Tu-141 "Strizh", mẫu UAV Liên Xô thách thức các hệ thống phòng không tối tân
Máy bay không người lái (UAV) Tu-141 "Strizh" từng vượt qua biên giới một loạt nước NATO mà không bị ngăn chặn và mới đây, nó được cho là đã tham gia đợt tập kích căn cứ trong lãnh thổ Nga.
Trong hai ngày 5 và 6/12, 3 căn cứ không quân quan trọng của Nga nằm cách biên giới Ukraine từ 90 đến khoảng 600km đã bị tấn công bằng UAV, khiến ít nhất 3 binh sĩ thiệt mạng. Nga sau đó cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công, đồng thời xác nhận Kiev đã sử dụng UAV sản xuất từ thời Liên Xô (cũ).
Một UAV Tu-141 được kích hoạt từ bệ phóng mặt đất. Ảnh: GettyImages
Phía Nga thông tin thêm, lực lượng phòng không tại các căn cứ Dyagilevo và Engels đã cố gắng đánh chặn UAV. Tuy nhiên, những thiệt hại được ghi nhận cho thấy, dường như nỗ lực đánh chặn được tiến hành khi UAV xuất hiện quá gần căn cứ, khiến các mảnh vỡ từ vụ nổ văng không kiểm soát.
Dù Nga không nêu rõ tên loại UAV tham gia tập kích, tờ Forbes dẫn các nguồn tin quân sự cho biết mẫu UAV thời Liên Xô (cũ) trong các vụ việc là Tu-141 "Strizh".
Tu-141 được thiết kế từ những năm 1970, phục vụ trong quân đội Liên Xô (cũ) từ năm 1979 đến 1989, chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát biên giới phía Tây, gần các nước NATO. Mẫu UAV này là phiên bản hiện đại hóa của Tu-123, vốn đã ra đời từ những năm 1960.
Cơ chế vận hành của Tu-141. Mẫu UAV này không hạ cánh trên đường băng, mà tiếp đất nhờ dù. Ảnh: ITN
Được phát triển bởi phòng thiết kế Tupolev, Tu-141 sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở Kharkov của Ukraine. Đây là một trong những UAV đầu tiên trong lịch sử sử dụng động cơ phản lực KR-17A, có tầm bay khoảng 1.000km, vận tốc tối đa lên đến 1.100km/h, gần Mach 1.
Theo trang tin AviaPro, UAV Tu-141 có chiều dài hơn 14m, sải cánh rộng gần 4m, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 8 tấn. Tu-141 cất cánh từ xe phóng giống cơ chế của tên lửa và hạ cánh bằng dù, thay vì đường băng như máy bay thông thường.
Chiếc UAV do Liên Xô sản xuất này được trang bị máy ảnh phim, máy ảnh hồng ngoại kèm radar mô phỏng địa hình, nhưng có thể loại bỏ các thiết bị trinh sát để chứa bom. Với tốc độ hơn 1.100km và tầm bay xa, nó giống như một tên lửa hành trình nếu mang chất nổ, Forbes nhận định.
Một tổ hợp vận hành Tu-141. Ảnh: GettyImages
Liên Xô (cũ) tan rã, Tu-141 gần như ngừng hoạt động ở Nga bởi thiết kế cũ, song Ukraine được cho là vẫn niêm cất và vận hành các tổ hợp loại này. Khi chiến sự nổ ra ở miền Đông Ukraine năm 2014, Tu-141 từng được phát hiện bay trên bầu trời gần khu vực biên giới Nga.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, một chiếc Tu-141 đã tái xuất theo cách đặc biệt hồi tháng 3/2022: Nó xuất phát từ lãnh thổ Ukraine, bay một mạch qua lãnh thổ Romania, Hungary và rơi ở Croatia (3 nước NATO), mà không gặp phải bất cứ phản ứng nào.
Mảnh vỡ UAV Tu-141 sau khi rơi xuống Croatia hồi tháng 3/2022. Ảnh: AP
Reuters dẫn thông báo của giới chức Hungary và Croatia khẳng định họ có phát hiện chiếc Tu-141 nhưng không kịp phản ứng. Tờ này dẫn kết quả phân tích hiện trường ở Croatia khẳng định chiếc Tu-141 đó có mang theo một quả bom OFAB 100-120 cỡ nhỏ.
Dù không gây thiệt hại về người, sự cố đã cho thấy những thách thức mà các hệ thống phòng không tiên tiến phải đối mặt trong bối cảnh chiến sự phức tạp.
Forbes nói rằng, ngoài Tu-141, Ukraine dường như còn sử dụng cả những chiếc Tu-143, phiên bản nâng cấp của Tu-141 trong các hoạt động quân sự gần đây. Hồi mùa Hè, Ukraine đã điều 2 chiếc Tu-143 làm nhiệm vụ gần bang Kursk của Nga, nhưng khi đó chúng đều bị bắn hạ.
Nguồn: [Link nguồn]
Bom khinh khí Tsar Bomba là loại vũ khí nguyên tử lớn nhất mà Liên Xô từng kích nổ, đây hiện vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất mà con người từng chế tạo trong lịch sử.