càng gay gắt trên khắp Ukraine. Đám đông biểu tình và lực lượng an ninh liên tục đụng độ khiến nhiều người chết, Ukraine chìm trong bất ổn. Một tháng sau, ông Yanukovych phải bỏ trốn sang Nga.
Tận dụng khoảng trống quyền lực ở nước láng giềng, tháng 3.2014, Nga nhanh chóng sáp nhập bán đảo Crimea khiến Ukraine “chết lặng”. Đây là bước ngoặt trong quan hệ Ukraine – Nga khiến 2 nước “từ bạn hóa thù”. Ở Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine, Nga cũng âm thầm hỗ trợ lực lượng ly khai đối đầu với quân đội Ukraine.
Tháng 8.2014, Tổng thống mới đắc cử của Ukraine – ông Petro Poroshenko – phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhằm tiêu diệt quân ly khai ở Donetsk và Luhansk. Quân đội Ukraine được cho là đang giành thế thắng trước khi bị đánh bật bởi Nga can thiệp quân sự. Moscow đến nay vẫn phủ nhận thông tin này.
Giao tranh dữ dội ở miền đông Ukraine khiến hàng nghìn người thiệt mạng (ảnh: INF)
Tháng 9.2014, sau khi hứng tổn thất nặng nề, Ukraine chấp nhận ký thỏa thuận ngừng bắn với phe ly khai tại Minsk. Từ năm 2015, những cuộc đụng độ giữa quân đội Ukraine và phe ly khai diễn ra một cách âm thầm. Hiệp định Minsk sau đó được ký kết nhằm vãn hồi hòa bình ở miền đông Ukraine nhưng bị quân đội chính phủ lẫn phe ly khai thường xuyên vi phạm. Những cuộc chiến liên miên khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng, theo USNI.
Từ năm 2020, xung đột giữa phe ly khai với quân đội Ukraine ngày càng gay gắt. Trong khi Ukraine tỏ rõ thái độ muốn gia nhập NATO, Nga kiên quyết phản đối điều này.
Ông Putin tới thăm bản đảo Crimea (ảnh: DW)
Ảnh vệ tinh hé lộ Nga dàn quân gần biên giới Ukraine (ảnh: CNN)
Từ cuối năm 2021, căng thẳng biên giới Nga - Ukraine khiến thế giới “nín thở” trước nguy cơ xảy ra xung đột. Nga được cho là điều ít nhất 100.000 quân áp sát Ukraine. Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine trong vài ngày tới. Nhiều cuộc đàm phán cao cấp giữa Nga – Anh, Pháp, Đức, Nga – Mỹ về vấn đề Ukraine đều rơi vào bế tắc.
Tổng thống Nga Putin hiện không quan tâm đến một cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine – ông Volodymyr Zelensky.
Nếu Tổng thống Nga Putin ra lệnh cho hàng trăm xe tăng tiến vào nước láng giềng Ukraine, đây sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng an ninh thế giới tồi tệ và nguy hiểm nhất...
Nguồn: [Link nguồn]